Đại diện một công ty bảo hiểm phi nhân thọ có thị phần lớn nhìn nhận, 10 doanh nghiệp mới dự kiến sẽ tham gia vào thị trường bảo hiểm phi nhân thọ từ giờ đến năm 2020 nên áp lực cạnh tranh sẽ tăng cao, ảnh hưởng đến giá cả bảo hiểm và lợi nhuận.
Cạnh tranh trong khối phi nhân thọ sẽ không chỉ dựa vào mối quan hệ, tiền hoa hồng, giá bán bảo hiểm mà còn vào chất lượng dịch vụ và đổi mới sản phẩm. Thực ra, đây là những thách thức không mới của khối này suốt thời gian qua. Nhưng sức ép này càng gay gắt hơn từ sự “trỗi dậy” của những nhân tố mới và sự khao khát vươn lên của những doanh nghiệp nhóm dẫn đầu.
Thị phần khối này thời gian qua cũng đã có những thay đổi nhất định khi PVI vươn lên giành vị trí đứng đầu thị trường (theo con số của Cục Quản lý giám sát bảo hiểm - Bộ Tài chính, năm 2015 doanh thu PVI đạt 6.675 tỷ đồng, tăng 16,66% so với cùng kỳ năm 2014, chiếm 20,84% thị phần); Bảo Việt sau nhiều năm đứng thứ nhất, đã tạm lui về vị trí thứ 2 với gần 19% thị phần.
Trong khi đó, vài năm qua Bảo Minh tăng trưởng với tỷ lệ thấp hơn so với tỷ lệ trung bình của ngành, chủ yếu do sự gia tăng cạnh tranh từ cả những đối thủ hiện tại và các công ty mới gia nhập thị trường. Chính vì thế, Bảo Minh đã mất vị trí thứ 2 trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ về tay PVI và nguy cơ cạnh tranh thị phần càng lớn hơn khi khoảng cách chênh lệch thị phần doanh thu của hãng bảo hiểm này với PJICO và PTI là không quá xa.
PTI đang là nhân tố được đánh giá có nhiều tham vọng bứt phá. Hãng bảo hiểm này cũng đang có tốc độ tăng trưởng tốt trong vài năm qua. Năm 2016 PTI đặt kế hoạch đạt 3.000 tỷ đồng doanh thu bảo hiểm gốc, tăng trưởng 22%, cổ tức ở mức 12%. Hãng bảo hiểm này đạt mục tiêu giữ vững vị trí số 4 về bảo hiểm phi nhân thọ và số 2 về xe cơ giới, tập trung vào công tác quản trị và nâng cao hiệu quả kinh doanh, tối ưu hóa doanh thu trên từng khách hàng.
Cùng với việc cạnh tranh trong từng nhóm các doanh nghiệp đang có mặt tại thị trường và những nhân tố mới có thể xuất hiện trong thời gian tới, các doanh nghiệp bảo hiểm khối phi nhân thọ cũng đang phải nỗ lực vượt qua những thách thức không mới nhưng đang cản trở sự phát triển vững mạnh của từng doanh nghiệp.
Chẳng hạn như việc thiếu cơ sở dữ liệu đáng tin cậy về lịch sử khách hàng đã và đang là trở ngại lớn cho hoạt động nghiệp vụ bảo hiểm của một số công ty bảo hiểm phi nhân thọ, bởi nhân viên nghiệp vụ bảo hiểm khó đánh giá mức độ rủi ro của khách hàng; Đa số công ty bảo hiểm Việt Nam chưa có nhân viên định phí bảo hiểm chuyên nghiệp để đánh giá rủi ro đi kèm với những sản phẩm bảo hiểm khác nhau.
Đó là cơ sở để định giá và cấp đơn bảo hiểm. Ngoài ra, thời gian xử lý bồi thường cũng là một vấn đề đáng quan tâm của của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ trong nước. Vì nhiều công ty chưa có quy trình tự động hóa cao nên so với các doanh nghiệp bảo hiểm có vốn đầu tư nước ngoài thời gian bồi thường của các doanh nghiệp này vẫn dài hơn…
Được biết, trong kế hoạch hành động và những mục tiêu năm 2016 các công ty bảo hiểm phi nhân thọ đều nhấn mạnh vào việc đầu tư cho các chương trình công nghệ thông tin tiên tiến nhằm đáp ứng nhanh việc tạo ra các sản phẩm mới, kênh phân phối, giải pháp cung cấp dịch vụ mới…
Cùng với đó là tập trung nghiên cứu cải tiến cơ chế chính sách, quy trình/quy định về đánh giá chấp nhận rủi ro, giám định bồi thường để đảm bảo kiểm soát tốt hơn chất lượng công tác bồi thường đồng thời rà soát kiểm soát chi phí hoạt động kinh doanh bảo hiểm….
Đối với việc phát triển các mô hình bán bảo hiểm mới, kênh bancassurace và kênh bảo hiểm trực tuyến sẽ tiếp tục được các công ty bảo hiểm khối này đầu tư mạnh hơn. Hiện 2 kênh này chỉ đóng góp dưới 2%/tổng doanh thu phí bảo hiểm, nhưng các chuyên gia trong ngành tin rằng, đây là kênh phân phối có tiềm năng tăng trưởng lớn nhờ vào hiệu quả của nó trong việc phân phối sản phẩm bảo hiểm.
Ngoại trừ các công ty bảo hiểm có thế mạnh về ngân hàng như BIC, MIC… các công ty bảo hiểm như Bảo Việt, PVI, PTI hay PJICO hiện cũng đang tập trung phát triển kênh phân phối mới này. Như vậy, có thể nói, cuộc chiến giữa các doanh nghiệp bảo hiểm sẽ đồng loạt triển khai trên các “mặt trận” sản phẩm, chất lượng dịch vụ và kênh phân phối.