Doanh nghiệp phân bón lãi lớn

Doanh nghiệp phân bón lãi lớn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Phân bón là mặt hàng thuộc đối tượng bình ổn giá, nhưng giá lập kỷ lục trong 10 năm qua do chi phí nguyên liệu tăng, giúp nhiều doanh nghiệp trong ngành lãi đột biến, nhất là khi hoạt động xuất khẩu được đẩy mạnh.

DCM và DPM lãi tăng bằng lần

Trong quý III/2021, Công ty cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (DCM) ghi nhận doanh thu giảm 10%, song giá vốn co lại đến 30%, giúp lãi gộp tăng 127% so với quý III/2020. Nhờ đó, lợi nhuận sau thuế tăng 272% so với cùng kỳ.

Công ty cho biết, giá vốn giảm do sản lượng tiêu thụ giảm, đồng thời giá bán các sản phẩm phân bón tăng cao, trong đó, giá bán bình quân sản phẩm urê tăng 64%.

Luỹ kế 9 tháng đầu năm 2021, DCM đạt doanh thu 6.048 tỷ đồng, tăng 14%; lợi nhuận sau thuế đạt 819 tỷ đồng, tăng 78% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tại Tổng công ty Phân bón và Hoá chất dầu khí - CTCP (DPM), trong quý III/2021 đạt doanh thu 2.824 tỷ đồng, tăng hơn 44%; lợi nhuận sau thuế 618 tỷ đồng, gấp 3,4 lần cùng kỳ năm 2020. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2021, DPM đạt doanh thu 7.700 tỷ đồng, lãi ròng 1.473 tỷ đồng, lần lượt tăng 34,3% và 150% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tính đến cuối tháng 9/2021, sản lượng DPM sản xuất ước đạt gần 128.500 tấn, tăng 44%; sản lượng tiêu thụ NPK Phú Mỹ đạt gần 121.500 tấn, tăng 75% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo DPM, nhu cầu phân bón tăng cao cùng với tình hình thời tiết thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, trong khi nguồn cung trên thế giới sụt giảm đã đẩy giá phân bón leo thang, đạt mức cao kỷ lục trong vòng 10 năm qua.

Lãnh đạo DPM nhận định, thị trường phân bón quý IV/2021 có thể có những thách thức, biến động khó lường, nên Tổng công ty sẽ tập trung đầu tư cho công tác dự báo, phân tích, quản trị chi phí, chăm lo cho bộ phận người lao động “3 tại chỗ”, kịch bản cho điều kiện “bình thường mới” và kịch bản ứng phó khi thị trường biến động mạnh...

Đối với Công ty cổ phần DAP - Vinachem (DDV), hoạt động chính là sản xuất phân bón Diamon phốt phát (DAP), ghi nhận giá bán bình quân quý III/2021 ở mức 7,674 triệu đồng/tấn, tăng 42,4% so với cùng kỳ năm 2020, giúp lợi nhuận trước thuế đạt 68,5 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ gần 7 tỷ đồng.

Công ty cổ phần Phân bón miền Nam (SFG) đạt doanh thu 410 tỷ đồng trong quý III/2021, tăng 73% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá vốn tăng cao hơn do thực hiện phương án sản xuất “3 tại chỗ”, nên lợi nhuận gộp có mức tăng thấp hơn là 43%, đạt 25,4 tỷ đồng, kéo theo biên lợi nhuận gộp giảm từ 8,3% xuống 7,5%.

Ở chiều ngược lại, Công ty cổ phần Super Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao (LAS), doanh nghiệp chuyên kinh doanh phân NPK và phân lân có doanh thu và lợi nhuận trong quý III/2021 giảm so với quý III/2020. Cụ thể, doanh thu LAS đạt hơn 354 tỷ đồng, giảm 12,1%; lợi nhuận sau thuế xấp xỉ 6 tỷ đồng, giảm khoảng 2%.

Tuy vậy, lũy kế 9 tháng đầu năm 2021, LAS đạt doanh thu hơn 1.957 tỷ đồng, tăng 25%; lợi nhuận trước thuế 74 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ gần 5 tỷ đồng.

Xuất khẩu tăng mạnh

Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 9/2021, xuất khẩu phân bón tăng gần 5,8% về lượng, 15,8% về kim ngạch và 9,5% về giá so với tháng 8. So với tháng 9/2020 thì khối lượng xuất khẩu giảm 46,9%, kim ngạch giảm 24,5%, nhưng giá tăng 42,4%.

