Ảnh Internet
Nói về sự cần thiết của việc bổ sung nội dung mới trên, đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nhìn nhận, sau 10 năm thực hiện, Luật Kế toán đã đạt được những kết quả quan trọng, song đang bộc lộ những hạn chế, trong đó có bất cập về nguyên tắc kế toán.
Đánh giá của Chính phủ cho thấy, việc Luật Kế toán hiện hành chỉ quy định duy nhất nguyên tắc theo giá gốc (giá trị ghi sổ) để hạch toán và lập báo cáo tài chính (BCTC) là chưa phù hợp với thông lệ phổ biến trên thế giới và các chuẩn mực kế toán quốc tế. Một số lĩnh vực kinh doanh như tín dụng, chứng khoán, nếu phản ánh theo giá gốc sẽ không thấy được thực chất dòng chảy vốn, tài sản trong kinh doanh.
Xuất phát từ thực tiễn trên, cơ quan chủ trì soạn thảo đề nghị bổ sung vào Dự thảo Luật nguyên tắc: giá trị tài sản và nợ phải trả được ghi nhận ban đầu theo giá gốc. Sau ghi nhận ban đầu, đối với một số loại tài sản hoặc nợ phải trả xác định được giá trị hợp lý một cách đáng tin cậy, thì đơn vị kế toán được điều chỉnh lại theo giá trị hợp lý.
Các loại tài sản và nợ phải trả được đánh giá và ghi nhận theo giá trị hợp lý tại thời điểm báo cáo gồm: công cụ tài chính theo yêu cầu của chuẩn mực kế toán phải ghi nhận và đánh giá lại theo giá trị hợp lý; các tài sản hoặc nợ phải trả khác có giá trị biến động thường xuyên, theo yêu cầu của chuẩn mực kế toán phải được đánh giá lại theo giá trị hợp lý. Bộ Tài chính quy định danh mục tài sản và nợ phải trả được đánh giá lại theo giá trị hợp lý và phương pháp kế toán đánh giá lại theo giá trị hợp lý...
Về hình thức và thời hạn công khai BCTC, dự thảo bổ sung một dung mới là trường hợp pháp luật về chứng khoán..., có quy định cụ thể về đối tượng, nội dung, hình thức, thời hạn công khai BCTC khác với Luật Kế toán, thì thực hiện công khai BCTC theo quy định của pháp luật về chứng khoán.
Hướng cải cách trên đã nhận được đa số ý kiến tán thành trong Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội, khi thẩm tra Dự thảo Luật. Nếu cải cách này cũng được các đại biểu Quốc hội ủng hộ, thì sẽ góp phần giúp TTCK cải thiện minh bạch từ gốc.
Lâu nay, các nỗ lực cải thiện tính minh bạch trên TTCK thường chủ yếu trông chờ vào các cải cách mang tính phần “ngọn” như văn bản hướng dẫn về công bố thông tin (hình thức công bố thông tin), còn cái gốc của thông tin công bố thì chưa có điều kiện để cải thiện.
Việc Dự thảo Luật Kế toán sửa đổi định ra nguyên tắc hạch toán theo giá trị thị trường, cũng như trao quyền cho pháp luật về chứng khoán khi đưa ra các chuẩn về minh bạch thông tin trên cơ sở “sàn” quy định của Luật Kế toán sửa đổi, được kỳ vọng sẽ hỗ trợ cho các thông tin công bố trên TTCK cải thiện theo hướng minh bạch từ gốc như mong đợi của giới đầu tư.