Thống kê tình hình xuất nhập khẩu 4 tháng đầu năm cho thấy, nhập siêu trong tháng 4/2010 ước tính là 1,3 tỷ USD, tăng 8,2% so với tháng trước. Tính cả 4 tháng đầu năm, nhập siêu là 4,7 tỷ USD, bằng 23,1% tổng kim ngạch hàng hoá xuất khẩu. Cán cân thanh toán cần số tiền này từ nguồn khác ngoài xuất khẩu để trở nên cân bằng và giữ cho nguồn dự trữ ngoại tệ không hao đi.
Tình hình giá cả hàng tiêu dùng mặc dù dịu xuống trong tháng 4, nhưng tính cả 4 tháng, tốc độ tăng chỉ số giá là 4,27%. Chính phủ nhận ra khả năng thực tế khó giữ được mức tăng cả năm dưới 7% nên đã nới chỉ tiêu kiềm chế lạm phát lên 8% cho năm 2010. Chỉ tiêu này vẫn lạc quan hơn nhiều so với mức 11% mà Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo lần gần đây nhất.
Cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu đang đẩy giá USD và giá vàng lên cao (giá vàng đã lập kỷ lục mới, vượt 1.200 USD/ounce). Giá vàng trong nước lập tức tăng theo, vượt ngưỡng 28 triệu đồng/lượng. Tuy vậy, giá USD trong nước vẫn "bình lặng", bất chấp thông lệ về mối quan hệ giữa hai tài sản dự trữ mang tính thay thế USD và vàng (giá tài sản này tăng kéo theo sự tăng giá của tài sản kia).
Nếu không kể đến mấy ngày gần đây giá USD tăng nhẹ do hậu quả của khủng hoảng nợ công ở châu Âu (giá USD bán ra theo niêm yết của Ngân hàng Ngoại thương tăng lên 19.050 đồng), thì trước đó, theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), thị trường ngoại tệ liên tục diễn biến theo chiều hướng tích cực. Lượng ngoại tệ các tổ chức tín dụng bán cho NHNN tăng dần, trong khi lượng ngoại tệ NHNN bán hỗ trợ các tổ chức tín dụng không đáng kể. Tỷ giá USD/VND bình quân liên ngân hàng ổn định ở mức 18.544, tỷ giá giao dịch của các ngân hàng thương mại luôn thấp hơn trần cho phép và có xu hướng giảm (cuối tháng 4 giảm 0,52% so với cuối tháng 3), còn tỷ giá trên thị trường tự do thấp hơn tỷ giá giao dịch của các ngân hàng thương mại (cuối tháng 4 giảm 1,2% so với cuối tháng 3).
Xét ở khía cạnh cung - cầu, theo các chuyên gia, USD không trở nên đắt hơn so với VND là do nguồn cung USD đã đáp ứng được nhu cầu (chủ yếu cho nhập khẩu hàng hóa, ngoài ra là du lịch, du học, dự trữ…).
Xuất khẩu đem lại nguồn thu ngoại tệ lớn nhất cho Việt Nam, nhưng luôn không đủ bù đắp cho nhu cầu nhập khẩu, bởi tình hình nhập siêu triền miên. Tuy nhiên, hai nguồn thu lớn khác đã góp phần bù đắp cho sự thâm hụt của cán cân thương mại và tạo nên số dư dự trữ ngoại tệ là vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và kiều hối. Các nguồn bổ sung quan trọng khác là chi tiêu của khách du lịch nước ngoài, vốn giải ngân ODA, vốn vay nước ngoài khác, vốn đầu tư gián tiếp qua TTCK…
Trong 4 tháng đầu năm, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện ước đạt 3,4 tỷ USD (thu hút vốn FDI đạt 5,9 tỷ USD); vay nước ngoài từ phát hành trái phiếu quốc tế đạt 1 tỷ USD; giải ngân ODA đạt 390 triệu USD (ký kết 497 triệu USD), vốn đầu tư nước ngoài gián tiếp qua TTCK đạt khoảng 260 triệu USD (theo tổng hợp lượng mua ròng của các NĐT nước ngoài). Tổng giá trị các nguồn trên trong 4 tháng là 5,05 tỷ USD.
Chưa có thông báo chính thức thống kê từ các nguồn khác, trong đó có kiều hối. Nhưng kiều hối những tháng đầu năm nay nhiều khả năng không thấp hơn so với cùng kỳ năm 2009, do kinh tế thế giới, đặc biệt là Mỹ hồi phục khá rõ. Tổ chức Barclays capital dự đoán, kiều hối trong năm 2010 của Việt Nam sẽ đạt khoảng 7 tỷ USD (năm 2009 là 6,8 tỷ USD, năm 2007 là 7,2 tỷ USD).
Như vậy, cân đối tổng thể, cung USD đáp ứng được cầu USD. Thời gian qua, Chính phủ cũng đã thực hiện một số giải pháp quản lý, điều tiết quan trọng nhằm bình ổn thị trường ngoại hối, trong đó có quy định các tổ chức kinh tế phải gửi ngoại tệ vào ngân hàng với lãi suất tối đa 1%/năm.
Một nguyên nhân khác khiến giá USD trên thị trường tự do hạ nhiệt là sự chuyển động giữa các phân khúc thị trường từ đầu năm 2010 đến nay, với chất xúc tác là sự thay đổi lãi suất giữa các đồng tiền.
Năm ngoái, khi chính sách hỗ trợ lãi suất ngắn hạn được áp dụng, nhiều nhà nhập khẩu tận dụng bằng cách vay VND rồi dùng nó để mua USD. Cộng thêm sự găm giữ USD của các nhà xuất khẩu, tình trạng khan hiếm USD cục bộ đã gây ra cơn sốt ngoại tệ này. Sang năm nay, tình hình hoàn toàn ngược lại. Không còn hỗ trợ, lãi suất VND trở nên cao hơn đáng kể so với lãi suất USD và điều này thúc đẩy những chuyển động ngược lại trên thị trường ngoại hối. USD được vay nhiều hơn, thay vì mua, khiến cầu USD giảm xuống.
Trong tháng 4/2010, lãi suất cho vay VND phục vụ sản xuất - kinh doanh phổ biến ở mức 14 - 15%/năm (mức cao nhất là 17%/năm). Trong khi đó, lãi suất cho vay USD là 6 - 8%/năm. Trong số 5,58% tăng trưởng dư nợ tín dụng của 4 tháng đầu năm, dư nợ bằng VND chỉ tăng 1,98%, còn dư nợ bằng USD tăng trên 17%.
Cảnh báo được đưa ra là: đến thời điểm các khoản vay USD đáo hạn, nhu cầu USD trên thị trường ngoại tệ sẽ tăng vọt, do các đối tượng vay USD phải mua USD để trả nợ. Theo TS. Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, vào thời điểm đó, nếu những điều kiện kinh tế vĩ mô khác không thuận lợi, tình hình ngoại tệ sẽ rất căng.
Nguy cơ mới nhất là cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu. Đến nay, cuộc khủng hoảng này vẫn chưa hoàn toàn được hóa giải, cho dù Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã thông qua khoản tài chính cứu trợ lên tới gần 1.000 tỷ USD. Nếu cuộc khủng hoảng này không sớm được kiểm soát, kinh tế châu Âu và phần còn lại của thế giới sẽ không tránh khỏi tái suy giảm. Khi đó, những tác động tới thị trường ngoại hối Việt Nam sẽ đẩy sự chuyển động trên thị trường ngược lại so với hiện nay.