Doanh nghiệp phát triển nhanh, nhưng phải bền vững

Doanh nghiệp phát triển nhanh, nhưng phải bền vững

(ĐTCK) Phát triển nhanh có bền vững hay không, cần nhìn vào bộ 17 mục tiêu phát triển bền vững để soi chiếu thực hiện. Doanh nghiệp tiêu dùng và sản xuất cần có trách nhiệm hơn, điều này hoàn toàn có thể thực hiện được.

Phát triển bền vững là xu thế tất yếu

Tại Hội nghị toàn quốc về phát triển bền vững 2019 tổ chức ngày 12/9 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Phát triển bền vững vừa là nhu cầu cấp bách, vừa là xu thế tất yếu của tiến trình phát triển xã hội. Tất yếu tức là nếu làm ngược lại thì thất bại. Chủ trương phát triển bền vững được thể hiện nhất quán trong các văn kiện của Ðảng và Chính phủ, các chương trình, kế hoạch phát triển đất nước trong từng thời kỳ”.

Thủ tướng khẳng định, trong hơn 30 năm tiến hành công cuộc Ðổi mới, Việt Nam đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển bền vững và đạt được nhiều thành tựu quan trọng: kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam được duy trì ở mức cao, chất lượng tăng trưởng được nâng lên.

Nhiều hành động hướng tới phát triển bền vững của các địa phương đã được Thủ tướng biểu dương như TP. Hà Nội với chương trình trồng mới 1 triệu cây xanh giai đoạn 2016 - 2018 và trồng thêm 600.000 cây xanh nữa đến năm 2020, giao chỉ tiêu trồng cây xanh tới từng quận, huyện; tỉnh Quảng Ninh chấm dứt sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần ở vịnh Hạ Long; hay đảo Cù Lao Chàm (Quảng Nam) đã 10 năm không sử dụng túi nilon…

Thủ tướng cũng đánh giá cao sáng kiến lập Liên minh tái chế bao bì Việt Nam, hay chuỗi siêu thị Saigon Co.op cơ bản không sử dụng túi nilon trong tiêu dùng.

“Chỉ có những sáng kiến và hành động cụ thể như vậy mới biến các chủ trương, mục tiêu chiến lược tăng trưởng xanh và bền vững của chúng ta thành hiện thực”, Thủ tướng nói.

Từ phía doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Tập đoàn BRG chia sẻ, quan điểm phát triển nhanh và bền vững đang nhận được sự quan tâm lớn của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.

“Quan điểm của Chính phủ về vấn đề này như thế nào và đâu là động lực để doanh nghiệp phát triển nhanh và bền vững?”, bà Nga nêu câu hỏi.

Trả lời vấn đề này, Phó Thủ tướng Vũ Ðức Ðam cho rằng, Việt Nam chắc chắn có thể phát triển nhanh hơn vì còn nhiều không gian để phát triển, còn rất nhiều vướng mắc của doanh nghiệp chưa được tháo gỡ, nguồn lực trong dân còn rất lớn.

Nếu cải thiện được môi trường kinh doanh tốt, doanh nghiệp có thể đi nhanh hơn, xa hơn.

Nhưng phát triển nhanh có bền vững không thì cần nhìn vào bộ 17 mục tiêu phát triển bền vững để soi chiếu thực hiện. Doanh nghiệp tiêu dùng và sản xuất cần có trách nhiệm hơn, điều này hoàn toàn có thể làm được.

Tại Hội nghị thượng đỉnh Ðối tác vì tăng trưởng xanh và các mục tiêu toàn cầu đến năm 2030 tại Ðan Mạch vào tháng 10/2018, Thủ tướng đã cam kết Việt Nam chung tay hành động cùng với các nước thành viên nhằm hiện thực hoá mục tiêu xanh toàn cầu đến năm 2030, thúc đẩy các dự án hợp tác công - tư trong tăng trưởng xanh, đặc biệt là các dự án tiết kiệm năng lượng, năng lượng tái tạo, nông nghiệp, tài nguyên nước, phát triển đô thị thông minh… vì mục tiêu phát triển bền vững.

