Doanh nghiệp “rót” triệu USD vào dự án xanh

0:00 / 0:00
0:00
Những dự án có tổng vốn đầu tư vài chục triệu USD được các doanh nghiệp khởi động và điểm chung của các dự án này là đều chú trọng yếu tố môi trường để tăng lợi thế cạnh tranh.
Nhà máy May Sông Hồng - Nghĩa Hưng với kỳ vọng hướng tới phát triển bền vững, xanh sạch cùng với các đối tác, vốn rất được nhà mua hàng coi trọng.

Nhà máy May Sông Hồng - Nghĩa Hưng với kỳ vọng hướng tới phát triển bền vững, xanh sạch cùng với các đối tác, vốn rất được nhà mua hàng coi trọng.

Những dự án mới

Chịu ảnh hưởng nặng nề do khoản nợ hơn 200 tỷ đồng chưa đòi được trong năm 2020 từ đối tác Mỹ là New York & Company - thành viên của Hãng bán lẻ RTW Retalwinds phá sản vì đại dịch Covid-19, nhưng Công ty cổ phần May Sông Hồng không vì thế mà tạm hoãn việc đầu tư dự án mới để sớm tăng năng lực cung ứng của mình.

Dự án Khu sản xuất may xuất khẩu Sông Hồng - Nghĩa Hưng (Sông Hồng 10) vừa được Công ty cổ phần May Sông Hồng khởi công xây dựng tại huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định với tổng vốn hơn 600 tỷ đồng, thời gian xây dựng chỉ 8 tháng. Dự án gồm 40 dây chuyền may hàng dệt kim, dệt thoi, dự kiến tháng 11/2021 sẽ hoàn thành xây dựng và lắp đặt thiết bị để đưa vào hoạt động. Doanh thu của Dự án ước đạt 500 tỷ đồng, tạo việc làm cho gần 3.000 lao động.

Ông Bùi Việt Quang, Tổng giám đốc Công ty cổ phần May Sông Hồng cho biết, khác hẳn các dự án đầu tư trước đây, nhà máy mới của Công ty được xây dựng theo tiêu chuẩn xanh, sử dụng năng lượng tái tạo bao gồm điện gió, điện mặt trời, đáp ứng khoảng 55% tổng lượng điện tiêu thụ trong sản xuất. Toàn bộ buồng làm mát, sấy khô sẽ được hợp làm một; xử lý nước thải tái sử dụng.

“Chúng tôi đầu tư Nhà máy May Sông Hồng - Nghĩa Hưng với kỳ vọng hướng tới phát triển bền vững, xanh sạch cùng với các đối tác, vốn rất được nhà mua hàng coi trọng. Trong 2 năm tới, Công ty cổ phần May Sông Hồng sẽ hoàn thiện toàn bộ mô hình số hóa quản trị, các hoạt động sản xuất và kinh doanh ngày càng linh hoạt và nhanh chóng hơn, tăng sự hài lòng của khách hàng”, ông Quang nhấn mạnh.

Những ngày này, Tập đoàn An Phát Holdings - doanh nghiệp chuyên xuất khẩu bao bì màng mỏng tự hủy - cũng dồn lực hoàn tất các thủ tục đầu tư dự án mới với tổng vốn đầu tư gần 90 triệu USD. Dự án Xây dựng nhà máy sản xuất chất dẻo sinh học phân hủy hoàn toàn (PBAT) của Tập đoàn đang trong giai đoạn hoàn thiện thiết kế cơ sở để khởi công xây dựng trong tháng 9/2021 tại Hải Phòng, với công suất dự kiến 30.000 tấn/năm.

Dự án PBAT đóng vai trò là “át chủ bài” trong chiến lược gia nhập chuỗi cung ứng xanh toàn cầu của An Phát Holdings, với những sản phẩm thân thiện môi trường như dao, thìa, dĩa sinh học phân hủy hoàn toàn; túi shopping, túi đựng thực phẩm, túi rác phân hủy; cốc và ống hút sinh học phân hủy hoàn toàn.

Ông Đinh Xuân Cường, Phó chủ tịch, Tổng giám đốc Tập đoàn An Phát Holdings cho biết, Dự án PBAT dự kiến khánh thành năm 2023 nhằm tham gia chuỗi cung ứng nguyên liệu PBAT trên toàn cầu. Khi nhà máy này đi vào hoạt động, 70% sản phẩm PBAT sản xuất ra dùng để khép chuỗi cung ứng của An Phát Holdings. Dự án cũng giúp Tập đoàn đạt mục tiêu đến năm 2030, sản phẩm sinh học phân hủy hoàn toàn sẽ đóng góp 40-50% trong cơ cấu doanh thu bao bì.

Đầu tư xanh để có giá

Theo khảo sát của Neilsen, 73% người tiêu dùng thế hệ millennials (sinh năm 1980-2000) tại Việt Nam sẵn sàng chi trả nhiều tiền hơn cho những thương hiệu bền vững và có khả năng tạo ảnh hưởng lớn tới sự thay đổi thói quen sang tiêu dùng bền vững của những người xung quanh. Do đó, những doanh nghiệp tiên phong đầu tư sản phẩm xanh sẽ có dư địa phát triển, nhất là khi Việt Nam hàng năm thu hút một lượng lớn vốn đầu tư nước ngoài.

Ông Cao Hữu Hiếu, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) phân tích, các nhà mua hàng ngày càng coi trọng các dự án đầu tư nhà máy dệt may ưu tiên yếu tố môi trường. “ Xu thế sản phẩm xanh sẽ dẫn hướng thị trường dệt may thế giới trong giai đoạn tới và các doanh nghiệp đón bắt nhanh xu hướng này sẽ lọt mắt xanh của các nhà mua hàng với đơn giá tốt hơn.

Phát triển bền vững cũng là lý do Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) đã quyết định rót 20 triệu USD để cùng An Phát Holdings thực hiện Dự án PBAT. Đại diện IFC chia sẻ, đã hoàn toàn bị thuyết phục và tin tưởng vào hướng đi phát triển bền vững, cũng như đánh giá cao trách nhiệm đối với môi trường, xã hội và năng lực quản trị công ty (ESG) của An Phát Holdings.

“Khi Dự án hoàn thành vào năm 2023, An Phát Holdings kỳ vọng sẽ giúp giảm chi phí sản xuất khoảng 20 - 30%, gia tăng được khả năng cạnh tranh về giá và tăng được sản lượng”, đại diện Tập đoàn nói và cho biết, nhà máy này sẽ giúp An Phát Holdings nâng cao sức cạnh tranh, nhất là khi Tập đoàn đang duy trì vị thế là nhà sản xuất sản phẩm sinh học phân hủy hoàn toàn đầu tiên tại Việt Nam.

Tin bài liên quan