Đến hết ngày 15/5/2022, PVCFC mới bán được khoảng 50% sản lượng phân bón theo kế hoạch.

Đến hết ngày 15/5/2022, PVCFC mới bán được khoảng 50% sản lượng phân bón theo kế hoạch.

Doanh nghiệp phân bón lo giá giảm, dư cung

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trở về từ Hội nghị Hiệp hội Phân bón thế giới (IFA), các nhà sản xuất lớn của Việt Nam cho biết, giá phân bón thế giới được dự báo sẽ tiếp tục giảm do đã vượt quá khả năng chi trả của nông dân.

Giá phân bón giảm khi sức cầu đi xuống

Theo thông tin từ một nhà sản xuất phân bón lớn, ghi nhận tại Hội nghị IFA, nhu cầu phân bón toàn cầu trong năm 2022 giảm từ 0,2 - 6,9% so với năm 2021. Nhân tố chính làm sụt giảm mạnh nhu cầu phân bón toàn cầu là... giá quá cao.

Giá urea (bao gồm chi phí vận chuyển lô hàng ra cảng, thuế xuất khẩu và thuế làm thủ tục xuất khẩu – giá FOB) đã giảm từ 800 USD/tấn xuống còn khoảng 650 USD/tấn, nhưng Kali và DAP vẫn xoay quanh mức 1.000 USD/tấn FOB - rất cao so với khả năng chi trả của nông dân.

Ông Lê Tiến Hùng, Giám đốc Marketing Công ty cổ phần Phân bón Cà Mau cho biết, do giá phân bón và các chi phí khác như nhân công tăng cao, nên ở Đồng bằng sông Cửu Long có tình trạng bà con nông dân bỏ vụ và đây cũng là thực tế của nông dân trên thế giới.

Khảo sát của Đạm Cà Mau cho thấy, nông dân tại khu vực miền Đông Nam Bộ, Tây Nguyên bỏ ruộng nhiều. Nông dân miền Tây Nam Bộ bỏ vụ 3 do sản xuất nông nghiệp không hiệu quả khi giá vật tư nông nghiệp đầu vào cao trong khi giá nông sản lại thấp. Với nhu cầu tiêu thụ trong nước thấp như vậy, cộng với áp lực giá thế giới giảm, giá phân bón trong nước cũng có xu hướng giảm.

Thông tin được bà Nguyễn Thị Hiền, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Phân bón dầu khí Cà Mau (PVCFC) chia sẻ, giá chào thầu phân urea hạt đục trên thế giới (giá FOB) vào ngày 16/6 vừa qua (lấy theo bình quân 4 thị trường lớn nhất thế giới là Mỹ, Trung Đông, Đông Nam Á và Trung Quốc) là 547 USD/tấn. Đặc biệt, giá phân ure hạt đục của Sơn Đông, Trung Quốc chào thầu ngày 16/6 chỉ còn 448 USD/tấn.

Ngoài áp lực từ sức cầu sụt giảm thì đà đi xuống của giá phân bón trong thời gian qua xuất phát từ việc Trung Quốc thay đổi chính sách cho phép xuất khẩu phân bón trở lại khi cao điểm mùa vụ tại nước này đã qua. Bên cạnh đó, Nga đẩy mạnh xuất khẩu phân bón sang thị trường Ấn Độ, thị trường tiêu thụ phân bón lớn nhất nhì thế giới và sang thị trường Nam Mỹ với giá bán thấp hơn 30% mặt bằng giá thế giới.

Với việc sức cầu giảm do giá phân bón lên quá cao, các nguồn tin trong ngành cho biết, dự báo trong thời gian tới, giá DAP, Kali sẽ giảm, urea sẽ ổn định quanh mức 620 - 650 USD/tấn.

Trong khi giá bán giảm thì chi phí đầu vào của ngành phân bón (chủ yếu là than, khí) vẫn ở mức cao. Giá dầu thô trên thị trường thế giới dù có sự điều chỉnh trong những phiên gần đây, song vẫn ở mức 3 con số và tiềm ẩn khả năng tăng trở lại. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cảnh báo nguồn cung dầu mỏ toàn cầu khó có thể đáp ứng được nhu cầu trong năm tới khi các biện pháp trừng phạt siết chặt hơn buộc Nga phải đóng cửa nhiều giếng dầu và số lượng các nhà sản xuất hạn chế sản lượng ngày càng tăng.

Trong bản báo cáo hàng tháng được công bố hôm 14/6/2022, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cho biết, thị trường dầu mỏ sẽ được cung cấp thấp hơn đáng kể trong nửa cuối năm nay.

Thực tế, các doanh nghiệp sản xuất urea từ khí như PVCFC đang phải mua khí Nam Côn Sơn theo giá thị trường điều chỉnh theo tháng và chốt theo giá dầu FO (giá miệng giếng, cộng các thuế khác, chi phí phí vận chuyển các kiểu để về bờ) nên lên tới 12 USD/triệu BTU. Với giá khí theo thị trường như vậy, bình quân giá thành sản xuất phân đạm của Việt Nam hiện đang cao nhất thế giới.

“Trong khi đó, ở các nước, giá khí bán tại thị trường trong nước là giá khí nội địa, thấp hơn giá xuất khẩu. Điều này có nghĩa là các doanh nghiệp sản xuất phân bón ở nước ngoài được hỗ trợ chi phí nguyên liệu đầu vào nên giá thành sản xuất cạnh tranh”, bà Hiền cho biết.