Hướng tới nền kinh tế tuần hoàn

Chia sẻ về phương thức lồng ghép các mục tiêu phát triển bền vững Việt Nam vào Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Ðầu tư Nguyễn Văn Trung cho rằng, điểm mới của cách tiếp cận về phát triển bền vững thời gian tới là đặt ra yêu cầu cần phát triển nhanh để duy trì ổn định, nhằm tạo nền tảng cho phát triển bền vững.

Phát triển nhanh sẽ dựa trên sự thúc đẩy mạnh mẽ của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Thành quả của phát triển là dành cho tất cả mọi người và không để ai bị bỏ lại phía sau, nhất là các đối tượng chính sách, người có công, người nghèo, người yếu thế, đồng bào dân tộc thiểu số.

Sản xuất theo hệ thống kinh tế tuyến tính đã được con người sử dụng trong suốt một thời gian dài, gây áp lực lớn tới môi trường, trái đất.

Cụ thể, kinh tế tuyến tính là khai thác, sản xuất, kết thúc vòng đời sản phẩm lại trả về môi trường. Ðường thẳng này dẫn đến hiện tượng nhu cầu của nhân loại càng lớn, nguồn tài nguyên ngày càng cạn kiệt. Hoạt động sản xuất vì thế không bền vững, rác thải trở thành vấn nạn.

“Kinh tế tuần hoàn là cách tốt nhất để phá vỡ mối liên hệ lâu nay giữa tăng trưởng kinh tế và các ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường", ông Nguyễn Hoàng Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) nói và nhấn mạnh, thực tế, tại Việt Nam, kinh tế tuần hoàn đã manh nha từ lâu với mô hình vườn - ao - chuồng trong lĩnh vực nông nghiệp, kế đến là các chương trình tiêu dùng xanh, chuỗi cung ứng từ trang trại đến bàn ăn, nhưng để có tính hiệu quả và lan tỏa cần có những kế hoạch làm bài bản và chuyên nghiệp hơn.

Nhiều kinh nghiệm phát triển bền vững được các doanh nghiệp, tập đoàn đa quốc gia chia sẻ tại Hội nghị.

Ông Patrick Chung, Tổng giám đốc Công ty Lee&Man Việt Nam cho biết, hiện 95% nguyên liệu đầu vào của nhà máy sản xuất giấy Lee&Man là từ nguyên liệu tái chế.

“Ðể có 1 tấn bột giấy nguyên liệu, người ta cần phải chặt 23 cây xanh và để sản xuất bột giấy từ gỗ, cần nhiều quy trình, tốn nhiều điện, nước. Sử dụng nguyên liệu tái chế sẽ tiết kiệm được 35% lượng nước so với sử dụng bột giấy theo phương pháp truyền thống”, CEO Lee& Man cho biết. Ngoài ra, doanh nghiệp này chủ động giám sát kỹ thuật xử lý các vấn đề về mùi, đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn về xả thải ra môi trường.

Ðại diện Unilever cho biết, tập đoàn này đã hạn chế sử dụng bao bì nhựa, sử dụng nhựa có khả năng tái chế và hướng tới không sử dụng bao bì nhựa. Unilever cũng kiến nghị tới Hội nghị giải pháp cần nâng cao ý thức của người dân chủ động phân loại rác từ nguồn, có chương trình thu gom tổng bộ với hệ thống phân loại tốt hơn, nên thiết lập cơ chế hợp tác công - tư để phát triển chuỗi giá trị, tiến tới phát triển bền vững.

Cùng với sự gia tăng của dân số và mục tiêu phát triển kinh tế của các quốc gia, tài nguyên trên thế giới đang bị khai thác cạn kiệt và nhiều cảnh báo về việc trái đất đang đi gần tới giới hạn chịu đựng cuối cùng.

“Ước tính, cần 1,75 trái đất để có thể đáp ứng nhu cầu của nhân loại”, bà Bùi Thị Loan, Trưởng phòng Phát triển bền vững Công ty THNHH Nhà máy bia Heineken Việt Nam cho hay. Ðiều này càng thúc đẩy doanh nghiệp sớm chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường và phát triển bền vững cùng môi trường, trái đất.

