Ngành săm lốp được kỳ vọng hồi phục cùng với thị trường ô tô

Ngành săm lốp được kỳ vọng hồi phục cùng với thị trường ô tô

Doanh nghiệp săm lốp cao su: Lợi nhuận tăng trở lại

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Khó khăn đối với ngành săm lốp cao su dần vơi đi, khi nhiều doanh nghiệp công bố lợi nhuận tăng trưởng trong quý I/2024.

Doanh thu giảm, nhưng lợi nhuận tăng

Ngành săm lốp cao su trong năm 2023 gặp nhiều khó khăn khi xuất khẩu giảm cả về sản lượng và giá trị, đồng thời bị cạnh tranh gay gắt bởi săm lốp nhập khẩu qua đường tiểu ngạch. Bước sang năm 2024, bức tranh kinh doanh của các doanh nghiệp ngành này dần tích cực hơn.

Công ty cổ phần Cao su Đà Nẵng (mã chứng khoán DRC) cho biết, năm 2023, lợi nhuận của Công ty giảm gần 20% so với năm 2022, xuống 246 tỷ đồng. Quý I/2024, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu hơn 1.003 tỷ đồng, giảm 13%, nhưng lợi nhuận trước thuế đạt 58,1 tỷ đồng, tăng 100%; lợi nhuận sau thuế đạt 49,2 tỷ đồng, tăng 94% so với cùng kỳ năm 2023. Nguyên nhân chủ yếu là do giá nguyên vật liệu đầu vào giảm, trong khi tỷ giá tăng giúp tăng hiệu quả hoạt động xuất khẩu.

Cao su Đà Nẵng lên kế hoạch kinh doanh quý II/2024 với mục tiêu đạt doanh thu 1.380 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 79 tỷ đồng, lần lượt tăng 15% và 25% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tương tự, Công ty cổ phần Công nghiệp Cao su Miền Nam (Casumina, mã chứng khoán CSM) ghi nhận lợi nhuận quý I/2024 tăng trưởng, dù doanh thu suy giảm. Cụ thể, trong quý đầu năm 2024, Casumian đạt doanh thu hơn 1.147 tỷ đồng, giảm 11,3%, nhưng lợi nhuận sau thuế đạt 19,6 tỷ đồng, tăng 177% so với cùng kỳ năm ngoái.

Lý giải về doanh thu giảm, Casumina cho hay, do thị trường nội địa chưa hồi phục, lượng tiêu thụ còn thấp; xuất khẩu tăng nhưng do suy thoái kinh tế, khách hàng đề nghị giảm giá bán.

Mặc dù vậy, kết thúc quý I/2024, Casumina đã hoàn thành 22% kế hoạch doanh thu và 24,5% kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2024. Kế hoạch năm nay của Công ty là đạt 5.024,2 tỷ đồng doanh thu và 80 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế (tăng 14% so với năm 2023).

Trong khi đó, Công ty cổ phần Cao su Sao Vàng (mã chứng khoán SRC) ghi nhận quý I/2024 đạt doanh thu hơn 181 tỷ đồng, giảm 13,3%; lợi nhuận sau thuế 3,3 tỷ đồng, giảm 17,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận giảm doanh thu giảm, trong khi không có khoản thu nhập khác như cùng kỳ năm ngoái (1,35 tỷ đồng).

Mặc dù kết quả kinh doanh quý I kém khả quan, nhưng năm 2024, Cao su Sao Vàng đặt mục tiêu đạt doanh thu 2.000 tỷ đồng (gấp 1,6 lần năm 2023), trong đó doanh thu từ sản xuất - kinh doanh các sản phẩm từ cao su là 970 tỷ đồng, doanh thu thương mại 1.030 tỷ đồng; mục tiêu lợi nhuận sau thuế là 78,2 tỷ đồng (gấp 2,6 lần năm 2023).

Triển vọng tích cực

Trên thế giới, giá cao su thiên nhiên trung bình trong tháng 3/2024 đạt 1,84 USD/kg, tăng 23,4% so với cùng kỳ năm 2023.

