Trong lúc ngành ngân hàng than thở ế vốn, tín dụng không thể bơm ra nền kinh tế thì nhiều doanh nghiệp SME vẫn phản ánh thiếu vốn song không thể vay vì hồ sơ thủ tục của ngân hàng quá chặt chẽ. Tuy vậy, phía ngân hàng lại cho rằng, dù có thừa vốn, ngân hàng cũng không thể hạ chuẩn tín dụng, cho vay vô tội vạ.
Bà Trịnh Thị Ngân - Trưởng Ban cố vấn Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội thừa nhận, hiện nay là suy thoái kinh tế, thị trường không có nhu cầu, doanh nghiệp đóng cửa nên việc sử dụng vốn cũng không có. Theo bà Ngân, việc doanh nghiệp SME tiếp cận vốn khó khăn là đúng, song chỉ với các doanh nghiệp phương án sản xuất không rõ ràng, cụ thể.
"Chúng tôi nghe doanh nghiệp kêu rất nhiều về ngân hàng "làm khó", song theo tôi bản chất không phải như vậy. Ngân hàng huy động vốn để cho vay, việc khó hay không là do doanh nghiệp chứ không phải do ngân hàng. Nút thắt đầu tiên là ở phía doanh nghiệp. Tôi biết có câu chuyện rất thật: Có chủ doanh nghiệp đi vay vốn ngân hàng 10 tỷ, vợ mang luôn đi mua ô tô. Chính vì vậy nên ngân hàng mới không cho vay mù mờ như vậy nữa mà phải giải ngân theo đơn hàng, theo tiến độ. Hiện nay, hóa đơn điện tử đã được áp dụng, ngân hàng giám sát dòng tiền thật, không có chuyện vay vốn theo “hóa đơn ma” nữa. Cho nên, muốn tiếp cận vay vốn, phải gỡ ngay vướng mắc đầu tiên từ doanh nghiệp. Dĩ nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng xấu. Phía ngân hàng cũng phải gỡ thủ tục hành chính, có cái nhìn khách quan hơn, đồng hành cũng doanh nghiệp, xây dựng phương án sản xuất kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp…”, bà Ngân nhận định.
Hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp lựa chọn gắn bó chung thủy với một ngân hàng, qua đó được ngân hàng xếp hạng, nhờ vậy sẽ thuận lợi hơn trong tiếp cận vốn. Tuy vậy, khi doanh nghiệp gặp khó khăn, ngân hàng cũng cần có sự hỗ trợ.
Các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, ngành ngân hàng đã rất nỗ lực khi tăng tỷ trọng cho vay doanh nghiệp SME từ mức 5-10% lên mức 19% tổng dư nợ nền kinh tế hiện nay.
Các doanh nghiệp nhỏ và vừa phải cạnh tranh rất lớn với doanh nghiệp khác như doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, cho vay dân cư, cho vay tiêu dùng. Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng có chuẩn mực cho vay rất khắt khe và ngày càng chặt chẽ hơn. Trong đó, quan trọng nhất nếu muốn tiếp cận vốn là doanh nghiệp phải có phương án sản xuất kinh doanh rõ ràng, quản trị chặt chẽ. Hiện nay, khả năng quản trị của doanh nghiệp SME còn khá yếu, quản lý sổ sách kế toán chưa minh bạch…
Theo ông Trần Anh Quý, Trưởng phòng Tín dụng chính sách Nhà nước, Vụ Tín dụng các ngành Kinh tế, Ngân hàng Nhà nước, việc tiếp cận vốn của doanh nghiệp SME còn nhiều nút thắt. Ngân hàng Nhà nước nhận thức rõ ràng và phân loại ra 2 loại khó khăn
Thứ nhất là khó khăn về vấn đề tài chính, áp lực trả nợ ngân hàng. Về vấn đề này, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện giải pháp cơ cấu thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi và đặc biệt là không chuyển nhóm nợ, giữ nguyên nhóm nợ, là giải pháp giữ minh bạch về tài chính cho doanh nghiệp.
Khó khăn thứ hai là nhiều doanh nghiệp SME có phương án kinh doanh rất yếu, thậm chí không có. Ngân hàng vì thế không có cơ sở để cho vay mới. Tức là điều kiện cơ bản để vay vốn chưa có. Ngân hàng không thể cho khách hàng cầm tiền thích làm gì thì làm được.
Trong điều kiện quản lý khoản vay cũng như điều kiện quản lý minh bạch rất cao, nhất là khi ngân hàng đang áp dụng chuyển đổi số và có nhiều quy định quản trị rủi ro, quản trị điều hành theo tiêu chuẩn quốc tế Base II, các ngân hàng không dám cho vay mạo hiểm.
“Doanh nghiệp phải nhìn nhận lại quá trình sản xuất kinh doanh của mình, rộng hơn là thị trường, phương án kinh doanh khả thi không, đem lại khả năng phục hồi không. Nếu tốt, tôi cam đoan ngân hàng đều rất sẵn sàng tài trợ đầy đủ nhu cầu vốn cho doanh nghiệp thực hiện phương án sản xuất kinh doanh ấy”, ông Quý khẳng định.