Nhiều doanh nghiệp tại TP.HCM đã tìm các giải pháp, cố gắng tăng giá bán ở mức thấp nhất để thị trường không thiết lập mặt bằng giá mới
“Không muốn, nhưng vẫn phải tăng giá”
Đây là lời than thở của một lãnh đạo doanh nghiệp chuyên sản xuất lương thực, thực phẩm tại TP.HCM khi được hỏi về kế hoạch bán hàng khi giá xăng, dầu liên tục tăng cao trong thời gian qua.
Theo vị lãnh đạo doanh nghiệp này, doanh nghiệp đang cố gắng điều tiết những chi phí sản xuất trong nhà máy để xem xét cắt giảm nhằm hạ giá thành sản phẩm. Bên cạnh đó, doanh nghiệp vẫn tiếp tục quan sát biến động giá nguyên vật liệu đầu vào và cả đối thủ khác trong ngành hàng, khi có biến động giá lớn mới tính đến phương án điều chỉnh giá tiếp theo.
Trường hợp tương tự cũng được ghi nhận tại Công ty cổ phần Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt (V.FOOD), đơn vị chuyên cung ứng các loại trứng gia cầm và sản phẩm từ trứng tham gia chương trình bình ổn giá của TP.HCM. Từ lúc dịch bệnh Covid-19 bùng phát đến nay, doanh nghiệp chưa điều chỉnh tăng giá bán sản phẩm. Nhưng hiện nay, do ảnh hưởng giá xăng dầu, các loại nguyên liệu đầu vào và cước vận chuyển tăng, nên doanh nghiệp “buộc lòng” phải điều chỉnh giá bán sản phẩm.
Cụ thể, sau khi giá xăng dầu liên tục tăng và giá thức ăn chăn nuôi tăng 40%, Công ty Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt đã phải tăng khoảng 10% giá trứng đối với trứng loại 1, tức là 2.000 đồng/vỉ trứng. Đồng thời, doanh nghiệp này cũng sẽ làm việc với các siêu thị, nhà phân phối để tìm cách chia sẻ khó khăn.
“Khi giá các nguyên liệu đầu vào còn tiếp tục tăng, doanh nghiệp sẽ cùng ngồi lại trao đổi với nhà bán lẻ, các kênh siêu thị để chia sẻ khó khăn, giảm bớt chi phí bán hàng cũng như chiết khấu thương mại. Khi đó, hai bên sẽ cố gắng hết sức để giảm thiểu tác động của việc tăng giá xăng dầu lên giá trứng”, ông Trương Chí Cường, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt chia sẻ.
Trong khi đó, lãnh đạo các doanh nghiệp lớn trong ngành như Công ty cổ phần Ba Huân hay Công ty cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (Vissan) cũng tỏ ra lo ngại khi giá nguyên vật liệu đầu vào, bao bì... đã tăng 30-40% so với thời điểm ổn định, khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì sản lượng sản phẩm.
Bà Bùi Phương Mai, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Kỹ nghệ thực phẩm Việt Nam (Vifon) cho biết, sản phẩm mì ăn liền của Công ty sử dụng nhiều bột mì và dầu ăn, mà hai loại nguyên liệu này đều tăng giá, khiến giá thành sản xuất mì tăng theo.
Cố gắng để không tạo mặt bằng giá mới
Dù chịu nhiều áp lực và buộc phải tăng giá sản phẩm để duy trì sản xuất, nhưng nhiều doanh nghiệp tại TP.HCM đã tìm các giải pháp, cố gắng tăng giá bán ở mức thấp nhất để thị trường không thiết lập mặt bằng giá mới, đồng thời tích cực khuyến mãi để kích cầu tiêu dùng.
Trong giai đoạn nhạy cảm này, với các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, những doanh nghiệp bình ổn như chúng tôi muốn phát huy vai trò để giữ giá tốt nhất cho người tiêu dùng.
Ông Trương Chí Thiện, Tổng giám đốc Công ty Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt
Đơn cử, tại Vifon, Công ty đang triển khai nhiều giải pháp kiểm soát chặt chẽ chi phí đầu vào, đồng thời tăng năng suất lao động để bù đắp một phần giá nguyên vật liệu tăng.
Còn tại Vissan, doanh nghiệp đang tăng cường kiểm soát tất cả các khâu sản xuất để tiết giảm tối đa chi phí, đồng thời tìm kiếm các nguồn cung nguyên liệu thay thế nhằm giảm giá thành sản xuất.
Theo ông Phạm Ngọc Hưng, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, để bù đắp chi phí sản xuất, doanh nghiệp nên chú trọng xây dựng thương hiệu sản phẩm để mở rộng thị trường, qua đó tăng sản lượng tiêu thụ. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần từng bước thay đổi công nghệ, thay thế dây chuyền sản xuất cũ, năng suất thấp sang dây chuyền sản xuất hiện đại, năng suất cao; ứng dụng chuyển đổi số vào công tác quản trị để tối ưu hóa bộ máy vận hành toàn hệ thống. Bài toán thay đổi về chất (công nghệ mới, quản trị hiện đại) sẽ giúp doanh nghiệp “khỏe hơn”, vững chãi vượt qua mọi khó khăn, trong đó có vấn đề chi phí đầu vào tăng cao như hiện nay.
Để đồng hành với doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ông Đào Minh Chánh, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cho hay, Thành phố sẽ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, cải cách thủ tục hành chính trong đầu tư, kinh doanh, nhằm giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian và chi phí, giữ vững hoạt động sản xuất trong bối cảnh chi phí đầu vào tăng cao.
Đồng thời, tiếp tục triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ ổn định sản xuất, kinh doanh, như đẩy nhanh chương trình chuyển đổi số để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận và ứng dụng vào quá trình cơ cấu lại quy trình sản xuất, đổi mới mô hình và công nghệ quản trị; từng bước chuyển đổi các ngành nghề sử dụng nhiều lao động sang tự động hóa; xây dựng thương hiệu sản phẩm, hàng hóa để tăng tính cạnh tranh.
Tại buổi gặp gỡ cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư mới đây, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM cũng nhấn mạnh, Thành phố đang tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư nhằm định vị TP.HCM không chỉ là đầu tàu kinh tế của cả nước, mà còn là thành phố tiêu biểu của khu vực thông qua các chương trình đầu tư, sản xuất, kinh doanh mang tính sáng tạo, linh hoạt, hiệu quả cao.