Theo số liệu tổng hợp của Bloomberg, các doanh nghiệp thuộc chỉ số Straits Times lần đầu tiên đã công bố kết quả lợi nhuận đi xuống trong quý II/2019 sau 6 tháng tăng trưởng liên tiếp. Trong khi đó, thống kê của Credit Suisse Group AG cho thấy, 23 trong số 30 doanh nghiệp thuộc chỉ số này hạ dự báo tăng trưởng lợi nhuận trong nửa cuối năm.
Trước đó, vào đầu tháng 8, Singapore đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2019 xuống mức từ 0 - 1%, thay vì 1,5 - 25% theo ước tính gần nhất trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới tăng nhiệt; đồng thời, cảnh báo rủi ro suy thoái sắp diễn ra, bởi trong quý II, GDP Singapore chỉ tăng 0,1%, mức thấp nhất trong một thập kỷ qua. Các chuyên gia kinh tế dự báo, lợi nhuận của các doanh nghiệp tại đảo quốc Sư tử vì vậy sẽ tiếp tục đi xuống trong năm 2019.
“Ða số các doanh nghiệp chứng kiến mức lợi nhuận đáng thất vọng. Với việc nền kinh tế tăng trưởng chậm lại, triển vọng trong ngắn hạn là không tích cực”, các chiến lược gia tại Credit Suisse nhận định.
Chỉ số Straits Times đã giảm khoảng 5% trong tháng 8, xóa đi gần hết nỗ lực leo dốc kể từ đầu năm 2019 cho tới nay. Ðáng chú ý, mới tháng trước, giới đầu tư còn tỏ ra lạc quan đối với thị trường chứng khoán Singapore bởi một số lý do cụ thể. Theo đó, tính tới tháng 7/2019, chỉ số Straits Times đã tăng 9,8%, là một trong những chỉ số có màn biểu diễn tích cực nhất tại Ðông Nam Á và được kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng. Nguyên nhân là hơn một nửa trong số 30 doanh nghiệp góp mặt tại chỉ số này có 50% doanh thu tới từ thị trường nước ngoài. Nếu vậy, hoạt động của các doanh nghiệp sẽ ít bị ảnh hưởng bởi việc nền kinh tế Singapore giảm tốc.
Tuy nhiên, các số liệu mới được công bố cho thấy, chiến tranh thương mại đã phả sức nóng lên hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp trên toàn cầu và Singapore không phải ngoại lệ.
“Singapore đứng giữa làn đạn trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Chính phủ quốc gia này có thể thúc đẩy đà tăng trưởng kinh tế bằng cách thực hiện các chương trình hỗ trợ hoặc nới lỏng tiền tệ, nhưng điều này không đảm bảo sẽ mang lại kết quả như kỳ vọng”, Johan Jooste, Giám đốc Purple Asset Management Pte cho biết.
Từ góc nhìn doanh nghiệp, Ang Wee Seng, Giám đốc Hiệp hội Ngành công nghiệp bán dẫn Singapore cho biết, Singapore là một trung tâm xuất khẩu chất bán dẫn lớn tại châu Á, bên cạnh Ðài Loan và Hàn Quốc. Ðây là quê nhà của 50 - 60 nhà sản xuất chất bán dẫn với sản phẩm chủ yếu được xuất khẩu sang Mỹ và Trung Quốc.
“Cuộc chiến tranh thương mại đã ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng. Nếu một nhà cung cấp trong hệ thống này gặp trở ngại, mọi cấu thành khác của chuỗi cung ứng sẽ đi xuống theo”, Ang Wee Seng cho biết.
Một đối tượng khác chịu nhiều tổn thương bởi việc nền kinh tế Singapore tăng trưởng chậm và chiến tranh thương mại diễn ra là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Chẳng hạn, Aluputer Industrial, công ty sản xuất các phụ kiện máy móc điện tử cho biết, giá nguyên liệu đầu vào tăng tới 30 - 50% bởi họ phải mua từ các nhà cung cấp Mỹ. Công ty đang tìm kiếm các nguồn hàng thay thế khác và cơ cấu lại bộ phận sản xuất một cách nhanh chóng trước khi tình hình tồi tệ thêm.
Kurt Wee, Chủ tịch Hiệp hội Các doanh nghiệp nhỏ và vừa Singapore cho biết, nhóm doanh nghiệp này bắt đầu chịu tổn thương bởi các tác động tiêu cực từ chiến tranh thương mại và kỳ vọng Chính phủ Singapore sẽ có các biện pháp hỗ trợ khối này.