Nguyên vật liệu, máy móc thiết bị... sản xuất phân bón của các trong nước không được khấu trừ thuế GTGT làm giá thành sản phẩm mất tính cạnh tranh
Kiến nghị “ngược đời”
Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) vừa có văn bản gửi Hiệp hội Phân bón Việt Nam, đề nghị Hiệp hội này kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính khẩn trương báo cáo Quốc hội xem xét, sửa đổi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về Thuế (Luật số 71/2014/QH13) theo hướng đưa phân bón vào đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT) với mức thuế suất là 0% - 5% nhằm tháo gỡ khó khăn cho ngành sản xuất phân bón trong nước.
Là đối tượng không chịu thuế GTGT được quy định trong Luật số 71/2014/QH13 với mục tiêu hạ giá thành phân bón cho nông dân, thúc đẩy sản xuất nội địa, đề xuất muốn được đưa vào diện chịu thuế của Vinachem tưởng chừng vô lý.
Song thực chất, vấn đề này đã được các doanh nghiệp phân bón kiến nghị nhiều lần với Chính phủ, Quốc hội. Lý do là bởi, vì không phải chịu thuế GTGT nên doanh nghiệp không được khấu trừ thuế GTGT của nguyên vật liệu, máy móc, thiết bị nhập khẩu, dịch vụ dùng cho sản xuất phân bón, dẫn tới chi phí sản xuất phân bón tăng lên.
Doanh nghiệp phải tính phần thuế GTGT không được khấu trừ vào chi phí giá thành sản phẩm, làm giá thành phân bón tăng lên, giảm sức cạnh tranh với phân bón nhập khẩu.
Cụ thể, một tính toán của Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho thấy, giá thành phân đạm tăng 7,2%- 7,6%; phân DAP tăng 7,3%- 7,8 %, phân supe lân tăng 6,5%- 6,8%; phân NPK và hữu cơ tăng từ 5,2%-6,1%... so với áp dụng thuế GTGT 5% đối với phân bón.
Theo tính toán của Hiệp hội, tính từ năm 2015 đến 2019, thuế GTGT không được khấu trừ tính vào chi phí của 11 doanh nghiệp phân bón lớn là 3.646 tỷ đồng. 2 doanh nghiệp là công ty con của Vinachem là DAP và DAP 2 chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, xấp xỉ 1.000 tỷ đồng.
Trong khi đó, phân bón nhập khẩu, đặc biệt là phân bón nhập từ Trung Quốc do không phải chịu thuế GTGT 5%, mặt khác được hưởng ưu đãi thuế suất xuất khẩu phân bón 0%, lại được khấu trừ toàn bộ thuế GTGT cho nguyên vật liệu, dịch vụ sản xuất, nên có lợi thế cạnh tranh về giá bán.
Lượng phân bón nhập khẩu tăng mỗi năm hàng trăm nghìn tấn là ví dụ cho thấy “tác động ngược” của chính sách thuế, vừa kìm hãm sự phát triển của doanh nghiệp sản xuất kinh doanh phân bón trong nước, vừa gây thiệt hại cho người nông dân. Bởi, khi sản xuất phân bón trong nước phải thu hẹp quy mô, sản lượng sản xuất trong nước không đủ để giúp Nhà nước điều tiết và quản lý giá khi giá phân bón thế giới biến động tăng, nông dân đã phải mua phân bón với giá đắt.
Không đòi hỏi Nhà nước bỏ tiền hỗ trợ
Đặt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang tác động nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp nói chung, ông Bùi Thế Chuyên, Phó tổng giám đốc Vinachem phân tích, việc giải quyết kiến nghị này không đòi hỏi Nhà nước phải bỏ tiền hỗ trợ doanh nghiệp, mà chỉ là điều chỉnh chính sách để hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước bình đẳng với phân bón nhập khẩu.
“Khi đưa phân bón vào đối tượng chịu thuế GTGT với mức thuế suất 0%, các sản phẩm phân bón được bán với giá trước thuế cộng với thuế GTGT bằng không (0), nghĩa là số tiền thuế GTGT đầu ra doanh nghiệp nộp cho nhà nước bằng không (0) đồng và doanh nghiệp vẫn được hoàn thuế GTGT đầu vào, sẽ làm giảm giá thành sản xuất phân bón và có cơ hội giảm giá phân bón cho nông dân”, ông Chuyên phân tích.
Trong trường hợp đưa phân bón vào đối tượng chịu thuế GTGT với mức thuế suất 5%, là tiền thuế GTGT đầu ra doanh nghiệp nộp cho nhà nước và doanh nghiệp vẫn được hoàn thuế GTGT đầu vào (không làm tăng chi phí sản xuất của doanh nghiệp và không tăng giá bán phân bón cho nông dân).
Theo vị lãnh đạo của Vinachem, cả hai trường hợp trên thì phân bón sản xuất trong nước không phải tăng chi phí sản xuất bất hợp lý và bình đẳng trong môi trường kinh doanh với phân bón nhập khẩu, đảm bảo lợi ích lâu dài của người nông dân.