Doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng thế nào từ Luật BHXH sửa đổi, liên quan tới mức đóng BHXH cho người lao động, thưa ông?
Khi Bộ luật Lao động ban hành và có hiệu lực, thì các doanh nghiệp, không phân biệt doanh nghiệp nhà nước hay doanh nghiệp tư nhân, đều phải xây dựng thang bảng lương báo cáo cơ quan quản lý nhà nước.
Thang bảng lương sẽ làm căn cứ thương lượng, thỏa thuận, ký kết hợp đồng lao động, căn cứ trả tiền lương của chủ sử dụng lao động cho người lao động và là căn cứ đóng BHXH theo quy định của Luật BHXH sửa đổi.
Việc thay đổi này nhằm đảm bảo bình đẳng giữa các khu vực có quan hệ lao động với nhau. Nguyên tắc là khu vực có quan hệ lao động phải chia lương bình quân cho cả giai đoạn. Theo đó, những doanh nghiệp thuộc đối tượng điều chỉnh phải chia lương bình quân cho thời kỳ khu vực nhà nước và chia bình quân cho thời kỳ chuyển sang doanh nghiệp cổ phần hóa hoặc chuyển sang khu vực có quan hệ lao động mới.
Trước đó, các doanh nghiệp nhà nước áp dụng căn cứ đóng BHXH trên mức tiền lương cơ sở. Nhưng từ năm nay, việc thay đổi này sẽ khiến mức đóng của các doanh nghiệp tăng lên, mức thấp nhất là căn cứ trên tiền lương tối thiểu vùng.
Theo đó, tổng tiền lương hạch toán vào giá thành sản phẩm làm căn cứ đóng BHXH, chỉ những khoản phụ cấp hoặc khoản bổ sung sau đầu ra, tiền thưởng, tiền nhà, nuôi con và tiền khuyến khích mới không nằm trong quỹ tiền lương, còn bản chất tiền lương của người lao động bao giờ cũng là yếu tố tạo nên giá thành sản phẩm. Người tiêu dùng chịu chứ không phải chủ doanh nghiệp chịu.
Với sự thay đổi này, ông có lo ngại mức nợ đọng, trốn đóng BHXH sẽ tăng?
Doanh nghiệp hoạt động ai cũng hướng đến lợi nhuận, nên thông thường họ sẽ tìm mọi cách để đóng BHXH thấp nhất cho người lao động. Vì thế, pháp luật phải bảo vệ quyền lợi cho người lao động.
Nói như thế không có nghĩa là người chủ sử dụng lao động bị thiệt khi đóng đầy đủ BHXH cho người lao động, mà việc thực hiện nghiêm túc quy định của pháp luật sẽ giúp họ phát triển bền vững. Bởi khi tuyển lao động, mục tiêu của chủ sử dụng lao động là người lao động sẽ đóng góp, cống hiến toàn tâm toàn ý cho mình. Nhưng nếu chủ sử dụng lao động không chăm lo cho người lao động thì liệu rằng họ có yên tâm gắn bó và đóng góp không, hay chỉ một thời gian lại bỏ đi nơi khác.
Theo tôi, doanh nghiệp sẽ lợi bất cập hại khi không tuân thủ nghiêm túc quy định đóng BHXH, nhất là trong bối cảnh Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) đã hình thành, lao động trong các nước ASEAN được dịch chuyển tự do, người lao động có tay nghề cao sẽ không thiếu lựa chọn, không chỉ làm việc ở Việt Nam, họ có thể ra nước ngoài. Tôi nghĩ chẳng doanh nghiệp nào đánh đổi việc mất người lao động có tay nghề cao vì không đảm bảo quyền lợi BHXH cho họ.
Ngoài thiệt hại không giữ được người lao động có tay nghề cao mà ông khuyến cáo ở trên, doanh nghiệp sẽ chịu ảnh hưởng gì nữa khi cố tình trốn đóng BHXH?
Chúng ta nên phân biệt doanh nghiệp khó khăn chưa có điều kiện nên chậm đóng BHXH với doanh nghiệp có điều kiện nhưng cố tình không đóng. Với những doanh nghiệp này thì phải cương quyết xử lý theo pháp luật. Nếu cố tình chây ỳ, trốn đóng, sử dụng tiền đóng BHXH vào mục đích khác thì chủ sử dụng lao động thậm chí sẽ bị xử lý hình sự. Về mặt pháp luật, chúng ta đã có đủ chế tài, cơ sở và căn cứ để xử lý nghiêm khắc việc trốn đóng BHXH.
Tuy nhiên, với quan điểm phòng bệnh hơn chữa bệnh, để ngăn chặn tình trạng này, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phải nắm rõ thực trạng nợ đọng BHXH. Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cũng đã được giao thêm chức năng thanh tra việc thu nộp BHXH, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp.
Vấn đề nợ đọng không chỉ ảnh hưởng tới người lao động, mà còn cản trở sự phát triển, trong khi chúng ta đang xây dựng mối quan hệ chủ sử dụng và người lao động hài hòa, nên cần phải xử lý bài bản và đúng pháp luật, tránh tình trạng để doanh nghiệp lách luật tiếp tục vi phạm.
Nhìn ở góc độ khác, tất cả các công cụ đều không thể khắc phục triệt để, kể cả việc xử lý hình sự. Vấn đề là làm sao để chủ sử dụng lao động hiểu đóng BHXH cũng là phương thức đảm bảo sự phát triển doanh nghiệp. Một trong những cơ chế trong Bộ luật Lao động và Luật BHXH để đảm bảo nguyên tắc cùng phát triển giữa doanh nghiệp và người lao động là cơ chế thương lượng, thỏa thuận khi xảy ra tranh chấp. Giải quyết để phát triển chứ không phải giải quyết để chia lìa.
Về phía người lao động cũng phải biết kiểm soát xem chủ sử dụng có thực hiện đúng pháp luật với mình hay không, để có thể khiếu kiện.
Trong những trường hợp xảy ra tranh chấp, vai trò của tổ chức công đoàn trong bảo vệ quyền lợi người lao động là rất quan trọng. Tổ chức công đoàn phải giám sát chặt chẽ để mọi người lao động đều được đóng BHXH, được hưởng các chế độ thai sản, tai nạn lao động, hưu trí…