Các doanh nghiệp ngành rượu, bia cho rằng thời điểm điều chỉnh thuế TTĐB hiện nay chưa phù hợp.
Doanh nghiệp chồng chất khó khăn, tăng thuế là chưa phù hợp
Một trong những nội dung của dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt được Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi là thay đổi phương pháp tính thuế và điều chỉnh thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với thuốc lá, rượu, bia.
Về thuế suất TTĐB đối với mặt hàng rượu, bia, Bộ Tài chính đề xuất điều chỉnh tăng mức thuế suất thuế TTĐB để tăng giá bán rượu, bia ít nhất 10% theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và lộ trình tăng thuế theo mức tăng thu nhập và lạm phát. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, cần cân nhắc kỹ tác động của việc tăng thuế suất đối với rượu, bia.
Ông Nguyễn Hoàng Giang, thành viên Ban Điều hành Sabeco cho hay, từ đầu năm đến nay, giá thành đầu vào của doanh nghiệp tăng mạnh trong khi giá bán ra không tăng tương ứng, tiêu thụ chậm lại do nền kinh tế khó khăn cùng với Nghị định số 100/2019/NĐ-CP khiến các doanh nghiệp sản xuất ngành bia rượu hết sức khó khăn.Vì vậy, nếu tăng thuế TTĐB thời điểm này, doanh nghiệp sẽ rơi vào cảnh khó chồng khó.
Trong bối cảnh nền kinh tế hiện nay, Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) cũng kiến nghị tạm thời ổn định chính sách thuế TTĐB, lùi thời điểm sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, ít nhất đến năm 2025 để giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn và phục hồi
Ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) cho rằng, việc cải cách chính sách thuế theo Quyết định 508/QĐ-TTg cần có nghiên cứu, tính toán khoa học, thực tiễn ở Việt Nam đảm bảo: Phù hợp với thực trạng điều kiện sản xuất, kinh doanh ngành hàng ở Việt Nam, minh bạch, có lộ trình rõ ràng, đơn giản, có tính khả thi.
Đặc biệt, cần hài hòa các lợi ích của Nhà nước (điều tiết tiêu dùng, tăng thu Ngân sách và nuôi dưỡng nguồn thu bền vững), của doanh nghiệp (không gây ảnh hưởng lớn, tạo tính ổn định) và người tiêu dùng (bảo vệ vệ sức khỏe).
Thay đổi phương pháp tính thuế cần nghiên cứu kỹ
Về phương pháp tính thuế, nhiều ý kiến đồng tình với đề xuất của Bộ Tài chính về việc giữ nguyên phương pháp tính thuế tương đối như hiện nay, vì việc thay đổi cách tính thuế vào thời điểm hiện tại sẽ tác động rất lớn tới hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành rượu, bia vốn đang gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, tác động bất lợi từ một số cơ chế chính sách liên quan (Luật phòng chống tác hại rượu bia, Nghị định 100/2019/NĐ-CP), mặt khác sẽ làm mất khả năng cạnh tranh của bia phổ thông thương hiệu Việt (hiện chiếm tới 80% thị phần), ảnh hưởng đến thu ngân sách nhà nước.
Tuy vậy, cũng có ý kiến cho rằng, cần áp dụng phương pháp tính thuế tuyệt đối và hỗn hợp như ở nhiều nước trên thế giới.
TS. Võ Trí Thành. |
TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh cho hay, theo thông lệ, có 3 phương pháp đánh thuế chủ yếu: Thuế tương đối, áp dụng thuế suất theo tỷ lệ phần trăm (như doanh thu); thuế tuyệt đối, áp dụng mức thu tuyệt đối (như theo đơn vị sản phẩm); thuế hỗn hợp, áp dụng cả thuế tương đối và thuế tuyệt đối.
Thông thường thuế tương đối đảm bảo hiệu quả phân bổ nguồn lực tốt hơn, là van tự động điều chỉnh theo lạm phát; phù hợp với các nền kinh tế đang phát triển còn có những khác biệt lớn về giá bán các sản phẩm đồ uống có cồn. Song nó khó có sự công bằng giữa các sản phẩm cùng LPA.
Thuế tuyệt đối sát mục tiêu hạn chế cồn trong đồ uống, nhất là khi đánh trên PLA sử dụng; phù hợp hơn với các nước phát triển, các sản phẩm bia rượu có giá bán và chất lượng tương đồng.
Nhược điểm của phương pháp đánh thuế này là có ít nhiều hạn chế trong phân bổ nguồn lực hiệu quả do “ít uyển chuyển” và công tác thống kê, giám sát thu thuế giai đoạn chuyển tiếp có thể tốn kém hơn.
