Ô tô nội địa đang bị cạnh tranh gay gắt bởi ô tô nhập khẩu từ Thái Lan và Indonesia.

Ô tô nội địa đang bị cạnh tranh gay gắt bởi ô tô nhập khẩu từ Thái Lan và Indonesia.

Doanh nghiệp phân phối ô tô... "phanh gấp"

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sau năm 2022 hồi phục mạnh nhờ nhu cầu bị dồn nén vì dịch Covid-19 thì thị trường ô tô từ đầu năm 2023 đến nay ảm đạm và tình trạng này có thể kéo dài đến cuối năm.

Tồn kho cao, lợi nhuận giảm

Ông Đỗ Tiến Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Dịch vụ Ô tô Hàng Xanh (Haxaco, mã chứng khoán HAX) cho biết, nếu như quý I năm ngoái, Công ty ghi nhận lợi nhuận 70 tỷ đồng, thì quý I năm nay cố gắng cân bằng thu chi, hy vọng sẽ không bị lỗ, bởi sức mua giảm mạnh. Dự báo, tình hình kinh doanh khó khăn có thể kéo dài đến hết quý II/2023.

Trước áp lực lãi suất cho vay cao, người tiêu dùng cân nhắc, tính toán kỹ hơn trước khi “xuống tiền” mua xe. Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản trầm lắng cũng ảnh hưởng đến khả năng mua ô tô của người dân.

Theo Huyndai Thành Công, từ đầu năm 2023 đến nay, các đại lý ô tô triển khai nhiều chính sách ưu đãi, nhưng nhu cầu mua sắm ô tô của người dân đi xuống trong bối cảnh lãi suất cho vay tăng, thu nhập suy giảm.

Công ty cổ phần Dịch vụ tổng hợp Sài Gòn (Savico, mã chứng khoán SVC) nhận định, nguy cơ kinh tế thế giới suy thoái, lạm phát cao, tình trạng thiếu chip, chất bán dẫn... sẽ dẫn đến sự biến động nguồn cung xe ô tô. Trong khi đó, hoạt động phân phối cạnh tranh gay gắt, lãi suất cao và sức cầu giảm. Thị trường có thể cần khoảng 3 - 6 tháng để cân bằng trở lại. Savico dự kiến, lợi nhuận sau thuế năm 2023 đạt 439 tỷ đồng, giảm 25% so với mức thực hiện năm 2022.

Dữ liệu từ Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho thấy, 2 tháng đầu năm 2023, doanh số bán ô tô toàn thị trường giảm 25% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, xe ô tô du lịch giảm 28%, xe thương mại giảm 10%, xe chuyên dụng giảm 47%. Doanh số xe lắp ráp trong nước giảm 38%, xe nhập khẩu giảm 3%.

Thực tế, sức mua ô tô có dấu hiệu giảm từ cuối năm 2022. Cụ thể, tháng 12/2022, các thành viên VAMA tiêu thụ được 35.301 xe, giảm 3% so với tháng liền trước và giảm hơn 24% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, lượng nhập khẩu ô tô nguyên chiếc tháng 12/2022 là 21.895 xe, tăng 44% so với cùng kỳ. Tháng 1/2023, số lượng nhập khẩu là 12.842 xe, gấp 3 lần cùng kỳ năm 2022.

Hiệp hội Các nhà nhập khẩu ô tô Việt Nam (VIVA) cho rằng, các doanh nghiệp ngành xe ô tô đang phải gồng mình đối phó với lượng hàng tồn kho cao do sức mua trên thị trường giảm đột ngột. Hoạt động đăng kiểm 2 tháng gần đây gặp khó khăn càng khiến lượng tồn kho tăng, tạo ra áp lực tài chính đối với các doanh nghiệp. Tất cả 12 doanh nghiệp thành viên của VIVA gặp khủng hoảng hàng tồn kho nghiêm trọng hơn.

Tính đến cuối năm 2022, giá trị hàng tồn kho của Haxaco là 1.064 tỷ đồng, gấp 1,8 lần so với cùng kỳ năm 2021. Tương tự, Savico có hàng tồn kho 1.801 tỷ đồng, gấp 1,8 lần; Công ty cổ phần City Auto (mã chứng khoán CTF) có hàng tồn kho 476 tỷ đồng, gấp 1,4 lần cùng kỳ…

Ông Đỗ Tiến Dũng chia sẻ, hàng tồn kho của Haxaco cuối năm 2022 tăng cao vì hai lý do. Thứ nhất, Công ty nhập hàng với số lượng lớn để nhận khoản tiền thưởng doanh số từ Nhà máy Mercedes-Benz. Số tiền thưởng này đóng góp lớn vào lợi nhuận của Haxaco trong năm vừa qua. Thứ hai, từ ngày 1/1/2023, nhiều mẫu xe của Mercedes-Benz tăng giá nên Haxaco đã nhập mua nhiều xe để có được mức giá thấp. Haxaco phấn đấu giảm giá trị hàng tồn kho xuống 600 tỷ đồng vào cuối quý I/2023.

Kỳ vọng lệ phí trước bạ sẽ giảm

Chính phủ vừa chỉ đạo các bộ, ngành liên quan nghiên cứu chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước theo xuất của Bộ Công thương.

Bộ Tài chính đang phối hợp với Bộ Công thương nghiên cứu chính sách miễn giảm 50% lệ phí trước bạ đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, việc này giúp các doanh nghiệp phân phối ô tô kỳ vọng hoạt động kinh doanh sẽ khởi sắc trong nửa cuối năm 2023.