Nhìn về triển vọng cả năm 2024, Casumina đánh giá, Công ty có các yếu tố thuận lợi như nhu cầu vận tải trong nước tăng; sự dịch chuyển từ xe xăng sang xe điện (bao gồm nhóm xe máy và ô tô các loại); nhu cầu chuyển đổi sang sản phẩm săm lốp xe có hàm lượng kỹ thuật cao theo xu hướng phát triển công nghệ lốp xe (xe máy không săm, lốp bố thép); chủ trương ổn định vĩ mô, tăng cường đầu tư công, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp của Nhà nước; sản phẩm mới là lốp PCR thương hiệu Advenza được người tiêu dùng trong nước đón nhận; thị trường xuất khẩu được mở rộng theo hướng đa dạng nhóm khách hàng…

Casumina đặt kỳ vọng vào thị trường xuất khẩu khi lần đầu vượt qua thị trường nội địa về tỷ trọng doanh thu. Bên cạnh đó, Công ty đặt kỳ vọng tăng trưởng vào sản phẩm lốp ô tô, lốp máy kéo, săm ô tô, yếm ô tô, lốp xe máy. Ngược lại, doanh thu các sản phẩm khác như săm xe máy, lốp xe đạp, săm xe đạp, lốp công nghiệp, ống cao su dân dụng dự kiến sụt giảm.

Đối với Cao su Đà Nẵng, lợi nhuận năm 2024 được Trung tâm Phân tích và Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán SSI (SSI Research) dự báo sẽ tăng so với năm 2023, đến từ nhu cầu nội địa và xuất khẩu dần phục hồi. Cao su Đà Nẵng đang trong quá trình chuyển đổi từ lốp bias sang lốp radial. Sản phẩm lốp mới (lốp radial cho ô tô chở khách, lốp PCR) và việc bổ sung công suất lốp radial cho xe buýt (lốp TBR từ quý I/2024) có thể giúp lợi nhuận ròng trong năm nay của Công ty tăng 15%.

Nhìn sang năm 2025, SSI Research ước tính, cả hai nhà máy PCR và TBR sẽ hoạt động hết công suất, giúp lợi nhuận ròng của Cao su Đà Nẵng tăng trưởng 20%. Bên cạnh đó, tác động từ cuộc điều tra chống bán phá giá sản phẩm lốp của Thái Lan tại thị trường Mỹ sẽ hỗ trợ tăng trưởng lợi nhuận cho doanh nghiệp trong dài hạn.

Cao su Sao Vàng chia sẻ, doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn với sự cạnh tranh khốc liệt bởi các sản phẩm săm lốp trong và ngoài nước, xu hướng chuyển đổi lốp ô tô từ bias sang radial và lốp xe máy không săm dần thay thế lốp có săm. Trong khi đó, Công ty chưa sản xuất được dòng sản phẩm lốp ô tô radial, còn sản phẩm lốp chưa đa dạng, phong phú và sản lượng chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường.

Để thực hiện kế hoạch kinh doanh năm 2024, Cao su Sao Vàng quyết tâm phát triển sản phẩm mới, chất lượng cao, đặc biệt là lốp ô tô công trường quy cách lớn, lốp xe máy không săm, săm xe máy bằng cao su butyl. Đồng thời, Công ty tăng cường quảng bá thương hiệu, xây dựng chính sách bán hàng phù hợp với từng ngành hàng, từng khu vực nhằm duy trì và phát triển tiêu thụ những sản phẩm đang có thế mạnh tại thị trường nội địa, phấn đấu đạt và vượt kế hoạch về doanh thu đề ra theo từng tháng, quý và cả năm. Ngoài ra, Công ty sẽ tái cơ cấu hệ thống phân phối tại một số tỉnh miền Bắc và miền Nam.

Trên thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu DRC gần đây ghi nhận mức tăng 5% so với đầu năm 2024 và tăng 43% trong một năm qua; giá cổ phiếu SRC tăng 9,3% so với đầu năm và tăng 32% so với 1 năm trước; giá cổ phiếu CSM tăng 2,2% so với đầu năm. Triển vọng dài hạn của nhóm cổ phiếu săm lốp cao su được nhiều nhà đầu tư đặt kỳ vọng vào đà phục hồi của thị trường ô tô.

Tin bài liên quan