Các sản phầm nông nghiệp cần được chế biến sâu để tăng giá trị

Các sản phầm nông nghiệp cần được chế biến sâu để tăng giá trị

Doanh nghiệp tăng niềm tin kinh doanh

(ĐTCK) Lãnh đạo các doanh nghiệp cho rằng, tình hình khó khăn của nền kinh tế hiện nay đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, song cơ hội luôn nằm trong thách thức nếu biết nắm bắt, khai thác.

Ông Phan Quốc Công, Tổng giám đốc và đồng sáng lập Công ty Sản xuất hàng gia dụng quốc tế (ICP) cho rằng, mặc dù nền kinh tế còn những khó khăn nhất định, nhưng ông vẫn có niềm tin khá lớn vào tăng trưởng của kinh tế của Việt Nam, đặc biệt là trong ngành hàng tiêu dùng.

“Trước đây, khái niệm dầu gội đầu cho nam giới trong gia đình chưa được hình thành nhiều, nhưng hiện nhu cầu này đang ngày càng rõ nét”, ông Công nói.

Còn theo ông Lý Ngọc Minh, Tổng giám đốc Công ty TNHH Minh Long, trước đây sản phẩm gốm sứ của Minh Long chủ yếu được xuất khẩu ra thế giới, với tỷ lệ 95% tổng hàng hóa sản suất. Nhưng thời gian gần đây, khi thị trường xuất khẩu khó khăn, Minh Long đã sớm nhìn nhận cơ hội tăng trưởng ở thị trường nội địa là không nhỏ.

Trong khi đó, ông Bùi Quang Ngọc, Phó chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP FPT cũng có nhận xét rằng, rõ ràng, nếu nhìn vào thực tế thì ngay cả khi có khó khăn về tăng trưởng, nhu cầu về dịch vụ của người tiêu dùng còn khá lớn, đáng chú ý là với mặt hàng dân dụng, tiêu dùng. Tuy nhiên, theo ông Ngọc, có một thực tế phải thừa nhận, đó là, hiện Việt Nam vẫn còn thiếu và cần phải gia tăng thêm tỷ trọng về sản xuất, chế biến và dịch vụ. Chẳng hạn như việc nông dân trồng vải mùa vừa rồi trúng lớn, nhưng lại không có đầu ra, trong khi khâu chế biến hạn chế… nên phải xuất thô với giá rẻ.

Kinh tế khó khăn, ảnh hưởng đến hoạt động doanh nghiệp, kể cả xuất khẩu, nhưng muốn khắc phục được tình trạng này và tìm cơ hội phát triển thì hơn ai hết, chính bản thân doanh nghiệp phải nhìn nhận được điểm yếu để cải tổ ngày một tốt hơn.

Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc TBS Group, ông Nguyễn Đức Thuấn cho rằng, trong một môi trường kinh tế cơ hội và thách thức đan xen, chúng ta cũng phải đặt ra câu hỏi tại sao các doanh nghiệp FDI vẫn tăng trưởng tốt ở thị trường Việt Nam, trong khi các doanh nghiệp nội địa lại gặp nhiều khó khăn và không phát triển được? Và trước câu hỏi này, theo ông Thuấn, TBS Group đã sớm nhìn ra được các điểm yếu để khắc phục.

Theo đó, TBS Group đã xây dựng một chuỗi giá trị cho doanh nghiệp, nhất là về quản trị nguồn lực. Từ đó, doanh nghiệp có thể đạt hiệu quả cao trong tiết kiệm chi phí. Thực tế hiện nay, chi phí của doanh nghiệp Việt Nam khá lớn, khó cạnh tranh về giá cả với hàng hóa của doanh nghiệp trong khu vực, kể cả khi lãi suất vay vốn ngân hàng giảm.

Trong khi đó, đa phần doanh nghiệp chưa có sự đầu tư kỹ lưỡng vào quản trị, quản lý chi phí. Chẳng hạn, với việc quản lý chi phí dòng tiền, theo một chuyên gia lĩnh vực tiền tệ, rất ít doanh nghiệp nội địa sử dụng hệ thống quản lý tiền mặt, trừ những doanh nghiệp đã đầu tư về công nghệ. Lúc này, các doanh nghiệp mới bắt đầu tìm đến ngân hàng để được tư vấn, hỗ trợ trong việc ứng dụng quản lý chi phí dòng tiền. Trong khi, nếu làm tốt được việc này sẽ giảm đáng kể chi phí trong hoạt động, nhất là chi phí lãi vay. Chẳng hạn, nếu doanh nghiệp có khoản phải trả trong 60 ngày và có khoản thu trong 30 ngày thì với chênh lệch 30 ngày còn lại, nếu doanh nghiệp quản lý được dòng tiền thì không phải vay ngắn hạn bổ sung vốn lưu động cho 30 ngày đó… Thế nhưng, một thực tế hiện nay là các doanh nghiệp vẫn còn yếu kém trong khâu này. Chính vì vậy, chi phí sản xuất gia tăng và khó cạnh tranh tốt về giả cả đầu ra.

“Chúng tôi đã có sự nghiên cứu kỹ về chiến lược kinh doanh của các doanh nghiệp FDI để có thể học hỏi và làm tốt hơn. Trước hết là khâu thiết kế, sau đó đến cạnh tranh về giá cả. Và chúng tôi đã làm được điều đó khi các nhãn hiệu nổi tiếng trên thế giới như Cost, Nike… đã chấp nhận sản phẩm của Công ty”, ông Thuấn cho biết thêm.

Tuy nhiên, theo ông Thuấn, thách thức lớn nhất với Công ty hiện nay chính là kỹ năng mềm. Thực tế, TBS Group đã mất rất nhiều thời gian trong việc tuyển dụng, đào tạo để có được đội ngũ nguồn nhân lực vừa có kỹ năng cứng và vừa có kỹ năng mềm.

Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Bay Global Strategies, bà Virginia B. Foote, với 20 năm kinh nghiệm tại thị trường Việt Nam, cũng cho rằng, bên cạnh những khó khăn, kinh tế Việt Nam đang có những cơ hội để đẩy mạnh tăng trưởng như Hiệp định TPP. Tuy nhiên, theo bà Virginia B. Foote, Hiệp định TPP cũng phải có độ trễ ít nhất 3 năm mới bắt đầu có tác dụng. Trong khi đó, cái lo của Việt Nam hiện nay chính là về hạ tầng “mềm”, đó là hệ thống giáo dục, vì hệ thống giáo dục của Việt Nam vẫn thực sự chưa hoàn thiện, nên nguồn nhân lực chất lượng cao còn thiếu hụt.      

Tin bài liên quan