Doanh nghiệp tăng tốc chuyển đổi số để cứu mình

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Là doanh nghiệp đã 46 năm hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, là tổng thầu có quy mô lớn tại Việt Nam với các công trình khắp ba miền đất nước, Công ty cổ phần Xây dựng số 1 COFICO vẫn gặp thử thách khi đại dịch Covid-19 ập đến.
Doanh nghiệp tăng tốc chuyển đổi số để cứu mình

“Đối với một công ty xây dựng, việc duy trì hoạt động phục vụ cho công trường là sống còn đối với COFICO, chính vì vậy các hoạt động ký kết, phê duyệt hồ sơ hợp đồng, đề nghị thanh toán, hồ sơ thanh toán lương… vẫn phải duy trì, dù trong hoàn cảnh nào", ông Nguyễn Mạnh Tuân – Trưởng phòng Phát triển ứng dụng của COFICO chia sẻ. Vậy nhưng, điều này đôi khi trở thành bất khả thi trong bối cảnh giãn cách vì đại dịch.

Khủng hoảng Covid thúc đẩy chuyển đổi số của doanh nghiệp

Để đảm bảo yếu tố sống còn là hoạt động tại công trường được duy trì trong bối cảnh giãn cách xã hội, COFICO xác định phải tăng tốc chuyển đổi để thích nghi và tự cứu mình. Ông Tuân đã cùng COFICO tìm tới lời giải là giải pháp ký kết hợp đồng điện tử và triển khai gấp rút giữa cao điểm dịch bệnh vào tháng 7/2021.

COFICO chỉ là một trong số hàng nghìn doanh nghiệp xác định phải tăng tốc chuyển đổi số để kinh doanh không gián đoạn trong đại dịch, nhất là khi diễn biến nguy hiểm khó lường của Covid-19 có sức mạnh “quật ngã” bất kỳ doanh nghiệp nào. Theo khảo sát tình hình doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch của Ban IV và VnExpress, trong tổng số 21.517 doanh nghiệp được hỏi, 2/3 số này đã phải tạm ngừng hoạt động do dịch hoặc giải thể. Chỉ 16% duy trì sản xuất dưới công suất.

Đáng chú ý, những hệ luỵ mà đại dịch để lại sẽ còn kéo dài. Nếu không nhanh chân “tự bơi”, doanh nghiệp có nguy cơ nối đuôi nhau bị nhấn chìm trong “sóng thần” Covid-19. Khảo sát 2.750 doanh nghiệp tư nhân của Deloitte cho thấy, lãnh đạo doanh nghiệp ở khắp nơi trên thế giới tin rằng, những tác động của đại dịch trên diện rộng sẽ không chỉ kéo dài trong 12 tháng tới, mà là trong vài năm tới.

Bên cạnh đó, đại dịch không chỉ làm tăng số lượng rủi ro doanh nghiệp phải đối mặt, mà còn làm thay đổi bản chất của những rủi ro, khiến việc quản trị trở nên khó khăn hơn. Ví dụ, việc đánh giá và ước lượng tác động của đại dịch Covid-19 tới chuỗi cung ứng khá đơn giản, nhưng những rủi ro như sở thích khách hàng, môi trường kinh doanh thay đổi sẽ khó để đo lường và giảm thiểu tác động hơn. Điều này có thể ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh và thành công của doanh nghiệp.

Trong bối cảnh này, các doanh nghiệp tư nhân phải thay đổi trên mọi khía cạnh, với chiến lược phát triển tập trung vào nâng cao năng suất lao động, chuyển đổi số và phát triển sản phẩm – dịch vụ mới…

69% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết, họ đã tăng tốc đáng kể quá trình chuyển đổi số trong thời kỳ khủng hoảng, với niềm tin rằng chuyển đổi số sẽ giúp kinh doanh không gián đoạn, cùng nhiều lợi ích khác như cải thiện trải nghiệm khách hàng, tăng doanh số bán hàng, tăng cường khả năng quản lý và giảm thiểu chi phí, từ đó mang lại lợi nhuận cao hơn.

Gia tăng đầu tư vào công nghệ

Bên cạnh việc chuyển động với tốc độ nhanh hơn, các tổ chức tham gia khảo sát cũng đang tăng cường quy mô đầu tư vào công nghệ. Bảo mật thông tin dự kiến sẽ là khoản đầu tư về khoa học công nghệ cao nhất trong vòng 12 tháng tới, sau đó là điện toán đám mây, phân tích dữ liệu, quản lý quan hệ khách hàng (CRM)…

Diễn biến này tương đồng với các báo cáo khác về xu hướng chi tiêu công nghệ của doanh nghiệp toàn cầu. Theo Gartner, các CIO (giám đốc công nghệ thông tin) của các doanh nghiệp sẽ tăng cường chi tiêu cho công nghệ thông tin nói chung phù hợp với mức kỳ vọng tăng trưởng và phục hồi kinh tế, đặc biệt khi vaccine Covid-19 đang được triển khai nhanh chóng. Cụ thể, dự báo chi tiêu cho các dịch vụ công nghệ thông tin (dịch vụ IT) sẽ đạt 1,1 nghìn tỷ USD năm 2021, tăng 9% so với năm trước đó và gần 1,2 nghìn tỷ USD vào năm 2022.

Trong đó, theo IDC, chi tiêu trực tiếp cho chuyển đổi số, vốn đã tăng nhanh đáng kể từ khi đại dịch bùng phát, sẽ tiếp tục tăng với tốc độ bình quân hàng năm (CAGR) là 15,5% trong giai đoạn 2020 - 2023, đạt 6,8 nghìn tỷ USD năm 2023.

Việt Nam không nằm ngoài xu hướng này. Mức độ quan tâm tới chuyển đổi số của doanh nghiệp Việt thể hiện qua nhu cầu sử dụng các giải pháp công nghệ giúp cải tiến hiệu suất, vận hành thông suốt.

Chẳng hạn, trong mảng ký kết điện tử, theo đại diện FPT, số lượng hợp đồng điện tử trên hệ thống FPT.eContract kể từ đầu năm 2021 tới nay tăng hơn 300% so với năm trước đó. Số lượng đơn đặt hàng mới trong lĩnh vực chuyển đổi số của FPT tăng trưởng 2 con số, cho thấy các doanh nghiệp đã tin tưởng vào vai trò của công nghệ để vượt qua các thay đổi bất ngờ xảy ra trong đại dịch và để đảm bảo hoạt động ổn định trong dài hạn.

Đáng chú ý, các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam đứng trước cơ hội đón nhận nhiều đơn đặt hàng từ thị trường nước ngoài khi nhu cầu gia tăng. Theo dự báo của Statista, tổng doanh thu dịch vụ công nghệ thông tin mà doanh nghiệp Việt Nam có thể ghi nhận năm 2021 có thể đạt 1,18 tỷ USD, tăng trưởng khoảng 6% so với năm trước đó.

Tin bài liên quan