Doanh nghiệp Singapore vẫn xem Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn

0:00 / 0:00
0:00
Theo bà Jane Lim, Thứ trưởng Bộ Công nghiệp và Thương mại Singapore, quan hệ thương mại, đầu tư Việt Nam-Singapore liên tục phát triển trên tất cả các lĩnh vực, với nhiều tiềm năng mới trong thời gian tới.

Bà cho biết quan hệ hợp tác kinh tế giữa 2 nước đã được thúc đẩy như thế nào trong những năm gần đây, đặc biệt với sự tác động của Hiệp định Kết nối kinh tế Việt Nam - Singapore?

Mối quan hệ kinh tế Việt Nam và Singapore ngày càng được tăng cường trong nhiều lĩnh vực. Quan hệ kinh tế song phương được thúc đẩy nhờ Hiệp định Kết nối kinh tế Việt Nam - Singapore (CFA). Hiệp định này đã tạo ra nhiều bước tiến lớn trong tất cả 6 lĩnh vực trụ cột là giáo dục và đào tạo, tài chính, công nghệ thông tin (IT), giao thông, đầu tư, thương mại và dịch vụ.

Bà Jane Lim, Thứ trưởng Bộ Công nghiệp và Thương mại Singapore.

Bà Jane Lim, Thứ trưởng Bộ Công nghiệp và Thương mại Singapore.

Nhiều chương trình và sáng kiến được mở rộng nhằm đáp ứng những cơ hội hợp tác mới trong các lĩnh vực như giải pháp đô thị thông minh, phát triển năng lượng tái tạo, công nghiệp 4.0 và start-up.

Kể từ khi Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) đầu tiên được thành lập tại tỉnh Bình Dương cách đây 25 năm, thêm 6 khu VSIP khác cũng đã được thành lập tại Việt Nam. 7 khu VSIP đã thu hút được 14 tỷ USD vốn đầu tư và tạo hơn 270.000 việc làm tại Việt Nam.

Lũy kế đến thời điểm này, Singapore là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 3 tại Việt Nam, chỉ sau Nhật Bản và Hàn Quốc, với khoảng 2.600 dự án cấp phép, tổng giá trị khoảng 56,6 tỷ USD.

Những năm gần đây, các nhà đầu tư có xu hướng đa dạng hóa ngành nghề và khu vực đầu tư tại Việt Nam. Năm 2019, Sunseap, nhà cung cấp giải pháp năng lượng sạch, xây dựng dự án năng lượng mặt trời trị giá 150 triệu USD tại tỉnh Ninh Thuận. Năm ngoái, công ty phần mềm Aculearn đã ký thỏa thuận hợp tác với một số cơ sở giáo dục Việt Nam.

Thương mại song phương cũng không ngừng phát triển, đạt mức tăng trưởng 70% trong thập kỷ vừa qua.

Đâu là những ngành nghề đang thu hút đầu tư Singapore tại Việt Nam, triển vọng phát triển thời gian tới thế nào, thưa bà?

Ngoài chính sách ưu đãi đầu tư linh hoạt đang được thực hiện tại Việt Nam, những cải cách về chính sách thuế, lao động đã giúp cải thiện môi trường đầu tư. Điều này giúp Việt Nam tăng sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư. Ngoài ra, việc tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) và vị trí địa lý thuận lợi góp phần tăng cường vị thế của Việt Nam trong mạng lưới chuỗi cung ứng, cũng như kết nối thương mại khu vực và quốc tế.

Những lợi thế này đang tạo cơ hội phát triển cho các doanh nghiệp Singapore, đặc biệt trong các ngành như sản xuất, giải pháp đô thị, thành phố thông minh, đổi mới sáng tạo và hàng tiêu dùng.

Đối với ngành sản xuất, Việt Nam trở thành một trong những điểm đến đầu tư hàng đầu của các tập đoàn đa quốc gia muốn tìm kiếm cơ hội đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Điều này cũng thu hút nhiều nhà đầu tư trong các lĩnh vực hỗ trợ khác như giao thông và logistics. Các doanh nghiệp Singapore đang tăng cường kế hoạch chuyển dịch cơ sở sản xuất đến Việt Nam, hoặc cung cấp các giải pháp công nghiệp 4.0 cho các nhà sản xuất tại Việt Nam, giúp họ cải thiện hiệu quả làm việc.

Với tốc độ đô thị hóa nhanh như hiện nay, Việt Nam đang tích cực đa dạng cơ cấu năng lượng, đặc biệt là các nguồn năng lượng sạch như năng lượng mặt trời và điện khí LNG. Các kế hoạch đã được triển khai nhằm phát triển ngành năng lượng tái tạo đạt 74 tỷ USD vào năm 2025, tạo đà cho phát triển bền vững. Các doanh nghiệp Singapore có các giải pháp đầu cuối (end-to-end) cung cấp các hệ thống điện phân phối tích hợp nhiều giải pháp trong chuỗi giá trị.

