Các doanh nghiệp bắt đầu hoạt động trong trạng thái bình thường mới.

Các doanh nghiệp bắt đầu hoạt động trong trạng thái bình thường mới.

Doanh nghiệp tăng tốc phục hồi

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Các doanh nghiệp đang phục hồi, thậm chí đẩy mạnh sản xuất - kinh doanh sau giai đoạn giãn cách xã hội.

Những tín hiệu khả quan

Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, trong tháng 10/2021, hoạt động sản xuất công nghiệp có dấu hiệu phục hồi khi chỉ số sản xuất ngành công nghiệp (IIP) ước tính tăng 6,9% so với tháng 9 (nhưng giảm 1,6% so với cùng kỳ năm trước).

Kết quả này là nhờ tình hình dịch Covid-19 tại nhiều địa phương, nhất là TP.HHCM và các tỉnh, thành phố khác ở phía Nam dần được kiểm soát, kinh tế từng bước hồi phục, các doanh nghiệp bắt đầu hoạt động trong trạng thái bình thường mới.

Chẳng hạn, ngay từ đầu tháng 10/2021, không ít doanh nghiệp tại TP.HCM chuyển từ hoạt động “3 tại chỗ” sang mô hình “4 xanh” (địa phương xanh, người lao động xanh, cung đường xanh và nhà máy xanh), trong đó gần 60% doanh nghiệp trong các khu chế xuất, khu công nghiệp tái hoạt động sản xuất.

Dịch bệnh Covid-19 kéo dài khiến nhiều doanh nghiệp kiệt sức, nhưng đang dần phục hồi.

Trước đó, các doanh nghiệp trên địa bàn hầu như tê liệt khi tạm ngừng kinh doanh từ ngày 9/7. Tổng số doanh nghiệp tại các khu công nghiệp, khu chế xuất là 1.412 đơn vị với 285.000 lao động, nhưng chỉ có 265 doanh nghiệp với 51.000 lao động hoạt động.

Tại Đồng Nai, từ đầu tháng 10, địa phương này trở lại trạng thái bình thường mới. Doanh nghiệp có thể đăng ký phương án “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 địa điểm”, hoặc để lao động đi, về hàng ngày, nhưng phải đảm bảo đầy đủ các quy định về phòng, chống dịch bệnh.

Trước khi tỉnh có chính sách mở cửa để phục hồi kinh tế, có hơn 1.200 doanh nghiệp đăng ký thực hiện theo phương án “3 tại chỗ” và “1 cung đường, 2 địa điểm”, với gần 140.000 lao động. Đến nay, gần 100% doanh nghiệp trong tổng số hơn 1.700 doanh nghiệp ở các khu công nghiệp trên địa bàn đã hoạt động trở lại.

Tình hình hoạt động sản xuất - kinh doanh tại nhiều địa phương khác cũng có diễn biến tích cực.

Đáng lưu ý, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam tháng 10/2021 do IHS Markit vừa công bố đã tăng trở lại trên ngưỡng trung tính 50 điểm, đạt 52,1 điểm, cải thiện mạnh mẽ so với con số 40,2 điểm trong tháng 9. Sản lượng, số lượng đơn đặt hàng mới và hoạt động mua hàng gia tăng.

Tiêu dùng trong nước tháng 10 cũng tăng trở lại, với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 357.900 tỷ đồng, tăng 18,1% so với tháng 9.

Doanh nghiệp sẵn sàng bật dậy

Ông Mai Thanh Phương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Sản xuất và Công nghệ Nhựa Pha Lê (PLP) cho biết, trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát vừa qua, Công ty chỉ hoạt động ở mức vừa đủ để giữ được bộ máy nhân sự, đảm bảo nền tảng cho sự phát triển sau khi dịch được kiểm soát.

Bên cạnh đó, thị trường miền Nam bị tác động mạnh nhất bởi dịch bệnh đã ảnh hưởng đến tiến độ thanh toán của các đối tác, làm tăng khoản phải thu, tăng chi phí tài chính của PLP.

Kể từ tháng 10, các biện pháp giãn cách dần được nới lỏng, bên cạnh việc duy trì ổn định tệp khách hàng về sản phẩm filler (hạt nhựa phụ gia), Công ty nỗ lực mở rộng tệp khách hàng cùng với các đơn hàng mới, chạy tối đa công suất 7 dây chuyền tại nhà máy ở Hải Phòng.

Tuy nhiên, PLP nhận thấy hoạt động xuất khẩu filler chững lại nên quyết định xoay trục hoạt động sang phát triển sản phẩm phụ kiện ván sàn SPC để kéo lại biên lợi nhuận của ngành filler đang giảm dần.

