Các yếu tố vĩ mô sẽ tiếp tục ảnh hưởng tới thị trường bảo hiểm, đặc biệt là lạm phát

Các yếu tố vĩ mô sẽ tiếp tục ảnh hưởng tới thị trường bảo hiểm, đặc biệt là lạm phát

Doanh nghiệp phi nhân thọ thận trọng với kế hoạch 2023

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Một vài doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ thuộc tốp dẫn đầu công bố kết quả kinh doanh ước tính năm 2022 khá khả quan, nhưng cũng tỏ rõ sự thận trọng khi “phác thảo” một vài mục tiêu cơ bản cho năm tài chính 2023.

Vĩ mô khó đoán định

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) vừa đưa ra dự báo, kinh tế thế giới trong năm 2023 sẽ đối diện với nhiều khó khăn hơn, nguyên nhân là do 3 nền kinh tế lớn gồm Mỹ, châu Âu và Trung Quốc - vốn là động lực chính của tăng trưởng, đều đang giảm tốc.

Tại Việt Nam, sức tăng trưởng của thị trường trong nước chưa rõ nét cộng với dự báo không mấy tích cực về kinh tế thế giới là những lý do khiến các doanh nghiệp bảo hiểm thận trọng khi đưa ra các chỉ tiêu kinh doanh cho năm 2023.

Một số dự báo cho thấy, trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ, tăng trưởng toàn cầu chậm lại và lạm phát có thể sẽ làm giảm tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm tính theo giá trị thực tế xuống dưới 1% trong năm 2023. Đà tăng trưởng chỉ có thể hồi hồi trong 1-2 năm tới nếu lạm phát giảm tốc và xu hướng thị trường “cứng” được duy trì.

Lạm phát luôn là mối quan tâm hàng đầu của ngành bảo hiểm. Swiss Re dự báo, lạm phát cao trong các thành phần chi phí liên quan đến các công ty bảo hiểm, chẳng hạn như bảo hiểm xây dựng và chăm sóc sức khỏe, cho thấy bồi thường và chi phí của các công ty bảo hiểm có thể tăng trong 2023, ngay cả khi không xem xét đến những thay đổi về tần suất bồi thường và diễn biến của thảm họa tự nhiên.

Tại thị trường trong nước, Bảo hiểm Bảo Minh (mã BMI) và Bảo hiểm Petrolimex - PJICO (mã PGI) là 2 doanh nghiệp công bố sớm nhất kế hoạch kinh doanh năm 2023 trong khối phi nhân thọ với sự thận trọng nhất định.

Cụ thể, năm 2023, PJICO đặt mục tiêu tổng doanh thu bảo hiểm gốc tăng trưởng 10%, lợi nhuận trước thuế đạt 250 tỷ đồng, đều tương đương kết quả của năm 2022; mức chi trả cổ tức dự kiến 12%.

Được biết, kết thúc năm 2022, PJICO đạt 3.678,5 tỷ đồng doanh thu bảo hiểm gốc khoảng, tăng 10% so với năm 2021; lợi nhuận trước thuế ước đạt 252 tỷ đồng, hoàn thành 101% kế hoạch giao. So với các doanh nghiệp bảo hiểm thuộc tốp 6, những nghiệp vụ PJICO có mức tăng trưởng nổi bật là bảo hiểm hàng hóa và hàng không, ước tăng trưởng lần lượt 52,1% và 52,6%.

Với Bảo Minh, nhà bảo hiểm này lên kế hoạch tăng trưởng tối thiểu 6% doanh thu và 10% lợi nhuận trước thuế, mà vẫn đảm bảo duy trì kiểm soát bồi thường, nâng cao chất lượng dịch vụ và chăm sóc khách hàng.

Kết thúc năm 2022, Bảo Minh dự kiến hoàn thành kế hoạch doanh thu trước thời hạn với tổng doanh thu ước đạt 6.230 tỷ đồng, hoàn thành 109,3% kế hoạch năm và tăng trưởng 16,51%; lợi nhuận trước thuế ước đạt 340 tỷ đồng, tăng trưởng 11%.

Bảo Minh là một trong số ít công ty bảo hiểm phi nhân thọ duy trì được đà tăng trưởng lợi nhuận 2 con số trong năm 2022, khi thị trường đối mặt với nhiều khó khăn như tỷ lệ bồi thường tăng, thị trường tài chính - chứng khoán không thuận lợi…

Trong năm 2023, ngoài vấn đề chung của thị trường, việc tái tục các đơn hàng có rủi ro cao vốn được dự báo sẽ gặp khó khăn hơn khi nhà tái tăng cường siết chặt các quy tắc, điều khoản… Việc khó thu xếp tái bảo hiểm sẽ gây ra nhiều cản trở khi nhận các dự án lớn, buộc doanh nghiệp bảo hiểm phải thận trong quá trình chọn lọc để có thể dễ dàng thỏa thuận với các nhà tái hơn.

