Nộp tiền vào thì nhanh, nhưng lấy ra rất khó
Tuần qua, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp được đưa ra nhiều, liên tục, nhưng giải pháp hỗ trợ thuế mà doanh nghiệp đang rất trông đợi, được dự thảo từ đầu năm, thì đến giờ vẫn đang… lấy ý kiến.
“Nếu chính sách miễn, giảm thuế mà ra chậm, thì mục tiêu hỗ trợ giảm nhiều. Doanh nghiệp vẫn nói là nộp vào thì nhanh, lấy lại tiền thì khó”, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam thẳng thắn nêu quan điểm.
Từng là Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, nên hơn ai hết, bà Cúc hiểu tâm tư này của các doanh nghiệp.
Thực tế đang diễn ra với nhiều doanh nghiệp trong diện được giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước của năm 2022 do ảnh hưởng bởi Covid-19, theo Quyết định số 01/2023/QĐ-TTg ngày 31/1/2023, nếu doanh nghiệp có phát sinh tiền thừa, thì được trừ vào kỳ nộp tiếp theo, hoặc được hoàn trả.
“Vấn đề là, lúc doanh nghệp khó khăn nhất, không có tiền, nhưng vẫn phải xoay đủ cách để nộp thuế; có doanh nghiệp không lo được, đã bị tính tiền chậm nộp. Tới đây được giảm, nếu muốn được hoàn để có tiền mặt, thì thủ tục rất lâu”, bà Cúc phân tích.
Trong cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2020, phần nhiệm vụ được giao của Bộ Tài chính vẫn là khẩn trương trình cấp có thẩm quyền chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất.
Theo dự thảo mà Bộ Tài chính vừa trình Chính phủ, đối với thuế giá trị gia tăng (GTGT), gia hạn 6 tháng đối với số thuế GTGT từ tháng 3 đến tháng 5/2023 và quý I/2023, gia hạn 5 tháng đối với số thuế GTGT của tháng 6/2023 và quý II/2023, gia hạn 4 tháng đối với số thuế GTGT của tháng 7/2023 và gia hạn 3 tháng đối với số thuế GTGT của tháng 8/2023.
So với dự thảo trước đó, phương án này có thay đổi, bởi đã quá thời hạn nộp thuế GTGT tháng 2/2023.
Nếu các quyết sách ban hành chậm hơn, thì doanh nghiệp sẽ khó cảm nhận được sự đồng hành của Chính phủ, dù những khó khăn của doanh nghiệp đều được nhận diện rõ. Hơn thế, bà Cúc nhấn mạnh, doanh nghiệp sẽ khó khăn hơn trong việc tính toán các kế hoạch kinh doanh, khi không chắc khoản tiền thuế được gia hạn thế nào…
Phân định rõ trách nhiệm
Một trong những nguyên nhân của sự bế tắc trong hoàn thuế GTGT mà doanh nghiệp ngành gỗ kiến nghị suốt vài năm qua là không rõ ràng trong phân định trách nhiệm. Trong khi dòng tiền đang khan hiếm, thì hàng ngàn tỷ đồng của doanh nghiệp lại bị treo, gây khó cho hầu hết doanh nghiệp.
“Nếu trách nhiệm không rõ ràng, thì không ai dám làm, vì ai cũng sợ”, bà Cúc bày tỏ với nhiều trăn trở.
Nhiều doanh nghiệp có đầy đủ hóa đơn, chứng từ, nhưng mãi không xong thủ tục vì có những khúc mắc trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Trong quy trình sản xuất hàng xuất khẩu của doanh nghiệp gỗ, có việc người thu gom gỗ nguyên liệu bán cho doanh nghiệp từ nguồn trôi nổi, không phải mua gỗ rừng trồng, nhưng khi cơ quan kiểm tra, trách nhiệm lại đổ vào cả doanh nghiệp sản xuất và cả cơ quan thuế.
