Văn bản thể hiện rõ quan ngại của cộng đồng doanh nghiệp trước khả năng sửa đổi đồng loạt 5 sắc thuế theo hướng tăng thu, từ đó khiến chi phí chung của doanh nghiệp leo dốc.
Hầu hết ý kiến của các doanh nghiệp được khảo sát đều cho rằng, với nhóm doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ chiếm đa số, nếu tiếp tục chính sách tăng thu sẽ làm xói mòn khả năng tích lũy tư bản để tái đầu tư, mở rộng sản xuất, nâng cao năng suất, từ đó làm chậm tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
Bên cạnh đó, việc tăng thuế giá trị gia tăng khiến các doanh nghiệp khó cạnh tranh với hàng hoá nhập khẩu do hàng nhập khẩu được hưởng thuế suất 0% ở nước xuất khẩu và không chịu thuế giá trị gia tăng tại Việt Nam. Như vậy, quy định này khuyến khích nhập khẩu, đi ngược lại chính sách khuyến khích sản xuất trong nước.
Với nhận định này, VCCI khuyến nghị nên hạn chế tối đa phạm vi những mặt hàng thuộc diện không chịu thuế, chuyển các mặt hàng đó sang diện chịu thuế suất 0%, 5% hoặc 10% tuỳ vào mục tiêu chính sách.
Việc bỏ quyết toán thuế có khả năng gây ra tình trạng tránh thuế của các doanh nghiệp
- Ông Đậu Anh Tuấn,
Trưởng Ban Pháp chế VCCI
Liên quan tác động tới lạm phát, Bộ Tài chính đã tính toán và cho rằng, việc tăng thu thuế sẽ không ảnh hưởng lớn tới lạm phát, chỉ làm tăng chỉ số giá tiêu dùng CPI một lần trong khoảng 0,06% - 0,39%.
Theo tính toán của các chuyên gia, với số tiền thu tăng thêm từ việc tăng thuế ước đạt khoảng 70.000 tỷ đồng được giữ lại trong ngân sách, không làm tăng chi ngân sách thì mức tăng CPI như trên là phù hợp.
Tuy nhiên, theo phân tích của VCCI, số tiền thuế thu thêm sẽ được sử dụng để chi tiêu công, việc chi tiêu như thế nào sẽ kéo theo lạm phát. Với những tác động kinh tế - xã hội như vậy, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc việc tăng thuế giá trị gia tăng như đề xuất.
Trong khi đó, một lĩnh vực được dự báo sẽ chịu tác động lớn nhất từ việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt là ngành sản xuất nước ngọt cũng nhận được nhiều ý kiến phản hồi của doanh nghiệp.
Cụ thể, hầu hết câu trả lời đều tỏ ra lo ngại trước đề xuất tăng thuế này bởi diện ảnh hưởng rất rộng, không chỉ với doanh nghiệp sản xuất nước giải khát, mía đường, người nông dân trồng mía, mà còn có thể tác động đến doanh nghiệp, nông dân trong các ngành cà phê, chè, trái cây, thậm chí cả ngành sữa.
“Hiện nay, thuế giá trị gia tăng đối với đường chỉ là 5%, tức là Nhà nước có chính sách ưu đãi thuế đối với ngành mía đường, nhằm bảo đảm quyền lợi của người nông dân trồng mía. Thế nhưng cũng chính sản phẩm đường đó, pha vào nước đóng chai lại phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, tức là Nhà nước không khuyến khích. Điều này đã thể hiện sự thiếu nhất quán về chính sách”, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế VCCI phân tích.
Theo ông Tuấn, những hệ quả từ việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ngành sản xuất nước ngọt vẫn chưa được đánh giá một cách đầy đủ, do đó, VCCI kiến nghị cơ quan soạn thảo chưa đánh thuế đối với nước ngọt cho đến khi có nghiên cứu đầy đủ hơn về tình trạng béo phì và hiệu quả của chính sách thuế đối với việc giảm béo phì tại Việt Nam.
Liên quan đến đề xuất bỏ quyết toán thuế thu nhập cá nhân, thực tế hiện nay, các cơ quan thuế đang gặp tình trạng quá tải khi làm hồ sơ quyết toán thuế thu nhập cá nhân để hoàn thuế vào khoảng tháng 3 hàng năm, vì vậy Bộ Tài chính đề xuất chọn 1 trong 2 phương án: Bỏ quyết toán thuế, hoàn thuế hay nộp thêm thuế thu nhập cá nhân; hoặc quy định ngưỡng hoàn thuế hay nộp thêm từ 300.000 đồng trở xuống thì không cần quyết toán.
Theo VCCI, nếu áp dụng phương án 1 thì có thể giúp giảm rất nhiều chi phí làm thủ tục quyết toán thuế của cả người dân và cơ quan thuế, nhưng có thể ảnh hưởng đến tính luỹ tiến của thuế thu nhập cá nhân và gây ra tình trạng tránh thuế hợp pháp.
“Việc bỏ quyết toán thuế có khả năng gây ra tình trạng tránh thuế của các doanh nghiệp. Ví dụ, để giảm số thuế phải nộp cho người lao động có thu nhập cao, một doanh nghiệp có thể tách thành nhiều doanh nghiệp, ký nhiều hợp đồng lao động hoặc hợp đồng thuê khoán (thu nhập vãng lai). Cách làm này sẽ dễ dàng giảm đáng kể số thuế phải nộp cho những cá nhân thu nhập cao và không phản ánh đúng bản chất luỹ tiến của loại thuế này”, ông Đậu Anh Tuấn nhận xét.
Trong khi đó, với phương án 2, theo ông Tuấn, tuỳ thuộc vào ngưỡng giá trị cụ thể sẽ giúp giảm số lượng cá nhân phải thực hiện quyết toán thuế đối với những cá nhân có mức thu nhập trung bình. Tính chất tái phân phối thu nhập xã hội đối với những cá nhân có thu nhập rất cao hoặc rất thấp không bị mất đi.
Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc lựa chọn phương án 2 như trong tờ trình của Dự thảo. Ngoài ra, có thể cân nhắc thêm phương án phân loại đối tượng nhằm giãn thời gian làm thủ tục quyết toán thuế, tránh dồn vào một thời điểm trong năm như vừa qua.