Doanh nghiệp quên “vũ khí” phòng vệ thương mại

Doanh nghiệp quên “vũ khí” phòng vệ thương mại

(ĐTCK) Một “vũ khí” phòng vệ thương mại ngay tại thị trường nội địa đã có từ 10 năm nay, nhưng các DN lại đang bỏ quên.

 

Bức xúc từ DN

“Đến nay, các DN Việt Nam đã đối mặt với 67 vụ kiện chống bán phá giá ở nhiều thị trường nước ngoài. Tuy nhiên, các DN nước ta đang bỏ quên một công cụ phòng vệ đã được pháp luật Việt Nam cho phép, phù hợp với luật chơi thương mại quốc tế, đó là kiện các DN nước ngoài bán phá giá tại thị trường Việt Nam...”, bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn về phòng vệ thương mại quốc tế, thuộc Trung tâm WTO của Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho hay tại Hội thảo “Kiện chống bán phá giá ở Việt Nam - đánh thức công cụ bị bỏ quên”  vừa diễn ra, do VCCI tổ chức.

Với tư cách là cơ quan nhà nước có thẩm quyền thụ lý hồ sơ, tiến hành điều tra các vụ DN Việt Nam cáo buộc các nhà nhập khẩu, DN nước ngoài bán phá giá hàng hóa tại Việt Nam, ông Lê Sỹ Giảng, Phó Trưởng ban xử lý chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ, Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công thương, cho biết, tuy Pháp lệnh về chống bán phá giá hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam, được ban hành năm 2004 và tiếp đó một loạt văn bản pháp lý hướng dẫn cũng được ban hành, nhưng suốt 10 năm qua, các DN Việt Nam bỏ quên công cụ phòng vệ thương mại vốn được các DN nước ngoài sử dụng rất hữu hiệu. Gần đây, DN Việt Nam mới chỉ tiến hành 3 vụ khởi kiện, trong đó có 2 vụ tự vệ và 1 vụ chống bán phá giá.

Mới đây nhất, Công ty  Posco VST và CTCP Inox Hòa Bình nộp đơn lên Cục Quản lý cạnh tranh, khởi kiện chống bán phá giá đối với sản phẩm thép không gỉ cán nguội nhập khẩu vào Việt Nam từ Trung Quốc, Đài Loan, Malaysia, Indonesia. Vụ việc đang trong quá trình điều tra, nên theo ông Giảng, hiện chưa thể cung cấp thông tin gì về diễn biến vụ khởi kiện này.

Thừa nhận chưa sử dụng hữu hiệu công cụ phòng vệ thương mại tại thị trường nội địa, mà pháp luật đã cho phép, nhưng các DN không giấu được bức xúc khi cho rằng, một phần nguyên nhân của tình trạng này là lỗi của cơ quan quản lý.

“Để sử dụng hiệu quả công cụ phòng vệ thương mại, điều quan trọng nhất là các DN phải có trong tay cơ sở dữ liệu kịp thời, chính xác, nhưng đòi hỏi này lại chưa được đáp ứng. Chẳng hạn như khi cần số liệu nhập khẩu một hoặc nhóm mặt hàng nào đó mà DN Việt Nam nghi ngờ có dấu hiệu bán phá giá tại Việt Nam, họ gần như không thể lấy số liệu từ cơ quan Hải quan, trong khi các nguồn khác cũng khó tiếp cận, lại không chính xác...”, ông Đinh Huy Tam, Tổng thư ký Hiệp hội Thép Việt Nam bức xúc nói và phân tích thêm, đây là nguyên nhân chính khiến DN e ngại, hay nói đúng hơn là chưa dám sử dụng công cụ khởi kiện DN nước ngoài bán phá giá tại thị trường Việt Nam. Khi trong tay không có “vũ khí” quan trọng nhất là các số liệu làm chứng cứ, thì sẽ là quá rủi ro cho các DN khởi kiện, bởi họ phải bỏ ra khá nhiều chi phí và thời gian theo đuổi vụ kiện.

 

Bắt đầu từ đâu?

Trong khi DN có nhu cầu sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại ngay tại thị trường nội địa ngày một tăng, theo bà Nguyễn Thị Dung, Trưởng phòng hậu cần, Công ty Thép Bluescope, cũng giống như các nước trên thế giới, để tạo thuận lợi cho DN sử dụng hiệu quả công cụ này, điều quan trọng nhất là các cơ quan nhà nước như hải quan, thống kê, quản lý thị trường... cần sớm hình thành hệ thống cơ sở dữ liệu thống nhất, chuẩn xác về hàng hóa nhập khẩu, sức tiêu thụ ở thị trường nội địa đối với các nhóm/ngành hàng... Cũng cần có cơ chế đảm bảo cho DN dễ dàng tiếp cận các dữ liệu này, chứ không phải gần như bất lực như hiện tại.

Để có xác suất thắng kiện cao, ông Nguyễn Hải, Công ty Luật Mayer Brown JSM mách nước, việc đầu tiên các DN khởi kiện cần lưu ý là thu thập dữ liệu và chuẩn bị luận điểm để chứng minh sản phẩm là đối tượng điều tra đang bị bán phá giá. Các dấu hiệu của điều này là giá thấp hơn giá bán các sản phẩm tương tự tại thị trường các nước xuất khẩu, tại một nước thứ ba và thấp hơn giá thành sản xuất. Các DN cũng cần chuẩn bị dữ liệu, luận điểm để chứng minh việc bán phá giá của các DN nước ngoài tại thị trường Việt Nam gây thiệt hại về kinh tế cho các DN, hoặc một nhóm ngành sản xuất ra sao.

Ông Hải tư vấn thêm, khi có đầy đủ dữ liệu, các DN cần làm đơn khởi kiện gửi Cục Quản lý cạnh tranh (Phòng điều tra vụ việc phòng vệ thương mại của DN trong nước), Bộ Công thương. Việc chuẩn bị hồ sơ khởi kiện kỹ lưỡng sẽ quyết định phần lớn khả năng thắng kiện. Các DN phải tích cực tham gia quá trình điều tra vụ kiện, nhất là kịp thời đưa ra các quan điểm, lập luận trong các phiên tham vấn, nếu muốn vụ kiện diễn biến theo chiều hướng có lợi cho mình.