Giấy thông hành để doanh nghiệp hội nhập thế giới

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho rằng: “Phát triển bền vững là hệ giá trị của thế giới hiện đại, nền tảng tương tác giữa các quốc gia, giải quyết nhu cầu kết nối con người với con người và với doanh nghiệp. Ðó là giấy thông hành để doanh nghiệp hòa nhập thế giới, để lại dấu chân xanh trên bản đồ kinh tế toàn cầu”.

Tại Việt Nam, cộng đồng doanh nghiệp đã có 5 sáng kiến thiết thực: Liên minh tái chế bao bì Việt Nam với mục tiêu đến năm 2020 có 100% doanh nghiệp tham gia liên minh này tái chế toàn bộ phế phẩm của mình, không xả thải vào thiên nhiên; dự án phát triển thị trường nhựa tái sinh sau tiêu dùng; thực hiện sử dụng rác thải nhựa tái chế làm đường giao thông; xây dựng thị trường nguyên vật liệu thứ cấp cho Việt Nam.

"Trong sáng tạo phát triển kinh tế - xã hội hiện nay, khu vực doanh nghiệp siêu nhỏ có vai trò ngày càng quan trọng nên không thể gạt các hộ kinh doanh nhỏ và siêu nhỏ và nhỏ ra ngoài được", ông Lộc nhấn mạnh.

Cũng theo ông Lộc, thay vì nói đến vai trò tách bạch cạnh tranh giữa khu vực tư nhân và nhà nước, đã đến lúc chúng ta cần nói nhiều hơn đến đối tác công - tư và sự hợp tác giữa hai khu vực này.

Ðối tác công - tư không chỉ cần cho các dự án cơ sở hạ tầng, mà còn cần cho lĩnh vực dịch vụ công và phát triển các ngành công nghiệp quan trọng đóng vai trò dẫn dắt và đạt yêu cầu tự chủ của nước ta.

Thủ tướng nhấn mạnh, cần tập trung chính sách và nguồn lực cho phát triển bền vững; đồng thời cần tăng tốc quá trình tái cấu trúc và hoàn thiện thể chế kinh tế theo hướng sử dụng hiệu quả hơn tài nguyên thiên nhiên, tiết kiệm năng lượng, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, đổi mới công nghệ, thích ứng với biến đổi khí hậu, xóa đói giảm nghèo, bảo đảm phát triển kinh tế bền vững.

Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu để chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững là trọng tâm, nội dung xuyên suốt trong chiến lược kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030 với kế hoạch, các nhiệm vụ cụ thể.

Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Ðầu tư chủ trì, phối hợp các bộ, ngành liên quan; VCCI căn cứ kết luận Hội nghị phát triển bền vững toàn quốc năm 2019 trình Chính phủ xem xét ban hành Nghị quyết về phát triển bền vững.

Vì một thập niên phát triển bền vững hơn, cộng đồng doanh nghiệp đang nỗ lực từ những hành động nhỏ nhất, hướng tới không xả thải ra môi trường, lãng phí tài nguyên để tiến tới phát triển nhanh hơn, bền vững hơn.

Quy mô chương trình tín dụng xanh năm nay là 10.000 tỷ đồng và nâng lên 16.000 tỷ đồng vào năm 2020

Doanh nghiệp phát triển nhanh, nhưng phải bền vững ảnh 1

Ông Phạm Quốc Thanh, Phó tổng giám đốc Ngân hàng HDBank

Phát triển bền vững luôn là mục tiêu định hướng quan trọng trong chiến lược phát triển của chúng tôi, trong đó chương trình tín dụng xanh là một trong những chương trình quan trọng mà HDBank đã và đang theo đuổi trong định hướng chiến lược ngân hàng xanh của mình.

Việc tài trợ tín dụng xanh theo chuỗi có ý nghĩa rất thiết thực, giúp gắn kết và hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam phát triển bền vững chuỗi toàn cầu; đồng thời giúp doanh nghiệp tiết kiệm về mặt chi phí kinh doanh; nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ cung cấp cho khách hàng.

Thực hiện mục tiêu này, HDBank đẩy mạnh triển khai cung cấp tín dụng xanh với các hình thức triển khai trong chương trình đều nhắm đến mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp phát triển hiệu quả và bền vững.