Cho đến nay chưa có nhiều nghiên cứu sâu về sự phù hợp mức thuế và phương pháp đánh thuế TTĐB đối với bia rượu ở Việt Nam. Về nguyên tắc, thuế TTĐB hỗn hợp hay tuyệt đối về nguyên tắc sẽ làm tăng giá tương đối của các dòng sản phẩm phân khúc phổ thông so với dòng sản phẩm phân khúc cao cấp.
Do đó, nếu thu thuế theo phương pháp tuyệt đối hoặc hỗn hợp sẽ tạo áp lực lớn đối với sản phẩm phổ thông giá thấp, ảnh hưởng đến sản xuất và khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp sản xuất rượu bia thương hiệu Việt trong nước.
Chính vì vậy, TS. Thành kiến nghị, nên tạm thời giữ nguyên phương pháp tính thuế TTĐB tương đối và chưa điều chỉnh thuế suất thuế TTĐB đối với bia rượu, nhất là bía, cho đến năm 2025. Thuế suất thuế TTĐB tương đối có thể tăng vào năm 2026, khoảng 5-10%.
Đồng thời, phải nghiên cứu kỹ và sâu cung - cầu, thị trường bia rượu cùng điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam, nhất là quá trình thưc hiện mục tiêu phát triển đất nước đến 2030 và 2045, và các kich bản khác nhau áp dụng phương pháp đánh thuế tương đối, hỗn hợp, tuyệt đối. Trên cơ sở đó và tính đến kinh nghiệm quốc tế, cân nhắc khoảng 2030, có thể áp dụng phương pháp đánh thuế TTĐB hỗn hợp với bia rượu. Bước đầu ở đây có thể áp dụng thuế suất thuế tuyệt đối nhiều bậc tùy sản phẩm phổ thông hay cao cấp cùng điều chỉnh thuế suất thuế tương đối.
Bộ Tài chính nói gì?
Trước kiến nghị của các doanh nghiệp rượu, bia về việc hoãn sửa luật đến ít nhất hết năm 2025, bà Lê Thùy Linh, Phó trưởng phòng Vụ Chính sách Thuế, Bộ Tài chính tỏ ra thông cảm. Tuy vậy, theo bà Linh, việc sửa Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt là theo chủ trương của Đảng và Nhà nước.
Bà Lê Thùy Linh, Phó trưởng phòng Vụ Chính sách Thuế, Bộ Tài chính. |
Cụ thể, Nghị quyết số 07 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, Nghị quyết 20 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tăng cường công tác bảo vệ và nâng cao sức khỏe Nhân dân trong đó có đề ra việc tăng thuế TTĐB đối với hàng hóa có hại cho sức khỏe; Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 có đưa ra định hướng về sửa đổi bổ sung các luật thuế;
Nghị quyết 43 của Quốc hội về hỗ trợ phục hồi phát triển, cần xây dựng phương án tăng thuế TTĐB đối với mặt hàng cần đánh thuế tiêu dùng, kịp thời áp dụng trong thời gian thực hiện chương trình phục hồi phát triển kinh tế xã hội; Quyết định 02 của TTCP về việc xây dựng chiến lược quốc gia giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn đến 2045, trong đó đề ra, áp thuế TTĐB đối với đồ uống có cồn; Quyết định 568 của TTCP năm 2023 phê duyệt chiến lược quốc gia về phòng chống tác hại thuốc lá.
Theo bà Linh, hiện dự thảo sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt đã trình Chính Phủ và đang ở khâu lập đề nghị. Bộ đang tiếp tục tổng hợp các ý kiến để trình các cấp có thẩm quyền xem xét và thông qua, phê duyệt.
Liên quan tới phương pháp tính thuế TTĐB, TS. Nguyễn Văn Phụng, nguyên Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn (Tổng Cục thuế, Bộ Tài chính) cho rằng, việc tính thuế tương đối, tuyệt đối hay hỗn hợp đều có ưu và nhược điểm riêng.
Ông Phụng kiến nghị tiếp tục duy trì phương pháp tính Thuế TTĐB đối với rượu, bia theo tỷ lệ phần trăm và cân nhắc điều chỉnh tăng thuế suất theo lộ trình phù hợp với nhịp của thị trường và sức khỏe của doanh nghiệp.
“Nếu được chấp nhận, việc tăng thuế tỷ lệ phần trăm ở mức vừa phải và lộ trình như nêu trên có thể được xem là phương án có hiệu quả trong phân bổ nguồn lực sẽ giúp đảm bảo ổn định nguồn thu NSNN, đồng thời vẫn điều tiết, định hướng tiêu dùng, giảm mức độ sử dụng đồ uống có cồn mà vẫn giúp các doanh nghiệp sản xuất bia rượu trong nước ổn định phát triển sản xuất kinh doanh”, TS. Nguyễn Văn Phụng đề xuất.