Nỗi lo ứ cung khi tắc xuất khẩu

Giá phân bón bắt đầu tăng từ cuối năm 2020 do chuỗi cung ứng bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, chi phí logistics và nguyên liệu đầu vào leo cao.

Nguyên liệu đầu vào sản xuất phân bón, bao gồm lưu huỳnh, kali, SA, than, quặng apatit, khí tự nhiên chiếm từ 70% đến 90% chi phí sản xuất, trong khi tất cả các hàng hóa này đều tăng giá mạnh trong hơn 2 năm qua.

Thị trường phân bón toàn cầu càng trở nên căng thẳng hơn kể từ khi xung đột Nga và Ukraine xảy ra vào cuối tháng 2 năm nay, hai quốc gia xuất khẩu phân bón lớn trên thế giới cũng như là nguồn cung quan trọng các nguyên liệu đầu vào cho sản xuất phân bón trên thế giới, dẫn đến giá phân bón tăng chóng mặt, lên mức cao nhất trong vòng nửa thế kỷ qua.

Thị trường urea hiện đang dư cung 600.000 - 800.000 tấn so với nhu cầu bình thường.

Bà Nguyễn Thị Hiền, Phó tổng giám đốc PVCFC

Khi thị trường trong nước yếu về sức cầu, các doanh nghiệp phân bón Việt Nam đã tranh thủ đẩy mạnh xuất khẩu. Số liệu cho thấy, kim ngạch xuất khẩu phân bón trong 5 tháng đầu năm nay chạm mốc 500 triệu USD, tăng 2,7 lần so với cùng kỳ năm ngoái và gần bằng giá trị thu về của cả năm 2021.

Cụ thể, xuất khẩu phân bón của nước ta trong tháng 5 tiếp tục tăng 28,7% về lượng và tăng 148,7% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 132.624 tấn, trị giá 87,8 triệu USD. Đà tăng này chủ yếu là do các doanh nghiệp tận dụng tốt cơ hội thị trường đẩy mạnh bán ra ở thời điểm nguồn cung phân bón toàn cầu khan hiếm, giá cả tăng phi mã.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, ngoài giá bán giảm thì tồn kho đang là vấn đề đáng ngại của ngành phân bón. Theo bà Hiền, thị trường urea hiện đang dư cung 600.000 - 800.000 tấn với nhu cầu bình thường.

Tại Đạm Cà Mau, đến hết ngày 15/5, Công ty mới bán được khoảng 50% sản lượng phân bón theo kế hoạch. Ba đơn vị khác sản xuất phân đạm ure là Đạm Phú Mỹ, Đạm Ninh Bình và Đạm Hà Bắc cũng chung tình trạng này. Năm nay, do nông dân bỏ vụ nhiều, nhu cầu tiêu thụ phân bón còn khoảng 1,4 triệu tấn trên 2,6 triệu tấn công suất.

Để doanh nghiệp có giá thành sản xuất tốt nhất, các nhà máy vẫn phải chạy hết công suất, tạo lợi thế quy mô sản xuất, nên việc xuất khẩu là cần thiết.

Khi phân tích về nhóm cổ phiếu phân bón, các công ty chứng khoán thường đề cập đến rủi ro của nhóm ngành này là việc cơ quản quản lý có thể áp thuế xuất khẩu, hay sử dụng các biện pháp hạn chế xuất khẩu. Cụ thể, trong giai đoạn giá phân bón tăng “hừng hực” mỗi ngày, Bộ Tài chính đã đưa ra đề xuất áp thuế xuất khẩu 5% với mặt hàng này nhằm “hạ nhiệt giá bán trong nước”.

Theo các công ty trong ngành, việc áp thuế xuất khẩu không giúp đạt được mục tiêu tạo mặt bằng giá thấp hơn cho phân bón ở thị trường trong nước. Bởi giá thành phụ thuộc giá đầu vào của nguồn nguyên liệu, chi phí sản xuất, chứ không nằm ở chỗ hạn chế xuất khẩu. Năng lực sản xuất urea của 4 nhà máy tại Việt Nam hoàn toàn đáp ứng 100% nhu cầu nội địa và còn dư một phần để xuất khẩu.

Theo đó, Nhà nước có thể xem xét hạn chế xuất khẩu đối với những loại phân bón trong nước còn thiếu hoặc chưa sản xuất được như DAP, SA, Kali, còn việc áp thuế với urea sẽ không giúp đạt được mục tiêu mong muốn.

Hiện tại, giá bán của DCM được xác định bằng giá FOB bình quân 4 thị trường có urea hạt đục + r nhỏ là biên lợi nhuận điều chỉnh. Nếu r nhỏ bằng 0 và là số dương thì không sao, nhưng r nhỏ hiện đang âm để có thể đưa ra thị trường trong nước mức giá tốt nhất.

“Tới đây, chúng tôi sẽ phải giải trình với kiểm toán về hệ số r nhỏ âm vì theo quy định phải điều hành đạt hiệu quả tối đa về tài chính”, bà Hiền chia sẻ về thế khó của doanh nghiệp trong thời điểm hiện nay.

Mặt khác, theo phản ánh từ các doanh nghiệp, nếu mặt bằng giá bán quá thấp thì các nhà phân phối cũng đẩy giá lên, chứ mức giá ưu đãi này không thể đến tay người nông dân. Vì vậy, chính sách hỗ trợ cho nông dân khó có thể thực hiện qua việc áp thuế xuất khẩu với sản phẩm phân bón vốn đang dư cung ở thị trường trong nước.

Tin bài liên quan