Quy mô của chương trình trong năm nay lên đến 10.000 tỷ đồng, có thể tăng thêm dự kiến 16.000 tỷ đồng trong năm 2020, tùy theo nhu cầu của thị trường.

Trong đó, ước tính đến 31/8/2019, HDBank đã tài trợ 9.803 tỷ đồng, dư nợ 5.775 tỷ đồng cho khách hàng doanh nghiệp thực hiện các dự án điện mặt trời tại Việt Nam với quy mô dự án đạt 725 MWp.

Bên cạnh đó, HD Bank cũng ưu tiên tài trợ cho lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, tăng dư nợ tín dụng trong lĩnh vực này, góp phần hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp phát triển phát triển mạnh chuỗi trồng trọt - chế biến - xuất khẩu.

Trong lĩnh vực này, theo định hướng 5 lĩnh vực ưu tiên của Ngân hàng Nhà nước, tính đến tháng 8/2019, HDBank đã tăng dư nợ cho vay lên 11.012 tỷ đồng, gấp 3,4 lần so với năm 2016, tăng trưởng 38% so với cùng kỳ 2018, cao hơn 3 lần so với mức tăng trưởng tín dụng chung 13% của HDBank.

Trong đó, HDBank tài trợ 800 tỷ đồng cho chuỗi trồng trọt - chế biến - xuất khẩu trái cây của THADI-HAGL Agri, triển vọng sang năm 2020 sẽ nâng lên thành 1.800 tỷ đồng.

Cũng trong chiến lược phát triển bền vững, hiện HDBank đang hoàn thiện quá trình chuyển đổi ngân hàng số (Digital Transformation Banking) để cùng hệ sinh thái Tập đoàn hòa nhịp với xu thế 4.0, hưởng ứng tích cực chính sách không dùng tiền mặt do Chính phủ ban hành. Việc phát triển ngân hàng số sẽ giúp tối ưu hóa hiệu quả và nâng cao chất lượng trải nghiệm của khách hàng.

Bắt đầu bằng việc phân tích các giai đoạn trong vòng đời sản phẩm

Doanh nghiệp phát triển nhanh, nhưng phải bền vững ảnh 2

Ông Matt Wilson, Giám đốc Ngoại vụ cấp cao, HEINEKEN Việt Nam.

Gần đây, một số quan điểm cho rằng phát triển bền vững luôn đi kèm với tiêu tốn chi phí. Theo tôi, quan niệm này chưa hẳn chính xác.

Thậm chí, thực tế còn chứng minh điều ngược lại. Ví dụ, việc sử dụng năng lượng sinh khối để nấu bia của Heineken đã giúp tiết kiệm chi phí, mà không phải đầu tư.

Kể cả khi doanh nghiệp cần đầu tư vốn ban đầu thì cũng sẽ nhanh chóng thu hồi lại nhờ tiết kiệm được chi phí trong suốt thời gian thực hiện.

Bản chất của nền kinh tế tuần hoàn chính là tái sử dụng các phụ phẩm trong sản xuất thành nguyên liệu mới, thay vì tìm kiếm và khai thác tài nguyên thiên nhiên.

Không chỉ giới hạn trong khuôn khổ chuỗi cung ứng của doanh nghiệp, Heineken Việt Nam còn tiên phong lan tỏa khái niệm và thực tiễn áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn trong cộng đồng doanh nghiệp thông qua việc tổ chức các hội thảo cho 20 doanh nghiệp thành viên; tham gia chương trình Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam và tổ chức huấn luyện cho trên 100 nhà cung cấp.

Các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể bắt đầu bằng việc phân tích tất cả các giai đoạn trong vòng đời sản phẩm. Ðặc biệt, hãy quan tâm tới điểm kết thúc của mỗi giai đoạn.

Khi tạo nên một sản phẩm mới, hãy thử nghĩ liệu sản phẩm cùng với bao bì này một ngày không xa sẽ biến thành rác thải ra môi trường. Khi đó, doanh nghiệp sẽ tìm ra cách tái sử dụng hiệu quả, hay những phương thức bền vững hơn để đưa sản phẩm ra thị trường.

Tin bài liên quan