“Đốt lãi” 6 tháng
Báo cáo kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm của Tổng công ty cổ phần Điện lực Dầu khí Việt Nam - PV Power (mã POW) cho thấy, trong kỳ, Công ty ghi nhận lợi nhuận sau thuế 582 tỷ đồng, giảm gần 33% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo giải trình của PV Power, bất lợi kép từ suy giảm sản lượng và giá nhiên liệu than, khí đốt lên cao là nguyên nhân chính ảnh hưởng tới lợi nhuận của doanh nghiệp.
Lợi nhuận suy giảm là câu chuyện chung của các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trong bối cảnh giá dầu mỏ và than đá tăng kỷ lục.
Tại Tổng công ty Phát điện 3 - EVNGenco3 (mã PGV), trong quý II, dù doanh thu đạt 11.891 tỷ đồng, ghi nhận mức tăng 13% so với cùng kỳ, nhưng lợi nhuận sau thuế giảm 51%, về 420 tỷ đồng. Ngoài việc doanh nghiệp phải tăng chi phí tài chính (trích lập dự phòng lỗ tỷ giá) thì giá nhiên liệu tăng mạnh là nguyên nhân “ăn mòn” hiệu quả kinh doanh.
Công ty cổ phần Nhiệt điện Phả Lại (mã PPC) chỉ ghi nhận lợi nhuận sau thuế hơn 155 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm, giảm 40% so với cùng kỳ năm 2021. Bên cạnh lý do bị hụt khoản cổ tức so với cùng kỳ 2021 thì sản lượng giảm cũng là nguyên nhân dẫn đến giảm lợi nhuận chung.
Công ty cổ phần Xi măng Vicem Hà Tiên (mã HT1) dù vẫn duy trì doanh thu 6 tháng đầu năm 2022 ở mức 4.597 tỷ đồng, tương đương cùng kỳ nhưng lợi nhuận sau thuế lại ghi nhận 160,7 tỷ đồng, giảm 52% so với cùng kỳ.
Lãnh đạo HT1 cho biết, khủng hoảng năng lượng toàn cầu đã đẩy lợi nhuận gộp của Công ty giảm mạnh.
Chúng tôi đã cố gắng tìm giải pháp tiết kiệm chi phí sản xuất, tối đa hóa hiệu quả sử dụng nguyên vật liệu nhưng vẫn không thể bù đắp chi phí đầu vào tăng cao như hiện nay.
“Chúng tôi đã cố gắng tìm giải pháp tiết kiệm chi phí sản xuất, tối đa hóa hiệu quả sử dụng nguyên, nhiên và vật liệu nhưng vẫn không thể bù đắp chi phí đầu vào tăng cao như hiện nay”, ông Lưu Đình Cường, Tổng giám đốc HT1 cho biết.
Cũng theo HT1, than là nguyên liệu đầu vào quan trọng nhất, thường chiếm khoảng 35 - 40% giá thành sản xuất xi măng. Trong khi đó, có đến khoảng 60% lượng than phải nhập khẩu, do đó, giá thành sản xuất xi măng tại Việt Nam phụ thuộc lớn vào giá than trên thị trường quốc tế.
Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại Công ty cổ phần Xi măng Bỉm Sơn (BCC) khi lợi nhuận doanh nghiệp này trong 2 quý đầu năm sụt giảm gần 40% so với cùng kỳ năm 2021.
Theo Hiệp hội Xi măng Việt Nam, trong khi giá thành sản xuất tăng mạnh thì giá xuất khẩu sản phẩm xi măng không tăng. Một số hàng hóa cơ bản như dầu mỏ, khí đốt, than đá đã tăng và lập đỉnh trong vòng nhiều năm trở lại đây. Việc các nước chạy đua để có được nguồn nhập khẩu than, vốn đang thiếu hụt do nhiều năm giảm đầu tư vào các mỏ mới đã đẩy giá than thế giới lên mức kỷ lục trong năm nay.
Tiêu thụ xi măng ở thị trường trong nước, đặc biệt là xuất khẩu giảm mạnh do áp lực cạnh tranh gay gắt về giá và giá nhiên liệu than tăng quá cao. Chưa kể, Trung Quốc, Philippines là hai thị trường xuất khẩu xi măng, clinker chính của Việt Nam đều giảm nhập khẩu sản phẩm từ các nhà cung cấp Việt Nam trong nửa đầu năm 2022.
