Dự tính điều chỉnh giảm lợi nhuận 2024
Ngày 27/12/2024, Bảo hiểm Bảo Minh (mã BMI) sẽ họp đại hội đồng cổ đông bất thường để xin ý kiến về việc điều chỉnh các chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh 2024.
Cụ thể, Bảo hiểm Bảo Minh dự kiến điều chỉnh giảm 29% kế hoạch lợi nhuận trước thuế 2024 từ 377 tỷ đồng xuống còn 268 tỷ đồng; ROE tối thiểu và tỷ lệ chia cổ tức tối thiểu cùng giảm về 7% từ mức 10% theo kế hoạch ban đầu.
Theo Ban lãnh đạo Bảo hiểm Bảo Minh, nguyên nhân điều chỉnh giảm kế hoạch lợi nhuận cả năm là do lợi nhuận ròng quý III/2024 giảm mạnh 52% so với cùng kỳ năm trước, còn hơn 51 tỷ đồng. Nhiều khách hàng của Công ty bị thiệt hại bởi bão Yagi, dẫn đến chi phí dự phòng bồi thường trong kỳ tăng đột biến, ảnh hưởng xấu đến lợi nhuận quý III vừa qua.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, Bảo hiểm Bảo Minh đạt gần 195 tỷ đồng lãi ròng, giảm 23% so với cùng kỳ. So với kế hoạch ban đầu, Công ty mới thực hiện được 58% mục tiêu lợi nhuận cả năm, còn so với kế hoạch điều chỉnh thì thực hiện được 82%.
Tại Bảo hiểm BIDV - BIC (mã BIC), đến nay tuy chưa ra văn bản chính thức về việc điều chỉnh kế hoạch lợi nhuận năm 2024, nhưng đã điều chỉnh kế hoạch doanh thu. Việc điều chỉnh lợi nhuận căn cứ vào báo cáo của Tổng giám đốc Công ty sau khi có đầy đủ số liệu thiệt hại liên quan đến bão Yagi.
Cụ thể, kế hoạch doanh thu phí bảo hiểm năm 2024 được BIC điều chỉnh giảm hơn 7%, từ mức 5.570 tỷ đồng xuống 5.172 tỷ đồng. Hiện tại, nhà bảo hiểm này đang triển khai các giải pháp để hoàn thành kế hoạch kinh doanh đã được điều chỉnh.
Với Bảo hiểm Hàng không - VNI (mã AIC), khả năng điều chỉnh giảm kế hoạch lợi nhuận năm 2024 là rất cao do đến hết quý III vẫn đang bị lỗ.
Bảo hiểm Bảo Việt là doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ hiếm hoi báo lãi cao trong quý III/2024, đạt 250 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 40,1% so với cùng kỳ năm trước; tổng doanh thu đạt 8.854 tỷ đồng, tăng 3,3%.
Theo đại diện Bảo hiểm Bảo Việt, có được kết quả này là nhờ chính sách khai thác bán hàng tập trung vào hiệu quả, mà không chạy theo doanh thu và số tiền bồi thường do bão Yagi không cao như các doanh nghiệp khác.
Dù vậy, Bảo hiểm Bảo Việt vẫn để ngỏ khả năng điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm 2024 do còn chờ kết quả của quý IV. Một số doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ khác cũng cho biết đang xem xét điều chỉnh lại mục tiêu lợi nhuận năm nay do tác động của bão Yagi.
Tại Bảo hiểm PVI, lợi nhuận 9 tháng đầu năm đã hoàn thành 75% mục tiêu cả năm và đến nay chưa có kế hoạch điều chỉnh.
Năm 2025 tiếp tục thận trọng?
Thông tin từ Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho biết, trong 10 tháng đầu năm 2024, doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực phi nhân thọ ước đạt 65.027 tỷ đồng, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm trước. Có thể thấy, doanh thu tuy tăng trưởng 2 con số nhưng lợi nhuận sẽ khó tăng cao tương ứng khi mà thiệt hại của khách hàng do bão Yagi còn chưa được thống kê đầy đủ.
Lãnh đạo một công ty bảo hiểm thuộc tốp đầu thị trường cho biết, ngoài rủi ro thiên tai, theo Nghị định số 67/2023/NĐ-CP về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, bảo hiểm cháy nổ bắt buộc, bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng, các công ty bảo hiểm có thể tăng hoặc giảm 25% phí, nhưng đa số đều chọn giảm để gia tăng cạnh tranh, có được khách hàng và điều này cũng ảnh hưởng tới lợi nhuận.
Theo các chuyên gia FiinGroup, thiên tai là một trong những rủi ro lớn nhất đối với các công ty bảo hiểm phi nhân thọ. Bão Yagi gây thiệt hại rất lớn về tài sản khiến bồi thường nghiệp vụ này tăng vọt, từ đó làm giảm mạnh lợi nhuận của các công ty bảo hiểm, thậm chí còn gây thua lỗ.
Thống kê từ báo cáo tài chính quý III/2024 của các doanh nghiệp phi nhân thọ cho thấy, 7/9 doanh nghiệp có lợi nhuận trước thuế giảm so với cùng kỳ năm trước, nguyên nhân chủ yếu do các tổn thất liên quan đến cơn bão số 3 làm tăng chi phí chi trả bảo hiểm.
