Doanh nghiệp sợ nới room

Doanh nghiệp sợ nới room

(ĐTCK) Năm 2012, khi các cổ đông sáng lập và điều hành Coteccons (CTD) đồng ý chọn Kusto trở thành cổ đông chiến lược, ngoài mức giá bán cổ phần còn có điều khoản quan trọng là Kusto ủng hộ việc sáp nhập các công ty khác có vốn góp của Coteccons cũng như của cá nhân những người điều hành như Unicons và Ricons.

Thỏa thuận này hàm ý rằng, Coteccons sẽ phát triển lên quy mô lớn hơn và Kusto sẽ hiện thực hóa lợi nhuận khoản đầu tư của mình, giống các quỹ đầu tư khác như VinaCapital, Dragon Capital hay Mekong Capital... đã và đang làm trên thị trường Việt Nam.

Nhưng Coteccons chắc không thể ngờ, chỉ vài năm sau, Kusto và nhóm cổ đông có liên quan đã tăng dần tỷ lệ sở hữu ở mã CTD, lên đến hơn 50% và đòi bãi miễn các thành viên sáng lập và điều hành đã ký thỏa thuận năm xưa với các lý do về vi phạm quy định quản trị.

Kết quả biểu quyết tại Ðại hội đồng cổ đông thường niên CTD các năm trước cho thấy, Coteccons bị thâu tóm cổ phần bởi Kusto và nhóm cổ đông có liên quan bởi nhóm này có đủ số phiếu để không thông qua bất cứ tờ trình nào, chứ không chỉ giữ quyền phủ quyết một số nội dung cần thông qua với tỷ lệ cao.

Câu chuyện xung đột tại Coteccons là bài học cho nhiều công ty. Thực tế, quy mô doanh của doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn nhỏ, ngay cả những doanh nghiệp thuộc hàng đầu thị trường như Coteccons thì giá trị thị trường cũng không thấm vào đâu so với năng lực tài chính của các nhà đầu tư, quỹ đầu tư có nhiều tỷ USD, đang nhìn ngắm các công ty Việt Nam.

Với những quỹ đầu tư đại chúng, niêm yết như VinaCapital hay Dragon Capital, hoạt động đầu tư chủ yếu là mục tiêu lợi nhuận trong thời gian nhất định. Tuy nhiên, với những tổ chức đầu tư tư nhân, ông chủ nước ngoài có thể đầu tư không vì lợi nhuận, mà còn hướng đến những mục đích khác, như thâu tóm để nắm quyền điều hành doanh nghiệp.

Một doanh nhân sáng lập nên doanh nghiệp uy tín tại Việt Nam từng chia sẻ, ông không thực hiện việc nới room, bởi với một doanh nghiệp có thị phần, nhà máy như ông đang quản lý, luôn có nhiều nhà đầu tư mong muốn sở hữu.

Vì thế, cá nhân ông và những cộng sự đồng tâm quyết định giữ cổ phần ở mức chi phối, cũng như theo dõi rất kỹ hoạt động mua bán cổ phần của cổ đông lớn. Những quỹ đơn thuần vì mục tiêu lợi nhuận luôn được chào đón hơn các tên tuổi lạ nước ngoài.

Trên thực tế, ngay cả khi chủ động theo dõi, đề phòng những ý đồ thâu tóm từ bên ngoài thì trong nhiều trường hợp, cổ đông sáng lập cũng không thể trở tay nếu mục tiêu thâu tóm được thực hiện ngầm bằng cách thông qua trung gian thứ ba.

Nhiều cổ đông sáng lập chia sẻ rằng, những bài học từ thực tế khiến họ chọn giải pháp giữ sở hữu ở mức cao. Trong trường hợp điều này không thực hiện được vì lý do tài chính thì trong điều lệ và quy chế quản trị công ty cần có các điều khoản được thiết kế để chống thâu tóm.

Giải pháp nào cũng có tính hai mặt, nếu “rào” quá chặt sẽ hạn chế sự tham gia của các cổ đông mới, có thể là nhà đầu tư nước ngoài vào doanh nghiệp để đưa doanh nghiệp phát triển lên tầm cao hơn. Vì vậy, giải pháp thực tế nhất mà người sáng lập nên lựa chọn là “chọn mặt gửi vàng”, chọn đối tác góp vốn hơn là để bị chọn.

Tin bài liên quan