Theo số liệu của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong tháng đầu năm 2021, cả nước có 10.091 doanh nghiệp thành lập mới, tăng gần 22% so với cùng kỳ năm 2020 và tổng số lao động đăng ký của các doanh nghiệp này là gần 116.00 tăng hơn 37%.
Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp trong tháng đạt 15,4 tỷ đồng, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm 2020.
Có 13/17 ngành có số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng so với cùng kỳ năm 2020, trong đó, các lĩnh vực có mức tăng mạnh nhất lần lượt là sản xuất, phân phối điện, nước, gas (tăng 102%), khai khoáng, bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy, kinh doanh bất động sản, y tế, nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản, xây dựng.
Sự tăng trưởng với tỉ lệ cao của số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập ở các ngành kinh doanh này một phần do đây là những ngành nghề kinh doanh thiết yếu.
Thêm vào đó là sự chuyển dịch xu hướng kinh doanh trong thời điểm hiện tại từ các ngành bị ảnh hưởng nhiều do dịch bệnh sang những ngành nghề kinh doanh chịu ít rủi ro hơn, đồng thời ngành nghề xây dựng có chiều hướng gia tăng khi giải ngân vốn đầu tư công được đẩy mạnh.
Riêng tại TP.HCM, trong khi số vốn doanh nghiệp thành lập mới vào hầu hết các lĩnh vực như công nghiệp, xây dựng,…giảm mạnh thì vốn vào khu vực nông, lâm nghiệp, thuỷ sản tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ năm 2020.
Cụ thể, trong 15 ngày đầu tháng 01/2021, TP.HCM cấp phép đăng ký thành lập mới cho 804 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký đạt 8.102 tỷ đồng.
So với cùng kỳ năm 2020, số giấy phép giảm hơn 61% và vốn giảm gần 71%.
Nếu phân theo khu vực thì duy nhất khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản có số vốn đăng ký tăng (hơn 3 lần), với 4 đơn vị và tổng vốn đăng ký 260 tỷ đồng.
Trong khi đó, khu vực công nghiệp, xây dựng có 160 doanh nghiệp thành lập mới được cấp phép (giảm gần 60%) so với cùng kỳ cùng vốn đăng ký đạt xấp xỉ 2.700 tỷ đồng (giảm hơn 66%).
Số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập trong khu vực thương mại, dịch vụ cũng giảm gần 62% so với cùng kỳ năm 2020, chỉ có 640 đơn vị cùng tổng vốn đăng ký hơn 5.100 tỷ đồng, giảm gần 74%.
Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tháng 01/2021 theo một số ngành, lĩnh vực. |
Ở chiều ngược lại, các ngành chịu tác động bởi dịch bệnh Covid-19 vẫn tiếp tục có xu hướng giảm về số doanh nghiệp thành lập mới như dịch vụ lưu trú và ăn uống (giảm 20,8%), nghệ thuật, vui chơi và giải trí (giảm 15,3%), giáo dục và đào tạo (giảm 1%).
Số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng ở tất cả các quy mô vốn, trong đó, hơn 87% có số vốn từ 0- 10 tỷ đồng (tăng 21,6% so với cùng kỳ năm 2020).
Có 172 doanh nghiệp có quy mô vốn từ 50- 100 tỷ đồng và 167 doanh nghiệp ở quy mô trên 100 tỷ đồng, chiếm 1,7% (tăng 17,6% so với cùng kỳ năm 2020).
Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong tháng 01 giảm hầu hết trong các lĩnh vực, với 6.503 doanh nghiệp, giảm 23,2% so với cùng kỳ năm 2020.
Và có gần 25.800 doanh nghiệp rút khỏi thị trường, tăng 36% so với cùng kỳ. Trong số này có hơn 18.000 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, phần còn lại là tạm ngừng hoạt động chờ giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể.
Cục Quản lý đăng ký kinh doanh cho rằng lượng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh tăng cao so với cùng kỳ cho thấy sự ảnh hưởng rộng và lâu dài của Covid-19.
Một nguyên nhân khác là các doanh nghiệp thường chờ đợi sang năm mới để tìm hướng đi, mặt hàng, đối tác phù hợp... rồi mới triển khai kế hoạch kinh doanh tiếp theo.
Bán buôn, bán lẻ, công nghiệp chế biến - chế tạo, xây dựng, dịch vụ việc làm... là những ngành có lượng doanh nghiệp rời thị trường lớn nhất. Phần lớn đều có quy mô nhỏ và được thành lập chưa lâu.
Để giảm số lượng doanh nghiệp rút khỏi thị trường, theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, ngoài việc cải thiện môi trường đầu tư, Chính phủ và các bộ cần hoạch định các chính sách thúc đẩy sự phục hồi và phát triển cho nhóm doanh nghiệp quy mô nhỏ.
Đồng thời, gia hạn các gói hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh.