Xuất khẩu phân bón quý II khó lặp lại đà tăng trưởng đột biến trong quý I.

Xuất khẩu phân bón quý II khó lặp lại đà tăng trưởng đột biến trong quý I.

Doanh nghiệp phân bón phản ứng với đề xuất thuế xuất khẩu

(ĐTCK) Đề xuất áp dụng mức thuế suất thuế xuất khẩu 5% với mọi mặt hàng phân bón đang nhận được phản hồi trái chiều từ một số doanh nghiệp trong ngành.

“Tăng thuế xuất khẩu sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp”

Bộ Tài chính vừa trình Chính phủ quy định thống nhất mức thuế xuất khẩu 5% với mặt hàng phân bón, không phân biệt tỷ lệ tài nguyên khoáng sản trong các sản phẩm. Cụ thể, thuế suất thuế xuất khẩu các mặt hàng phân bón có giá trị tài nguyên và khoáng sản cộng chi phí năng lượng dưới 51% giá thành sản phẩm sẽ được tăng từ 0% lên 5%. Nhóm phân bón khác vẫn giữ nguyên mức thuế hiện hành (5%).

Theo Bộ Tài chính, phương án tăng thuế xuất khẩu này sẽ góp phần giữ lại nguồn phân bón sử dụng trong nước, nhất là trong bối cảnh giá phân bón tăng cao, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước và doanh nghiệp; đồng thời, giảm bớt thủ tục hành chính do doanh nghiệp và Hải quan không còn phải xác định tỷ lệ tài nguyên khoáng sản trong sản phẩm như quy định hiện hành, thống nhất thuế xuất khẩu với doanh nghiệp.

Đề xuất chính sách mới này, theo Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo, mã DPM), “không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của PVFCCo”. Bởi lẽ, từ nhiều năm nay, Công ty vẫn đóng thuế 5% mỗi khi xuất khẩu sản phẩm urê, vì urê thuộc nhóm phân bón có giá trị tài nguyên và khoáng sản cộng chi phí năng lượng trên 51%.

Tuy vậy, theo bà Nguyễn Thị Hiền, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (mã DCM), chính sách này sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Bà Hiền cho rằng, hiện không có một chính sách ưu đãi nào cho doanh nghiệp sản xuất phân bón, từ giá than, khí, giá điện, các chính sách về thuế phí. Trong khi các quốc gia trong khu vực như Indonesia, Malaysia áp dụng chính sách giá khí chỉ từ 1 - 2 USD/mmBTU với sản xuất phân bón để hỗ trợ nông nghiệp, còn ở nước ta giá khí cao gấp 5-10 lần. Hơn nữa, doanh nghiệp sẽ phải mua khí theo giá Nhà nước điều chỉnh hàng tháng, trong khi giá đạm lại tăng chậm hơn thế giới.

Bà Hiền nhấn mạnh, nếu muốn gỡ khó cho nông dân, Nhà nước cần giải quyết tận gốc vấn đề đầu ra cho nông sản, thay vì tạo khó khăn cho doanh nghiệp phân bón, bởi thực tế phân bón chỉ chiếm 24% giá thành sản xuất nông nghiệp.

Ông Nguyễn Phú Cường, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) nêu quan điểm, việc áp thuế suất thuế xuất khẩu 5% đối với mặt hàng phân bón nhằm hạ giá thành phân bón trong nước, cần có sự tính toán cẩn trọng.

Ông Cường chỉ ra nguyên nhân tăng giá phân bón trong thời gian qua là do nhiều yếu tố, trong đó, chi phí đầu vào sản xuất urê chiếm tỷ trọng cao như than nhiệt điện, than phản ứng đều tăng gấp 1,5 lần trong 10 tháng nay khiến than chiếm tới 63% cơ cấu giá thành.

Đối với Kali, nguyên liệu là lưu huỳnh, amoniac đã tăng gấp đôi trong một năm, mà Việt Nam còn đang phải nhập khẩu 100% lưu huỳnh.

Ngoài ra, giá phân bón tăng còn đến từ việc chi phí logistics, vận chuyển tăng cao. Đặc biệt, phân bón là sản phẩm theo mùa vụ và có thể gây thừa cục bộ ở một số điểm, dẫn đến chi phí lưu kho, bảo quản tăng cao.

Vậy nên, ông Cường đánh giá việc áp thuế xuất khẩu 5% với mặt hàng phân bón sẽ hạ nhiệt được giá bán trong nước là không hợp lý.

Mức lãi lớn khó duy trì

Các doanh nghiệp phân bón vừa đồng loạt báo cáo kết quả kinh doanh quý I rất tích cực. Cụ thể, PVFCCo ghi nhận doanh thu đạt 5.885 tỷ đồng, tăng 198% so với cùng kỳ; lãi sau thuế đạt 2.126 tỷ đồng, gấp 12 lần cùng kỳ và là số lãi cao nhất từ trước đến nay.

Năm 2022, Công ty đặt kế hoạch doanh thu đạt 11.059 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 945 tỷ đồng, lần lượt tăng 33% và 158% so với thực hiện trong năm 2021.

Như vậy, kết thúc quý I, doanh nghiệp đã thực hiện được gần 53% mục tiêu doanh thu và vượt 125% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Phân bón Cà Mau ghi nhận doanh thu 4.074 tỷ đồng, tăng 122% so với cùng kỳ năm ngoái; lãi sau thuế đạt 1.517,6 tỷ đồng, cao gấp 10 lần.

DCM cho biết, do khan hiếm nguồn cung nên giá phân bón đã tăng mạnh và đạt đỉnh. Riêng giá bán bình quân mặt hàng phân bón urê quý I tăng hơn 148% so với cùng kỳ năm 2021.

Bên cạnh đó, Trung Quốc - quốc gia xuất khẩu phân bón lớn đã hạn chế xuất khẩu để đảm bảo cho sản xuất nông nghiệp trong nước, nên Công ty tranh thủ xuất khẩu để đạt lợi nhuận tốt.

Công ty cổ phần Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao (mã LAS) ghi nhận doanh thu quý I/2022 tăng 40% so cùng kỳ, lên 1.096 tỷ đồng, mức cao nhất kể từ năm 2019 đến nay. Lợi nhuận sau thuế đạt gần 31 tỷ đồng, tăng 26,9% so với cùng kỳ.

Năm nay, LAS lên kế hoạch doanh thu 2.885 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 102 tỷ đồng, lần lượt tăng 3% và 20% so với thực hiện trong năm 2021. Như vậy, doanh nghiệp thực hiện được 34,7% mục tiêu doanh thu và 30% mục tiêu lợi nhuận năm sau quý đầu năm.

Vinachem, kết thúc quý I/2022 ghi nhận doanh thu ước đạt 16.837 tỷ đồng, lần lượt tăng 36,7% so cùng kỳ năm 2021; ước lãi 2.243 tỷ đồng.

Trong năm nay, Vinachem đặt mục tiêu 52.230 tỷ đồng tổng doanh thu và 1.810 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế hợp nhất, giảm lần lượt 2% và 15% so với năm 2021. Với kết quả trên, Tập đoàn đã vượt 24% kế hoạch lợi nhuận cho cả năm.

Tập đoàn Hoá chất Đức Giang (mã DGC) cũng cùng chung xu hướng khi ghi nhận tổng doanh thu đạt 3.634 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 1.506 tỷ đồng trong quý I, lần lượt tăng trưởng 86% và 620% so với cùng kỳ.

Công ty cổ phần Phân bón Miền Nam (mã SFG) cũng có kết quả kinh doanh quý I tăng trưởng khá với doanh thu thuần đạt 565 tỷ đồng; lãi sau thuế đạt 28,3 tỷ đồng, tăng 37,8% về doanh thu và 1.000% về lợi nhuận so với cùng kỳ. Như vậy, sau quý I, Công ty đã hoàn thành được 32% mục tiêu về doanh thu và 89,8% mục tiêu lợi nhuận cả năm.

Công ty cổ phần DAP Vinachem (mã DDV) công bố báo cáo tài chính quý I/2022 với doanh thu đạt 863 tỷ đồng, tăng 37% so với cùng kỳ năm trước.

Trong cơ cấu doanh thu, doanh thu nội địa giảm 16% về 304 tỷ đồng, nhưng doanh thu xuất khẩu tăng vọt từ 268 tỷ đồng lên 559 tỷ đồng. Nhờ đó, lợi nhuận gộp xuất khẩu tăng mạnh từ 22 tỷ đồng lên 119 tỷ đồng (trong khi nội địa đi ngang ở mức 64 tỷ đồng). Kết quả, Công ty lãi sau thuế 136,5 tỷ đồng, gấp 3,8 lần cùng kỳ.

Bà Hiền khẳng định, trong quý I, doanh thu các doanh nghiệp phân bón tăng mạnh so với cùng kỳ chủ yếu đến hoạt động từ xuất khẩu. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, quý I/2022, khối lượng phân bón xuất khẩu của cả nước đạt 474.268 tấn, giá trị đạt 306,97 triệu USD, tăng 42,2% về khối lượng và tăng 198,5% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Giá bán trung bình đạt 647,3 USD/tấn, tăng 110%.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo Phân bón Cà Mau, đà tăng trưởng này chỉ mang tính ngắn hạn. Thị trường xuất khẩu phân bón quý II đã bắt đầu suy giảm, thậm chí sau tháng 6, giá phân bón có thể giảm 30 - 40%.

Nguyên nhân do việc điều tiết cung cầu phân bón đến nay cũng không còn nhiều khó khăn như trước.

Các nước tiêu thụ nhiều phân bón như Brazil, Ấn Độ đều đã có đàm phán mua trực tiếp phân bón từ Nga - nhà cung cấp phân bón hàng đầu thế giới. Trung Quốc cũng đã bước qua mùa vụ tháng 6 nên nước này sẽ cho xuất khẩu phân bón, mặc dù thủ tục có thể chậm hơn. Nếu đề xuất tăng thuế xuất khẩu phân bón được thông qua, hoạt động xuất khẩu sẽ gặp thêm khó khăn.

Phân bón Cà Mau vẫn chưa xác định được thị trường xuất khẩu trong quý II, cũng có nghĩa mức lợi nhuận trong quý II/2022 sẽ không thể cao như quý I.

Tin bài liên quan