Áp lực đè nặng doanh nghiệp
Dù giá hàng hóa cơ bản có phần hạ nhiệt so với giai đoạn đầu năm, nhưng vẫn neo ở mức cao và khó lường. Giá dầu được dự báo có thể tăng mạnh trở lại khi cuộc chiến giữa Nga - Ukraine vẫn chưa đi đến hồi kết, trong khi Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) tuyên bố có thể cắt giảm nguồn cung để giữ giá dầu ở mức cao.
Trong bối cảnh này, nhiều doanh nghiệp đang phải gồng mình để duy trì hoạt động cũng như thực hiện các kế hoạch kinh doanh đề ra.
Tại PPC, nguyên liệu than đang chiếm hơn 80% trong cơ cấu chi phí nguyên vật liệu của doanh nghiệp, trong khi giá nguyên liệu này tăng khoảng 150% trong 6 tháng đầu năm 2022.
Theo chia sẻ từ lãnh đạo Công ty, hợp đồng mua bán điện với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có quy định trường hợp giá than biến động, giá mua điện cũng được điều chỉnh tương ứng, nhưng giá bán điện của nhà máy điện than tăng, EVN có thể giảm sản lượng huy động từ các nhà máy này, thay vào đó, tăng huy động từ các nguồn điện khác có giá thành rẻ hơn.
Do vậy, mặc dù vẫn được “trợ giá”, nhưng nếu sản lượng điện trong giai đoạn nửa cuối năm không cải thiện sẽ phần nào tác động đến lợi nhuận cả năm của doanh nghiệp.
Trong khi đó, như chia sẻ của lãnh đạo HT1, để ứng phó với việc giá nguyên, nhiên liệu tăng cao, Công ty đã cải tạo, nâng cấp hệ thống dây chuyền sản xuất để giảm tiêu hao nguyên nhiên vật liệu, đặc biệt tập trung cải tạo thiết bị trong dây chuyền để sử dụng than có phẩm cấp thấp trong sản xuất clinker nhằm đa dạng hóa nguồn than, giảm áp lực về than, đáp ứng cho sản xuất.
Đồng thời, Công ty theo dõi chặt chẽ tình hình tiêu thụ, diễn biến của thị trường để xây dựng các giải pháp thúc đẩy tiêu thụ, linh hoạt trong chính sách bán hàng để tăng sản lượng, thị phần tiêu thụ xi măng trong nước.
Công ty Chứng khoán Mirae Assets Việt Nam (MASVN) đánh giá, năm 2022 là một năm khó khăn cho Vicem Hà Tiên khi doanh nghiệp này phải đối mặt với nhiều rủi ro về chi phí đầu vào và sự cạnh tranh từ các công ty chuyên xuất khẩu xi măng và clinker phía Bắc như Xi măng Thành Thắng, Nghi Sơn, Thăng Long...
MASVN dự phóng doanh thu trong năm nay của HT1 đạt khoảng 9.138 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 495 tỷ đồng. Trên nền lợi nhuận năm 2021 thấp, (năm 2021, Công ty đạt 7.064 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt gần 462 tỷ đồng, giảm hơn 30% so với năm 2020), lợi nhuận năm nay của Công ty vẫn tăng trưởng.
Lãnh đạo một doanh nghiệp niêm yết hoạt động trong lĩnh vực cơ khí cho biết, dù giá xăng đã hạ nhiệt trong gần 2 tháng qua nhưng giá các nguyên liệu khác như than, dầu vẫn chưa hạ nhiệt.
Điều này khiến các nhà cung cấp đã thông báo tăng giá nguyên vật liệu trong thời gian tới thêm gần 20%, tùy chủng loại sản phẩm. Một số nguyên liệu khác như inox, kẽm, nhôm... cũng tăng giá chóng mặt. Trong khi đó, doanh nghiệp rất khó có thể tăng giá các sản phẩm ra thị trường ở mức tương ứng.
“Dù đã lường trước được bão chi phí nguyên liệu, Công ty đã dự trữ một phần lượng hàng tồn kho nhưng vẫn còn gặp nhiều khó khăn, bởi quy mô doanh nghiệp nhỏ, nguồn lực tài chính có hạn”, vị này chia sẻ.
Không thể kiểm soát được các yếu tố khách quan là diễn biến giá nguyên vật liệu, các doanh nghiệp đang tăng cường kiểm soát chi phí đầu vào, đồng thời tăng năng suất lao động để bù đắp chi phí.