Về phía công ty tái bảo hiểm, mối quan tâm nhất lúc này là sự tích tụ rủi ro và các tổn thất tiềm tàng phát sinh từ một sự kiện bảo hiểm. Khi các công ty tái bảo hiểm càng thận trọng thì trách nhiệm của các công ty bảo hiểm sẽ càng lớn.

Áp lực cạnh tranh gia tăng

Việc khó thu xếp tái bảo hiểm sẽ gây ra nhiều cản trở khi nhận các dự án lớn và khi các công ty tái bảo hiểm càng thận trọng thì trách nhiệm của các công ty bảo hiểm sẽ càng lớn.

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, tổng giám đốc một doanh nghiệp phi nhân thọ nhìn nhận, trong năm 2023 sẽ có thêm nhiều yếu tố tác động đến hoạt động của doanh nghiệp. Do đó, mức tăng trưởng của ngành trong năm nay được cho là sẽ thấp hơn năm trước bởi trong năm 2022, thị trường tăng trưởng trên nền doanh thu thấp của năm 2021.

Theo các doanh nghiệp bảo hiểm, việc khai thác khách hàng mới cũng như giữ khách tái tục gặp khó khăn, đặc biệt đối với các sản phẩm bảo hiểm bán lẻ như bảo hiểm xe và bảo hiểm sức khỏe (2 nghiệp vụ mang lại doanh thu cao nhất) khiến cạnh tranh về phí sẽ gay gắt hơn. Vì thế, không loại trừ khả năng có doanh nghiệp sẵn sàng hạ phí để giữ thị phần, bất chấp tỷ lệ bồi thường cao.

Đại diện một doanh nghiệp phi nhân thọ trong tốp đầu thị phần doanh thu phí chia sẻ, năm 2022, hãng này phải “buông” một khách hàng lớn vì không thể cạnh tranh bằng chiến lược giảm phí. Ngoài ra, hãng cũng chủ trương bỏ kênh khai thác qua các công ty tài chính của sản phẩm sức khỏe người vay do chi phí cao…

Không chỉ kênh bán lẻ, áp lực cạnh tranh cũng tăng đối với kênh môi giới bảo hiểm. Theo đó, bên cạnh triển khai các dịch vụ mới, các nhà bảo hiểm cũng sẽ mở rộng thêm điều kiện, điều khoản bảo hiểm để thu hút khách hàng và tăng lợi thế so với đối thủ, với mục tiêu cố gắng giữ được tỷ lệ tái tục cao trên 90%.

Bên cạnh những yếu tố khó đoán định, thị trường bảo hiểm năm 2023 cũng ghi nhận một số yếu tố hỗ trợ tích cực. Chẳng hạn, Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 (sửa đổi) chính thức có hiệu lực từ đầu năm 2023 sẽ giúp thị trường bảo hiểm gia tăng sự minh bạch cũng như sức cạnh tranh, từ đó củng cố vững chắc nền tảng phát triển.

Luật mới tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty phi nhân thọ nước ngoài hoạt động tại Việt Nam, buộc các doanh nghiệp phi nhân thọ trong nước phải đổi mới mô hình quản trị, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ để tăng tính cạnh tranh cũng như phù hợp với các quy định mới.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp phi nhân thọ cũng sẽ được hưởng lợi từ những chính sách về lãi suất hỗ trợ cho hoạt động đầu tư, giúp gia tăng lợi nhuận; sẵn sàng nghiên cứu, đóng gói các sản phẩm mới, sản phẩm tiềm năng phù hợp với xu thế thị trường, đáp ứng nhu cầu khách hàng và đa dạng hóa danh mục sản phẩm của doanh nghiệp.

Ngoài ra, các doanh nghiệp phi nhân thọ còn có cơ hội khai thác các nghiệp vụ bảo hiểm tài sản, cháy nổ… khi một loạt dự án hạ tầng giao thông trọng điểm quốc gia được thúc đẩy triển khai trên cả nước như cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2, sân bay quốc tế Long Thành giai đoạn 1...

Để đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu kinh doanh đề ra trong bối cảnh thị trường còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, hầu hết doanh nghiệp bảo hiểm đều đã tính sẵn các phương án dự phòng để có thể chủ động phát huy được lợi thế cạnh tranh và duy trì ổn định hoạt động kinh doanh trong năm nay.

Tin bài liên quan