“Chúng tôi mong muốn, các chính sách ngày càng minh bạch, cắt khúc ra, rõ ràng, ai làm thì chịu trách nhiệm, tránh tình trạng người này gây ra để trục lợi, nhưng người gặp khó khăn lại là các doanh nghiệp làm ăn chính đáng. Cơ quan thuế cũng không dám làm, vì không biết được quá trình trước đó thế nào”, bà Cúc phân tích.
Thực tế là, nếu những người liên quan mà không dám làm, thì sẽ dẫn đến ùn tắc. Với doanh nghiệp, tình trạng thiếu quy định rõ ràng về trách nhiệm còn mang đến rủi ro và sự hoang mang.
Bà Vũ Thị Minh Tú, Giám đốc đối ngoại Lazada Việt Nam chia sẻ, doanh nghiệp cảm thấy “khá chóng mặt” bởi hàng loạt quy định mới được ban hành cũng như đang trong quá trình soạn thảo, sửa đổi, sắp ban hành… điều chỉnh các hoạt động, hình thái kinh doanh trên môi trường số.
“Các văn bản mới và sắp ra đời có xu hướng ngày càng buộc nhiều trách nhiệm cho các nền tảng, theo kiểu ‘nắm người có tóc’, nhưng nếu việc phân định trách nhiệm giữa các bên không hợp lý, thì sẽ gây khó khăn trong quá trình thực thi”, bà Tú nêu quan điểm.
Theo bà Tú, các văn bản đang dự thảo có xu hướng buộc nền tảng phải chịu trách nhiệm về chất lượng hàng hóa bán trên sàn thay cho bên cung cấp hàng hóa, dịch vụ đó, như các nội dung tại Dự thảo Luật Giao dịch điện tử, Dự thảo Luật Bảo vệ người tiêu dùng, Dự thảo Nghị định về hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử hướng dẫn Luật Giao dịch điện tử… Trong khi đó, nền tảng chỉ tạo ra một “cái chợ” để người bán, người mua gặp nhau, chứ không phải là bên bán hàng, như với hình thức siêu thị.
“Chúng tôi cũng có công cụ để đảm bảo cạnh tranh lành mạnh, đảm bảo sự phát triển của mình, có thể phạt điểm, nặng nhất là đóng tài khoản vĩnh viễn với bên vi phạm, nhưng không thể chịu trách nhiệm thay cho người bán hàng đó, không thể làm thay cơ quan quản lý nhà nước”, bà Tú nói.
Lo ngại đang xuất hiện là, nếu buộc các nền tảng phải chịu những trách nhiệm vượt khả năng của họ, thì không những không giải quyết được vấn đề, mà có thể gây ra tình trạng lợi dụng chính sách từ những đối tượng xấu kinh doanh trên sàn, từ đó tạo ra khủng hoảng cho các nền tảng thương mại điện tử.
“Vấn đề này đã được phân tích nhiều lần, mong các nhà làm luật lắng nghe, đánh giá, rà soát để các quy định có tính ứng dụng cao”, bà Tú khuyến nghị.
Một số giải pháp trong Dự thảo Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất năm 2023
-Gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất đối với các đối tượng quy định tại Điều 3, Nghị định số 34/2022/NĐ-CP; gia hạn thời hạn nộp thuế GTGT, thuế TNDN, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2022, nhưng loại trừ tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
-Đối với thuế TNDN, gia hạn thời hạn nộp thuế đối với số thuế TNDN tạm nộp của quý I, quý II, kỳ tính thuế TNDN năm 2023. Thời gian gia hạn là 3 tháng, kể từ ngày kết thúc thời hạn nộp thuế TNDN theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.
-Về tiền thuê đất, gia hạn thời hạn nộp tiền thuê đất đối với 50% số tiền thuê đất phát sinh phải nộp năm 2023 của doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, hộ kinh doanh cá nhân. Thời gian gia hạn là 6 tháng kể từ ngày 31/5/2023 đến ngày 30/11/2023.