Những DN sớm lên kế hoạch 2015
CTCP Sonadezi Long Thành (SZL) vừa công bố Nghị quyết HĐQT thông qua kế hoạch sản xuất - kinh doanh năm 2015, với chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận trước thuế lần lượt là 175 tỷ đồng và 27,5 tỷ đồng. Những con số này có sự tăng trưởng nhẹ so với kế hoạch SZL đặt ra cho năm 2014. Tuy nhiên, so với con số thực hiện của năm 2014 thì đây có thể là mức khiêm tốn, bởi chỉ trong 2 quý đầu năm, SZL đã đạt gần 26 tỷ đồng lợi nhuận.
CTCP Bọc ống Dầu khí Việt Nam (PVB) cũng công bố kế hoạch kinh doanh năm 2015, với doanh thu thuần 980 tỷ đồng và lợi nhuận ròng 78 tỷ đồng; giảm lần lượt 2% và 45% so với kế hoạch năm 2014.
Nhiều DN thuộc khối ngành sản xuất, vốn dễ hình dung về tình hình sản xuất - kinh doanh cho năm sau hơn khối ngành dịch vụ, thương mại, đang rục rịch lên kế hoạch kinh doanh năm 2015. Đặc biệt, đối với những DN có niên độ kế toán bắt đầu từ đầu quý II hoặc đầu quý III thì đến thời điểm này đã xây dựng xong kế hoạch kinh doanh cho niên độ tài chính 2014 - 2015. Đơn cử, CTCP Đường Ninh Hòa (NHS) đã đặt kế hoạch doanh thu đạt 1.084 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hơn 65 tỷ đồng và sản lượng đường sản xuất và tiêu thụ đều ở mức 70.720 tấn trong niên độ tài chính 2014 - 2015.
NHS cũng đã thông qua phương án sáp nhập vào CTCP Đường Biên Hòa (BHS) với tỷ lệ hoán đổi cổ phiếu 1:1. Sau khi hoán đổi cổ phiếu, CTCP Đường Biên Hòa sẽ trở thành chủ sở hữu duy nhất 100% vốn điều lệ của NHS và CTCP Đường Ninh Hòa sẽ được đăng ký chuyển đổi thành Công ty TNHH một thành viên.
Tổng CTCP Bảo hiểm Petrolimex – PJICO (PGI) cũng đặt kế hoạch kinh doanh năm 2015 với lợi nhuận trước thuế 105 tỷ đồng; cổ tức dự kiến chi trả là 10%; tăng nhẹ so với kế hoạch 2014 (lợi nhuận trước thuế 101 tỷ đồng; cổ tức 9%).
Thận trọng để khả thi
Dễ thấy, các DN đã không còn mạo hiểm đặt ra những con số doanh thu, lợi nhuận tăng trưởng mạnh như trước đây. Lãnh đạo PVB cho biết, Công ty đặt kế hoạch kinh doanh “an toàn” cho năm 2015, do dự kiến tỷ suất lợi nhuận sẽ giảm do các gói thầu chủ yếu được ký kết với công ty mẹ (PVGas) và chi phí đầu tư tăng cao, đồng thời dựa trên khối lượng công việc chắc chắn có. Tuy nhiên, nếu mọi việc tiến triển thuận lợi thì Công ty có thể hoàn thành tới 200% kế hoạch.
Được biết, HĐQT PVB vừa thông qua phương án điều chỉnh kế hoạch đầu tư và xây dựng năm 2014, với giá trị giải ngân năm từ 88,5 tỷ đồng thành 168,5 tỷ đồng. Trong đó, 2 hạng mục đầu tư lớn đã được thông qua là xây dựng trụ sở làm việc của Công ty tại Vũng Tàu, với tổng mức đầu tư của dự án 100 tỷ đồng, giá trị thực hiện đầu tư năm 2014 là 50 tỷ đồng (đã điều chỉnh) và dự án dây chuyền bọc bê tông tại Nhà máy Bọc ống Dầu khí, với tổng mức đầu tư 150 tỷ đồng, giá trị giải ngân trong năm 2014 là 90 tỷ đồng. 9 tháng đầu năm 2014, PVB đạt doanh thu thuần 718,7 tỷ đồng, tương ứng hoàn thành 84,6% kế hoạch cả năm và lợi nhuận ròng 121,9 tỷ đồng, vượt 40,1% so với kế hoạch.
Tại CTCP May Sài Gòn (GMC), Chủ tịch HĐQT Lê Quang Hùng cho biết, dự kiến, năm nay, Công ty sẽ đạt doanh thu 1.400 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 70 tỷ đồng, tăng trưởng khoảng 10% so với kế hoạch. Theo ông Hùng, Công ty sẽ đặt chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận 2015 cao hơn so với năm 2014, mức độ tăng trưởng cụ thể sẽ được HĐQT thống nhất trong tuần tới.
Cũng theo ông Hùng, thị trường dệt may xuất khẩu từ quý IV/2014 bắt đầu bộc lộ những khó khăn, đặc biệt là khu vực châu Âu, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế khu vực này. Tuy nhiên, GMC đã cân bằng giữa thị trường Mỹ và châu Âu, để bổ trợ cho nhau trong từng giai đoạn cụ thể.
Ở tầm vĩ mô, Chính phủ đặt chỉ tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2015 ở mức 6,2%; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và bội chi cùng ở mức 5%, trong khi thu ngân sách tăng 10% so với 2014. Dù rằng mỗi DN sẽ chịu mức độ ảnh hưởng khác nhau từ kinh tế vĩ mô, nhưng đã có thể hy vọng vào tương lai tươi sáng hơn của các DN.