Các ngành nghề liên quan đến bao bì nhựa sẽ chịu tác động dây chuyền của Luật Bảo vệ môi trường 2020.
Phát sinh điều kiện kinh doanh vượt cả luật
Có khá nhiều ý kiến trong thẩm định của Bộ Tư pháp đồng quan điểm với ý kiến của 13 hiệp hội doanh nghiệp trong và ngoài nước. Thẩm định này đã được gửi tới Văn phòng Chính phủ, tới Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Theo phân tích của Bộ Tư pháp, Dự thảo quy định khoảng cách an toàn về môi trường đối với khu dân cư có thể dẫn đến việc phát sinh các điều kiện kinh doanh về khoảng cách an toàn đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh. Và như vậy sẽ vượt quá mức cần thiết quy định tại Điều 7, Luật Đầu tư, bởi điều kiện đầu tư kinh doanh được quy định tại các luật, pháp lệnh, nghị định và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Bộ, cơ quan ngang bộ, HĐND, UBND các cấp, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác không được ban hành quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh.
Liên quan khoản 4, Điều 81 của Dự thảo, Bộ Tư pháp đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường giải trình rõ cơ sở, lý do và đánh giá kỹ lưỡng về các quy định điều kiện của bên được ủy quyền tổ chức tái chế để đảm bảo các điều kiện quy định tại Dự thảo không vượt quá mức cần thiết quy định tại Luật Đầu tư, để không làm cản trở, hạn chế sự gia nhập thị trường của các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Theo Bộ Tư pháp, Dự thảo quy định việc tham vấn cộng đồng dân cư, nhưng một số nội dung chưa cụ thể, chưa rõ ràng như: các yếu tố nhạy cảm về môi trường nơi thực hiện dự án, phương án bồi hoàn đa dạng sinh học... Việc quy định chung chung như Dự thảo Nghị định có thể dẫn đến có nhiều cách hiểu tùy nghi, áp dụng khác nhau trên thực tiễn.
Đáng lưu ý, theo Bộ Tư pháp, nếu thực hiện theo khoản 5, Điều 81 của Dự thảo, thì bên được ủy quyền tổ chức tái chế, đơn vị tái chế được thuê phải nộp hồ sơ đăng ký về Văn phòng EPR Việt Nam tổng hợp, trình Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố danh sách các tổ chức đủ điều kiện tổ chức, thực hiện tái chế. Như vậy có thể dẫn đến việc chưa đảm bảo tính minh bạch, khách quan, phát sinh thủ tục hành chính không cần thiết.
Không chỉ điều trên, nhiều điều khoản khác của Dự thảo còn giao trách nhiệm cho Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, đánh giá năng lực, đánh giá các điều kiện và như vậy có thể làm phát sinh điều kiện kinh doanh và năng lực của tổ chức thực hiện, chưa chuẩn với Luật Đầu tư. Vì vậy, Bộ Tư pháp đề nghị, cần lược bỏ các quy định “giao việc” cho Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.
“Đẻ” thêm thủ tục, gây tốn kém cho doanh nghiệp
Luật Bảo vệ môi trường quy định, chủ dự án đầu tư tự vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải và gửi báo cáo kết quả đến cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép môi trường của dự án. Cơ quan cấp giấy phép môi trường có trách nhiệm kiểm tra và quyết định việc điều chỉnh loại, khối lượng chất thải nguy hại được phép xử lý hoặc khối lượng phế liệu được phép nhập khẩu và xử lý vi phạm (nếu có) theo quy định của pháp luật (thực hiện hậu kiểm). Như vậy, trách nhiệm kiểm tra thuộc về cơ quan nhà nước.
Tuy nhiên, Dự thảo lại quy định, phải có đơn vị quan trắc giám sát, đánh giá hiệu quả và tự đánh giá hoặc thuê tổ chức có đủ năng lực đánh giá, kiểm tra sau khi kết thúc vận hành thử nghiệm... Điều này có thể dẫn đến phát sinh những thủ tục gây tốn kém chi phí.
Do vậy, Bộ Tư pháp cho rằng, có thể giao trách nhiệm cho chủ đầu tư cam kết tự đánh giá, tự chịu trách nhiệm đối với nội dung vận hành thử nghiệm và toàn bộ quá trình vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải và có sự giám sát, kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Bên cạnh đó, theo Bộ Tư pháp, Điều 87 của Dự thảo quy định trách nhiệm cung cấp thông tin về sản phẩm bao bì, thành phần nguyên liệu, hướng dẫn phân loại, thu gom, tái sử dụng, tái chế... có thể dẫn đến chi phí phát sinh không đáng có cho doanh nghiệp.
