Doanh nghiệp sẽ được bỏ thủ tục thông báo mẫu dấu

248 vị đại biểu Quốc hội đồng ý bỏ quy định yêu cầu phải thông báo mẫu dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh.
Đại biểu Dương Minh Tuấn (Bà Rịa - Vũng Tàu) tán thành bỏ quy định thông báo mẫu dấu.

Đại biểu Dương Minh Tuấn (Bà Rịa - Vũng Tàu) tán thành bỏ quy định thông báo mẫu dấu.

Nhà nước không nên áp đặt, doanh nghiệp có thể có hoặc không có con dấu, toàn quyền quyết định hình thức con dấu, không nhất thiết phải quy định tròn, vuông... vì đó là biểu tượng của doanh nghiệp.

Một vị đại biểu Quốc hội đã viết như thế tại phiếu xin ý kiến về dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), mà một trong hai nội dung xin ý kiến là thông báo mẫu dấu của doanh nghiệp.

Thảo luận đầu kỳ họp thứ 9 này của Quốc hội, nhiều ý kiến tán thành với việc duy trì quy định về thông báo mẫu dấu cho cơ quan đăng ký kinh doanh như luật hiện hành để đảm bảo việc kiểm soát của cơ quan quản lý nhà nước cũng như vai trò chính danh của doanh nghiệp. Song, cũng có một số ý kiến đề nghị không nên quy định về việc thông báo về con dấu, mẫu dấu mà có thể giao quyền cho doanh nghiệp tự quyết định.

Sau đó, Tổng Thư ký Quốc hội đã gửi phiếu xin ý kiến đại biểu và nhận được hồi âm từ 433 vị. Kết quả, 248 vị đồng ý bỏ quy định yêu cầu phải thông báo mẫu dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh, 184 vị có quan điểm ngược lại và 1 vị không thể hiện chính kiến.

Ngoài chọn phương án, phiếu xin ý kiến luôn có một mục để đại biểu bày tỏ ý kiến khác. Tại đây, một vị đại biểu viết rằng: Con dấu trước đây do Nhà nước quản lý trong giai đoạn Nhà nước nắm toàn diện hầu hết lĩnh vực kinh tế - xã hội, đó là lĩnh vực bí mật nhà nước. Nay doanh nghiệp là thực thể mang tính xã hội, phải trao lại quyền cho doanh nghiệp được tự lựa chọn biểu tượng và hình thức bảo đảm an toàn pháp lý, Nhà nước không nên áp đặt. Doanh nghiệp có thể có hoặc không có con dấu, toàn quyền quyết định hình thức con dấu, không nhất thiết phải quy định tròn, vuông... vì đó là biểu tượng của doanh nghiệp.

Vị khác nêu quan điểm, trong thời kỳ quá độ, doanh nghiệp có dấu hoặc không có dấu đều hợp pháp. Chữ ký là đủ tính hợp pháp của hoạt động doanh nghiệp nhưng có con dấu thì vẫn bảo đảm hơn về tư cách pháp nhân.

Quy định để doanh nghiệp lựa chọn nhằm bảo đảm linh hoạt, phù hợp với điều kiện hoạt động, quy mô, tính chất của doanh nghiệp cũng là quan điểm được thể hiện tại phiếu xin ý kiến.

Theo chương trình kỳ họp thứ 9, chiều 16/6, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật Doanh nghiệp (sửa đổi).

Nhiều nước sử dụng chữ ký số từ những năm 2000

Theo đại biểu Dương Minh Tuấn (Bà Rịa - Vũng Tàu), thực tiễn sinh động của các giao dịch thương mại diễn ra hằng ngày, hàng giờ, nhiều doanh nghiệp cũng rất mong muốn và chờ đợi sự tiếp tục thông thoáng trong khuôn khổ của nhà nước mà Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) lần này là một điển hình. Nhiều nước trên thế giới hay những quốc gia gần với nước ta, như Estonia, Malaysia, Hàn Quốc đã sử dụng chữ ký số từ những năm 2000. Ở Việt Nam, những năm gần đây, Chính phủ cũng ban hành nhiều văn bản thúc đẩy thực hiện chính quyền điện tử liên thông với các địa phương.

Do vậy, quan điểm của đại biểu là dành cho doanh nghiệp quyền lựa chọn sử dụng con dấu cơ học hay chữ ký số, miễn sao tuân thủ các quy định của pháp luật.

Lo tác dụng ngược

Cũng tán thành bỏ thủ tục thông báo mẫu dấu cho cơ quan đăng ký kinh doanh, nhưng đại biểu Phạm Thị Thu Trang (Quảng Ngãi)  băn khoăn khi thảo luật quy định “doanh nghiệp quyết định có và không có con dấu”.

Đại biểu đề nghị cần đánh giá tác động của quy định này. Doanh nghiệp không có con dấu thì có bảo đảm về mặt pháp lý khi ký kết hợp đồng thực hiện các giao dịch dân sự hành chính và hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động doanh nghiệp hay không. Tuy mong muốn là tạo điều kiện tối đa để khuyến khích thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư, kinh doanh nhưng thiếu cơ chế kiểm soát lại còn có tác dụng ngược, doanh nghiệp lợi dụng gây thiệt hại cho người dân để lại nhiều hệ lụy cho xã hội khi xảy ra những vụ lừa đảo, giải quyết tranh chấp thì thiếu cơ sở xử lý, đại biểu Trang góp ý. 

Tin bài liên quan