Trước đó, việc miễn 50% lệ phí trước bạ giai đoạn 28/6/2020 - 31/12/2020 và 1/12/2021 - 31/5/2022 đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước (tương ứng với mức giảm từ 15 - 300 triệu đồng, tùy theo giá trị của xe) đã tạo ra động lực tăng trưởng cho các doanh nghiệp sản xuất và phân phối ô tô tại Việt Nam, sau khi bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19.

Công ty Chứng khoán SSI nhận xét, nhu cầu bị dồn nén và sự hỗ trợ từ Chính phủ là hai động lực chính giúp ngành ô tô phục hồi trong năm 2022, với 404.635 xe ô tô được bán ra từ các thành viên VAMA, tăng 33% so với năm 2021.

Hiện tại, một bộ phận khách hàng có nhu cầu mua ô tô, nhưng chưa mua ngay. Một đại lý phân phối ô tô ở Hà Nội cho biết, hiện đã nhận được tiền đặt cọc mua xe sản xuất, lắp trong nước của hơn 100 khách hàng, nhưng đến cuối quý II, đầu quý III/2023 mới nhận xe, với kỳ vọng hưởng lợi từ chính sách giảm lệ phí trước bạ (nếu có).

Về phía doanh nghiệp phân phối ô tô, bên cạnh kỳ vọng chính sách giảm lệ phí trước bạ sẽ được ban hành, tạo ra cú huých giúp thị trường phân phối ô tô khởi sắc, thì doanh nghiệp cũng đang chủ động với các kế hoạch kinh doanh năm nay.

Lãnh đạo Haxaco chia sẻ, năm 2023, Công ty đặt mục tiêu đạt lợi nhuận khoảng 300 tỷ đồng, cao hơn mức thực hiện năm 2022. Động lực tăng trưởng chủ yếu sẽ đến từ mảng dịch vụ sửa chữa ô tô (dự kiến đóng góp 100 tỷ đồng lợi nhuận) và khai thác các khoản đầu tư từ quỹ đất mua tại đường Võ Văn Kiệt, TP.HCM, khai thác 2 mảnh đất của Công ty Mitaco (Haxaco sở hữu 60%) để mở đại lý.

Ngoài ra, tháng 6/2023, Mercedes-Benz dự kiến sẽ ra mắt mẫu xe GLC mới có giá thành cao hơn không nhiều hơn xe cũ, nhưng xe rộng hơn, nhiều tính năng ưu việt hơn, đặc biệt dùng động cơ Hybrid thân thiện môi trường, tiết kiệm xăng, vận hành êm. Dòng xe GLC hiện chiếm đến 50% doanh số của Haxaco, nên sự xuất hiện của mẫu mới kỳ vọng sẽ tạo đột phá về doanh thu cho Haxaco trong quý III/2023.

Với Savico, công ty này kỳ vọng, chính sách về thuế, phí đối với ô tô sẽ giúp thị trường sôi động trở lại; dòng xe nhập khẩu nguyên chiếc sẽ có giá bán tốt nhờ hưởng lợi từ tỷ giá có diễn biến giảm; nhiều thương hiệu dự kiến sẽ ra mắt sản phẩm mới, với các chính sách kích cầu… Mục tiêu năm 2023 của Savico là khai trương và đưa vào hoạt động 17 đại lý, nhận quyền phát triển 10 đại lý mới.

Ngoài ra, năm ngoái, SVC Holdings đã nâng tỷ lệ sở hữu tại Savico lên 53,8%. Theo kế hoạch, trong năm nay, Tasco sẽ phát hành cổ phiếu để hoán đổi cổ phần, thực hiện hợp nhất SVC Holdings. Nếu kế hoạch này thành công, Savico sẽ trở thành công ty thành viên trong hệ sinh thái của Tasco. Sự thay đổi này có thể sẽ tạo ra “làn gió mới” cho Savico.

Công ty Chứng khoán SBS cho rằng, tỷ lệ sở hữu xe ô tô tại Việt Nam hiện còn rất thấp so với các nước trong khu vực và trên thế giới, đồng thời tầng lớp người giàu trẻ tuổi tăng nhanh, nên nhu cầu sẽ phục hồi khi lãi suất ổn định, kinh tế tăng trưởng tốt trở lại.

VIVA kiến nghị, cơ quan quản lý cần có giải pháp hỗ trợ công bằng giữa hai loại xe. Ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đã 2 lần được giảm 50% lệ phí trước bạ trong 3 năm gần đây, còn xe nhập khẩu không được hỗ trợ.

Liên quan đến xe nhập khẩu, kể từ năm 2018, thuế nhập khẩu ô tô từ các nước ASEAN giảm còn 0% (năm 2017 là 30%, trước đó là 40%); tỷ trọng loại xe này hiện đạt hơn 40% trong tổng lượng xe bán ra. Theo Nghị định 126/2022/NĐ-CP của Chính phủ về việc thực hiện Hiệp định ATIGA, mức thuế 0% tiếp tục áp dụng cho giai đoạn 2023 - 2027, với điều kiện tỷ lệ nội địa hóa trên 40% (nếu không sẽ áp dụng mức thuế 50 - 70%). Hiện Thái Lan và Indonesia là hai quốc gia xuất khẩu ô tô sang Việt Nam nhiều nhất, năm 2022 đạt 144.703 xe, chiếm 83,4% tổng lượng xe nhập khẩu vào Việt Nam.

Với xe nhập khẩu từ châu Âu, theo Hiệp định EVFTA, mức thuế nhập khẩu sẽ giảm dần xuống 0% trong vòng 9 - 10 năm, từ mức 70% trước khi hiệp định có hiệu lực ngày 1/8/2020.

Tin bài liên quan