Bên cạnh đó, với những sáng kiến quốc gia thông minh của Singapore, doanh nghiệp Singapore có thể hỗ trợ hiện thực hóa tham vọng phát triển thành phố thông minh tại Việt Nam.

Trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo và start-up, những chính sách hỗ trợ mạnh mẽ đổi mới sáng tạo của Chính phủ Việt Nam như nỗ lực của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học và Công nghệ thành lập mạng lưới trung tâm đổi mới sáng tạo trong các nước thành viên ASEAN đã tăng cường niềm tin với các nhà đầu tư. Hiện nay, có ít nhất 50 start-up Singapore đang hiện diện tại Việt Nam.

Trong lĩnh vực hàng tiêu dùng và đời sống, sự gia tăng tầng lớp trung lưu tại Việt Nam tiếp tục hấp dẫn các thương hiệu hàng tiêu dùng từ Singapore. Thậm chí, ngay trong đại dịch Covid-19, những thương hiệu nổi tiếng của Singapore vẫn gia nhập thị trường Việt Nam vào năm ngoái.

Đại dịch cho thấy tầm quan trọng của công nghệ trong việc đảm bảo kinh doanh thông suốt liên tục và khả năng phục hồi. Do các doanh nghiệp chuyển sang mô hình kinh doanh online, doanh nghiệp Singapore trong các lĩnh vực như thương mại điện tử, công nghệ giáo dục (edutech), fintech và công nghệ y tế (medtech) có thể tận dụng xu hướng chuyển đổi số mạnh mẽ tại Việt Nam.

Chính phủ Việt Nam đã và đang thực hiện nhiều giải pháp, chương trình hành động nhằm cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư. Vậy doanh nghiệp Singapore có gặp khó khăn, thách thức gì không, thưa bà?

Mỗi quốc gia đều có đặc điểm và môi trường kinh doanh khác nhau, có thể tạo nên thách thức cho các nhà đầu tư mới. Điều này cũng tương tự với trường hợp doanh nghiệp Singapore gia nhập thị trường Việt Nam. Văn phòng tại Hà Nội và TP.HCM của Cơ quan Phát triển doanh nghiệp Singapore (Enterprise Singapore), cũng như Trung tâm Enterprise Singapore tại TP.HCM của Liên đoàn Doanh nghiệp Singapore (Singapore Business Federation) giúp kết nối doanh nghiệp Singapore với đối tác bản địa, giúp doanh nghiệp tìm hiểu và phát triển thị trường tốt hơn. Những đối tác này bao gồm cả doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhà nước có nhu cầu và có mạng lưới trong nước mạnh.

Trong thời gian tới, tôi tin rằng, quan hệ kinh tế song phương giữa 2 nước Việt Nam - Singapore sẽ tiếp tục phát triển, các doanh nghiệp không ngừng hợp tác tìm kiếm cơ hội mới.

Theo bà, làm thế nào để Việt Nam và Singapore đẩy mạnh hợp tác kinh tế trong thời gian tới?

Bất chấp đại dịch, doanh nghiệp Singapore vẫn xem Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn. Doanh nghiệp hai nước tiếp tục làm việc cùng nhau ngay cả khi di chuyển quốc tế khó khăn. Ví dụ, trong tháng 11/2020, doanh nghiệp Singapore là YCH Group và doanh nghiệp Việt Nam là T&T Group đã khởi động Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc. Đây là dự án đầu tiên trong Mạng lưới logistics thông minh ASEAN, được khởi động trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN 2020 tại Việt Nam.

Singapore mong muốn hợp tác chặt chẽ với Việt Nam, cũng như các nước khác trong khu vực nhằm thúc đẩy kinh tế phục hồi sau đại dịch và tăng trưởng. Covid-19 đã thúc đẩy những dịch chuyển lớn theo hướng chuyển đổi số, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, thích ứng với biến đổi khí hậu. Điều này mở ra cơ hội hợp tác mới trong các lĩnh vực như kinh tế số, kết nối chuỗi cung ứng và năng lượng tái tạo.

Singapore và Việt Nam sẽ tiếp tục các hội nghị cấp Bộ trưởng kết nối kinh tế trong khuôn khổ Hiệp định Kết nối kinh tế Việt Nam - Singapore nhằm đẩy mạnh các lĩnh vực hợp tác hiện nay, cũng như nhận diện và tạo thuận lợi cho những sáng kiến hợp tác mới.

Trong chuyến thăm Việt Nam từ ngày 20 đến 23/6, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Singapore Vivian Balakrishnan và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn đã nhất trí thúc đẩy thành lập Nhóm công tác xây dựng Thỏa thuận song phương về kinh tế số và công nhận lẫn nhau về chứng chỉ vắc-xin, tạo thuận lợi cho việc khôi phục đi lại giữa hai nước.

Tin bài liên quan