Đơn cử, BIC ghi nhận lợi nhuận quý III/2024 đạt 82 tỷ đồng, giảm 45% so với cùng kỳ năm trước. BIC cho biết, lãi thuần từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm giảm tới 57%, chỉ còn 73,1 tỷ đồng trong quý III do chi phí bồi thường bảo hiểm tăng vọt lên 294 tỷ đồng, gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước.
Lợi nhuận của Bảo hiểm Quân đội - MIC (mã MIG) cũng giảm mạnh 42% trong quý vừa qua, ghi nhận 31 tỷ đồng; trong khi Bảo hiểm Petrolimex - PJICO (mã PGI) giảm nhẹ so với cùng kỳ, với lợi nhuận đạt 48 tỷ đồng.
Thậm chí, Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội (BHS, mã BSI) và Bảo hiểm Hàng không - VNI cùng ghi nhận lỗ ròng lần lượt là 57 tỷ đồng và 44 tỷ đồng trong quý III/2024.
VNI cho biết, nguyên nhân gây lỗ là do chi trả bồi thường cho nhiều trường hợp bị thiệt hại bởi bão Yagi. Theo cập nhật mới nhất, tổng số tiền VNI đã tạm ứng bồi thường tính đến thời điểm hiện tại vào khoảng 100 tỷ đồng.
Bảo hiểm VietinBank và Bảo hiểm PVI cũng cho biết, mỗi công ty đến nay đã tạm ứng bồi thường khoảng 100 tỷ đồng cho các khách hàng bị thiệt hại do bão số 3.
Liên quan tới bồi thường thiệt hại do bão lũ, thống kê của Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm cho thấy, tính đến ngày 31/10/2024, các doanh nghiệp bảo hiểm đã tạm ứng bồi thường hơn 434,4 tỷ đồng cho các khách hàng.
Theo tổ chức xếp hạng tín nhiệm A.M. Best, tuy tỷ lệ an toàn vốn vẫn được đảm bảo, nhưng tổn thất bảo hiểm do bão Yagi gây ra có thể khiến lợi nhuận năm 2024 của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam sụt giảm so với năm 2023, song song đó là có thể ảnh hưởng đến các kỳ tái bảo hiểm sau đó do các điều khoản và điều kiện tái bảo hiểm sẽ trở nên nghiêm ngặt hơn...
Thực tế, ngay từ đầu năm 2024, hầu hết doanh nghiệp bảo hiểm đã xây dựng kế hoạch lợi nhuận dựa trên quan điểm thận trọng bởi lãi suất huy động giảm mạnh. Đây là yếu tố tác động lớn đến doanh thu tài chính do nhóm doanh nghiệp bảo hiểm phân bổ tỷ trọng lớn danh mục vào các khoản tiền gửi.
Đơn cử, PJICO đặt mục tiêu lợi nhuận đi ngang trong năm 2024; BIC dù lên kế hoạch tăng trưởng doanh thu trên 14%, nhưng lợi nhuận chỉ tăng 4,5% so với năm trước; thậm chí, Bảo hiểm PVI còn đặt mục tiêu lợi nhuận giảm hơn 13%, cho dù lên kế hoạch doanh thu tăng trưởng.
Đến thời điểm hiện tại, 2 yếu tố mang tên bão Yagi và Nghị định 67 càng khiến các doanh nghiệp bảo hiểm phải lưu ý. Do đó, tâm lý cẩn trọng khi lên kế hoạch kinh doanh năm 2025 nếu có diễn ra cũng là điều dễ hiểu.
Tại khối bảo hiểm nhân thọ, số liệu thống kê của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho thấy, trong quý III/2024, doanh thu khai thác mới của khối này đạt hơn 5.934 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2023 (đạt 5.874 tỷ đồng). Trong đó, dẫn đầu là Bảo Việt Nhân thọ với 2.927 tỷ đồng, tiếp theo là Prudential với 2.785 tỷ đồng, Dai-ichi Life với 2.772 tỷ đồng, Manulife với 1.889 tỷ đồng và FWD với 1.120 tỷ đồng.
Về lợi nhuận, Bảo Việt Nhân thọ công bố đạt 982 tỷ đồng lãi sau thuế trong 9 tháng đầu năm 2024, tăng 23,3% so với cùng kỳ năm trước, trong khi các công ty bảo hiểm nhân thọ khác chưa có kết quả cập nhật.
Nhìn lại kết quả lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2024 cho thấy, 8/10 doanh nghiệp tốp đầu đều có lãi sau thuế đi lùi so với cùng kỳ do khó bán hàng sau cuộc khủng hoảng truyền thông. Đơn cử, Generali báo lãi sau thuế chỉ bằng 1/4 cùng kỳ, đạt 117 tỷ đồng; Chubb và AIA cùng giảm lãi khoảng 70%, xuống tương ứng 147 tỷ đồng và 284 tỷ đồng; Prudential giảm lợi nhuận hơn 30%, còn 915 tỷ đồng; Sunlife tiếp tục báo lỗ hơn 360 tỷ đồng trong quý III, nâng lỗ lũy kế 9 tháng lên hơn 5.800 tỷ đồng...