Còn Điều 38, Dự thảo liên quan thủ tục nộp hồ sơ lại chưa đáp ứng việc đơn giản hóa thủ tục hành chính. Đơn cử, ngoài yêu cầu văn bản đăng ký, thì việc yêu cầu thêm báo cáo đăng ký nhu cầu sản xuất, sử dụng là không cần thiết, không khả thi, vì tổ chức, cá nhân mới chỉ thực hiện bước đăng ký nhu cầu, chưa thể có báo cáo.
Mặt khác, đây mới chỉ là bước đầu nộp hồ sơ để đánh giá nhu cầu sản xuất, sử dụng các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy, nên việc quy định Bộ Tài nguyên và Môi trường thành lập đoàn kiểm tra thực tế (chưa rõ kiểm tra về nội dung gì) cũng bất hợp lý và sẽ gây khó khăn, tốn kém thời gian, chi phí.
Dự thảo quy định thủ tục cấp đổi, điều chỉnh, cấp lại giấy phép môi trường, kể cả của doanh nghiệp đã có, mà thực hiện theo như quy trình thủ tục cấp giấy phép lần đầu là chưa hợp lý.
Đặc biệt, quy định thủ tục nhập khẩu phế liệu không thuộc Danh mục tại khoản 1, Điều 47 của Dự thảo chưa quy định rõ tiêu chí, điều kiện để Bộ Tài nguyên và Môi trường đánh giá, xem xét, có thể dẫn đến cơ chế xin - cho. Tại điều này, chưa quy định rõ trường hợp nào cần thiết lấy ý kiến các cơ quan liên quan và việc tổ chức kiểm tra tại cơ sở dự kiến thử nghiệm phế liệu nhập khẩu, nên sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Dự thảo quy định Cổng thông tin điện tử EPR quốc gia được kết nối với các cơ sở dữ liệu về thuế, hải quan, bảo đảm việc kê khai của nhà sản xuất, nhập khẩu đúng quy định của pháp luật. Trong khi đó, Luật Quản lý thuế năm 2019 quy định, cơ quan thuế phải bảo mật thông tin của người nộp thuế và chỉ có thể cung cấp thông tin liên quan đến việc xác định nghĩa vụ thuế và xác nhận việc thực hiện nghĩa vụ thuế của người nộp thuế khi có đề nghị theo quy định của pháp luật.
Vì vậy, Bộ Tư pháp đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo Dự thảo phải điều chỉnh quy định cho phù hợp.
Tiền doanh nghiệp góp tái chế sao lại làm việc khác?
Đây là góp ý khá gay gắt của cả 13 hiệp hội doanh nghiệp trong và ngoài nước và Bộ Tư pháp cũng cùng quan điểm. Cụ thể, theo Bộ Tư pháp, Dự thảo quy định, việc Hội đồng EPR quốc gia được quyết định và phê duyệt kinh phí hoạt động của Văn phòng EPR Việt Nam từ số tiền do doanh nghiệp nộp vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam là chưa hoàn toàn phù hợp với mục đích của số tiền đóng góp (tái chế).
Mặt khác, quy định về mức đóng góp vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam phải đối chiếu với quy định chi tiết mức đóng góp tài chính và mức kinh phí hỗ trợ tái chế được xác định theo khối lượng hoặc đơn vị sản phẩm, bao bì đã được Chính phủ quy định tại Luật Bảo vệ môi trường và cụ thể hóa hệ số, đơn vị tính để có thể lượng hoá được chi phí mà doanh nghiệp phải bỏ ra, đảm bảo tính minh bạch, công khai, phải có được sự đồng thuận của người chi tiền. Đồng tiền đóng góp này phải giao cho tổ chức, cá nhân có trách nhiệm tái chế, không nên giao Văn phòng EPR Việt Nam làm thay.
Cũng theo Bộ Tư pháp, Luật Bảo vệ môi trường không quy định về lập Hội đồng EPR và Văn phòng EPR, nên việc lập ra theo Dự thảo sẽ tăng thêm tổ chức và tăng biên chế, không đúng với chủ trương sắp xếp, kiện toàn, tinh giản tổ chức bộ máy biên chế của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập theo các nghị quyết của Bộ Chính trị và Chính phủ.
Vì vậy, Bộ Tư pháp đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường cần làm rõ vị trí, chức năng, vai trò Văn phòng EPR là đại diện cho nhà sản xuất, nhập khẩu, hay là cơ quan nhà nước do Bộ Tài nguyên và Môi trường thành lập có chức năng quản lý, giám sát; từ đó, làm rõ chế độ tài chính, nguồn lực cho văn phòng này.
(Còn tiếp)