Tại Công ty cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông (RAL), lãnh đạo RAL cho hay, dịch Covid-19 khiến doanh nghiệp ghi nhận nhiều chi phí gia tăng trong quá trình tổ chức hoạt động 3 tại chỗ, xét nghiệm cho công nhân, cước phí vận chuyển cao…

Ngay khi bước sang quý IV/2021, Công ty đã có sự chuẩn bị cho kế hoạch hoạt động khi nền kinh tế mở cửa trở lại, bắt kịp với giai đoạn bình thường mới, chuẩn bị các điều kiện cho mùa tiêu thụ cuối năm, phấn đấu đạt doanh thu năm 2021 vượt 18% so với năm 2020.

RAL đang tập trung thúc đẩy chuyển đổi số, các chương trình truyền thông, bán hàng trên nền tảng trực tuyến. Đặc biệt, Công ty đẩy mạnh thương mại điện tử quốc tế và kinh doanh không tiếp xúc để tìm kiếm thêm các đơn hàng xuất khẩu.

Đối với ngành chế biến, xuất khẩu thủy sản - một trong những ngành chịu tác động mạnh nhất trong đợt giãn cách vừa qua, ngay từ những ngày đầu tháng 10/2021, nhiều doanh nghiệp đã có tâm thế sẵn sàng bắt đầu lại các hoạt động sản xuất, chế biến tôm trong điều kiện bình thường mới.

Từ đầu tháng 10, Công ty cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (MPC) đã lên phương án phục hồi sản xuất nhanh nhất có thể, nhằm tăng tốc về đích kế hoạch trong những tháng cuối năm, sau khoảng thời gian phải sản xuất cầm chừng, hoạt động 1/3 công suất. MPC đặt ra mục tiêu duy trì sản xuất từ nay đến hết năm 2021 đạt trên 70% công suất, với phương án “7 xanh”, gồm nhà máy xanh, công nhân xanh, di chuyển xanh, nơi ở xanh, nhà cung cấp xanh, vắc-xin xanh và trạm y tế tại chỗ xanh.

Đến giữa tháng 10, Công ty cổ phần Thủy sản Minh Phú Hậu Giang (công ty con của MPC) đã tiếp nhận 3.200 lao động cư trú trong và ngoài địa bàn tỉnh Hậu Giang vào làm việc theo phương án “3 tại chỗ” và “1 cung đường, 2 điểm đến” để kịp thực hiện các đơn hàng giai đoạn cao điểm cuối năm.

Ngày 27/10, MPC khởi công chuỗi dự án bao gồm 3 nhà máy chế biến thủy sản Minh Phát, Minh Quý, Minh Phú có cùng công suất 18.000 tấn/năm và nhà máy bao bì Quang Minh có công suất 5.000 tấn/năm.

Theo ông Lê Văn Quang, Tổng giám đốc MPC, việc xây dựng chuỗi dự án này nhằm kịp thời đáp ứng cuộc cạnh tranh về công nghệ chế biến tôm, xuất khẩu tôm trên thị trường thế giới.

Bộ Công thương nhận định, từ tháng 11/2021, nếu đà kiểm soát dịch bệnh theo chiều hướng khả quan, các biện pháp hỗ trợ, khôi phục nền kinh tế được triển khai đồng bộ, khả năng sản xuất công nghiệp trong 2 tháng cuối năm sẽ có sự tăng trưởng cao hơn.

Nỗi lo vẫn còn

Tình hình kinh tế nói chung được cải thiện, nhưng có những khó khăn, thách thức khiến không ít doanh nghiệp phải e dè.

“Cho đến khi các vấn đề về khan hiếm nguồn cung nguyên vật liệu, giá cả hàng hóa đầu vào tăng cao, tình trạng thiếu nhân công được giải quyết, các nhà sản xuất vẫn phải phải tìm hướng thích nghi”, một chuyên gia kinh tế nói.

Đại diện PLP cho rằng, tình hình thiếu container, giá cước vận tải cao và khả năng tái phong tỏa do dịch Covid-19 là mối nguy hàng đầu.

Theo dự báo của Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, giá cước vận tải biển quý IV/2021 chưa hạ nhiệt do nhu cầu tăng cao là thách thức lớn với các doanh nghiệp xuất khẩu, nhất là doanh nghiệp đang phải chịu áp lực đẩy mạnh bán hàng để bù đắp cho giai đoạn giãn cách vừa qua.

“Khả năng đứt gãy đơn hàng sẽ khó xảy ra như trước đây do nhu cầu thị trường vẫn còn. Tuy nhiên, nếu tình hình dịch bệnh kéo dài thì chắc chắn nhu cầu của thị trường sẽ điều chỉnh theo sức mua của các thị trường quốc tế”, lãnh đạo PLP nhận định.

Một khó khăn khác là đa số doanh nghiệp cần có dòng tiền để duy trì, khôi phục hoạt động sản xuất, mong muốn được tiếp vốn tín dụng ưu đãi, hoặc giảm, giãn thời gian trả nợ.

Tin bài liên quan