Thị trường sữa Việt: Đất chật, người đông
Theo báo cáo của FiinGroup, quy mô thị trường sữa Việt Nam đạt xấp xỉ 4,6 tỷ USD năm 2017, tăng trưởng bình quân 7,8%/năm trong giai đoạn 2014-2017, riêng năm 2017 đạt 10,5% và dự báo tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới.
Hiện có 238 công ty sản xuất và kinh doanh các sản phẩm sữa tại Việt Nam, nhưng tập trung vào 5 tên tuổi là Vinamilk, Nestle, Nutifood, Frieslandcampina và TH True Milk với 85% thị phần toàn thị trường, trong đó Vinamilk dẫn đầu với 50% thị phần.
Thị trường sữa Việt bao gồm các sản phẩm sữa nước, sữa bột, sữa đặc, bơ và phomai. Báo cáo của FiinGroup cho thấy, thị phần sữa bột là cuộc chơi của các doanh nghiệp nước ngoài như Abbott, Frieslandcampina, Mead Johnson, Nestle... Tuy vậy, thị phần sữa bột của Vinamilk cũng chiếm khoảng 30%.
Một trong những miếng bánh hấp dẫn của ngành này là mảng sữa nước. Các doanh nghiệp Việt Nam tập trung nhiều vào thị trường sữa nước, sữa chua nhờ lợi thế về sự tăng trưởng đàn bò. Năm 2017, mức tiêu thụ sữa uống bình quân đầu người đạt 12 lít /người/năm tại Việt Nam, bằng một nửa so với Thái Lan, Singapore.
Sản lượng sữa uống và sữa bột giai đoạn 2013-2017 tăng trưởng lần lượt 11,8% và 6,4%. FiinGroup nhận định, thị trường sữa Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh trong những năm tới nhờ sự gia tăng dân số và các sáng kiến cải thiện sức khỏe, trong khi người tiêu dùng cũng ngày một nâng cao nhận thức về sức khỏe qua việc sử dụng các sản phẩm sữa.
Thông tin về thị trường sữa, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, từ một quốc gia có ngành sữa kém phát triển, ngành sữa Việt Nam đã tăng trưởng bình quân trên 10%/năm nhờ tốc độ phát triển đàn bò rất nhanh. Hiện tổng đàn bò sữa của Việt Nam đạt 290.000 con, cho sản lượng 1 triệu tấn/năm, đứng thứ hai trong ASEAN, tiêu thụ sữa bình quân của người Việt đạt 19kg/đầu người.
Mộc Châu Milk là một trong những doanh nghiệp ghi nhận đà tăng trưởng mạnh thời gian gần đây. Ông Trần Xuân Thao, Phó tổng giám đốc Mộc Châu Milk cho biết, đàn bò sữa của Công ty đã tăng từ 8.000 con năm 2010 lên 25.000 con vào năm 2018, với năng suất sữa bình quân 25,18kg/con/ngày. Doanh thu năm 2018 của Công ty đạt hơn 2.500 tỷ đồng. Mộc Châu Milk đặt mục tiêu đưa tổng số đàn bò lên khoảng 32.000 con vào năm 2020, sản lượng nguyên liệu sữa dự kiến đạt 150.000 tấn/năm.
Đối mặt áp lực cạnh tranh khốc liệt
Trong bối cảnh áp lực cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ, mỗi doanh nghiệp lựa chọn một thế mạnh riêng. Đơn cử, Mộc Châu Milk xác định tiếp tục đầu tư mở rộng nhà máy chế biến sữa, lắp đặt nhiều máy móc hiện đại, gia tăng chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế để đảm bảo nguồn cung cấp nguyên liệu sữa tươi thuần khiết, tiến tới thị trường xuất khẩu.
Tại Nutifood, Tổng giám đốc Trần Thị Lệ cho biết, Công ty tiếp tục đầu tư nghiên cứu sản phẩm làm nên thế mạnh riêng của doanh nghiệp, đồng thời mở rộng hợp tác quốc tế, mở rộng thị trường ra nước ngoài. Mới đây, Nutifood đã mua một nhà máy tại Thụy Điển. Về thị trường trong nước, Nutifood dự kiến sẽ cung cấp các sản phẩm sữa bột dành cho khách hàng có thu nhập thấp
Bước chân vào thị trường sữa nước muộn, song Coca-Cola Việt Nam cũng xác định hướng đi riêng với những sản phẩm khác biệt, tiện lợi. Bà Lê Thị Thu Hằng, Giám đốc Marketing và thương mại, hợp tác chiến lược của dự án tại Việt Nam cho hay, Coca-Cola theo đuổi chiến lược phát triển toàn diện, đa dạng các sản phẩm. Trong ngành hàng nước giải khát, sữa là ngành đứng thứ hai về doanh thu cũng như tốc độ tăng trưởng hàng năm. Theo đó, Coca-Cola đã cho ra mắt 3 dòng sản phẩm sữa nước Nutriboost đáp ứng từng nhu cầu người dùng.
Đại diện TH True Milk chia sẻ, Công ty tập trung chủ yếu vào các sản phẩm sữa tươi, sữa chua, sữa hạt đẩy mạnh cung cấp các sản phẩm hữu cơ cao cấp. TH True Milk có lợi thế về đàn bò, với hơn 45.000 con và đang đầu tư vào 2 trang trại quy mô lớn, ứng dụng công nghệ tiên tiến.
Trong khi đó, Vinamilk tiếp tục phát triển danh mục sản phẩm đa dạng như sữa bột, sữa nước, sữa chua..., đồng thời đẩy mạnh xuất khẩu. Vinamilk có kế hoạch phát triển 8 trang trại bò mới giai đoạn 2017-2021.
Bên cạnh phát triển sản phẩm, trang trại nuôi bò, thị trường còn chứng kiến sự cạnh tranh mạnh mẽ ở cả khâu phân phối giữa các doanh nghiệp. Đơn cử, Vinamilk và TH True Milk cùng đẩy mạnh mở rộng mạng lưới phân phối thông qua việc phát triển chuỗi bán lẻ của riêng doanh nghiệp, bên cạnh các các nhà bán lẻ (siêu thị, cửa hàng tạp hóa...). Năm 2018, Vinamilk sở hữu 415 cửa hàng, còn TH True Milk là 213 cửa hàng trên toàn quốc.
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, ngoài sự cạnh tranh gay gắt, thị trường sữa Việt cũng đang cho thấy sức hấp dẫn nhờ nhiều yếu tố. Nếu đẩy nhanh hoàn thiện các chuỗi liên kết, ứng dụng khoa học công nghệ mới, ngành sữa Việt sẽ còn phát triển mạnh hơn nữa và có thể trở thành một cường quốc về sữa trong tương lai không xa.