Tính chung 9 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu phân bón tăng mạnh cả về khối lượng, kim ngạch và giá so với cùng kỳ năm 2020, với mức tăng lần lượt 6,4%, 32,5% và 24,6%.

Giá xuất khẩu trung bình trong tháng 9/2021 là 426 USD/tấn, bình quân 9 tháng đầu năm là 363 USD/tấn.

Giá phân bón gần như liên tục tăng từ cuối năm 2020 đến nay do tác động của nhiều yếu tố, bao gồm khủng hoảng khí đốt tại châu Âu; giá dầu, giá khí tăng mạnh khiến giá nguyên liệu sản xuất urê tăng cao; giá cước vận chuyển tăng vọt do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Bên cạnh đó, mới đây, Trung Quốc có chính sách hạn chế xuất khẩu phân bón nhằm đảm bảo nguồn cung cho thị trường nội địa, trong bối cảnh nước này chiếm khoảng 40 - 50% lượng phân bón nhập khẩu vào Việt Nam, góp phần thúc đẩy giá phân bón tăng.

Nỗi lo giá nguyên liệu đầu vào

Giá nguyên vật liệu nếu tiếp tục tăng mạnh sẽ ảnh hưởng tới biên lợi nhuận doanh nghiệp phân bón, bởi giá bán khó có thể tăng tương ứng, vì đây là mặt hàng thuộc đối tượng bình ổn giá theo quy định của Nhà nước.

Hiện nay, các doanh nghiệp phân bón Việt Nam có thể sản xuất và cung ứng ra thị trường các loại phân urê, phân lân, NPK, DAP và MAP.

Tính đến cuối tháng 9/2021, giá tất cả các loại phân bón đều tăng mạnh so với mức đáy tháng 5/2020, trong đó phân lân tăng 130%, DAP tăng 125%, urê tăng 121%.

Phân urê có 2 nguồn nguyên liệu chính, đó là khí và than. Các doanh nghiệp sản xuất phân đạm sử dụng nguyên liệu than như DHB, Đạm Ninh Bình tập trung ở miền Bắc, bởi trong khu vực có các mỏ than lớn. Các doanh nghiệp sản xuất phân đạm sử dụng nguyên liệu khí tập trung ở miền Nam như DPM, DCM. Việc giá dầu thế giới và giá khí thiên nhiên tăng liên tục trong thời gian qua ảnh hưởng không nhỏ đến chi phí sản xuất của các đơn vị này.

Với khí thiên nhiên, đà tăng được dự báo sẽ tiếp diễn khi mùa Đông đang tới gần, các nước có nhu cầu tiêu thụ khí đốt cao hơn trong bối cảnh khan hiếm và lượng dự trữ khí đang sụt giảm.

Tình trạng khan hiếm khí khiến không ít nhà máy phân bón tại châu Âu phải đóng cửa do chi phí khí cao, đồng nghĩa với việc nguồn cung từ châu Âu giảm.

Khí thiên nhiên và than đá chiếm khoảng 97% nguyên liệu đầu vào sản xuất phân đạm urê và chiếm khoảng 70% giá thành sản phẩm, nhưng tùy thuộc vào từng doanh nghiệp. Chẳng hạn, nguyên liệu khí đầu vào chiếm khoảng 60% chi phí sản xuất urê của DPM.

Về nguyên liệu than đá, Trung Quốc là nhà sản xuất và xuất khẩu than hàng đầu thế giới. Với cam kết trong việc chống biến đổi khí hậu, Trung Quốc có kế hoạch cắt giảm sản lượng khai thác và sản xuất than nhằm giảm khí thải carbon. Điều này có thể khiến giá than duy trì ở mức cao, bởi nỗi lo không đáp ứng được nhu cầu tăng lên khi nền kinh tế thế giới đang hồi phục sau đại dịch.

Đối với các doanh nghiệp phân bón trong nước, việc giá năng lượng thế giới tăng nhanh trong thời gian qua có những tác động tích cực đến giá bán và hoạt động xuất khẩu, nhưng doanh nghiệp cũng phải gồng mình chống chọi với cơn bão giá nguyên vật liệu, đẩy giá thành sản xuất tăng mạnh.

Quý IV/2021, DCM xây dựng kế hoạch kinh doanh ở mức thấp, dự kiến đạt doanh thu 2.677 tỷ đồng, lợi nhuận 18,69 tỷ đồng, chủ yếu do lo ngại giá khí đầu vào tăng cao trong bối cảnh giá dầu tăng mạnh.

Tương tự, DPM ước tính, trong 3 tháng cuối năm 2021, sản lượng kinh doanh urê đạt 237.748 tấn, NPK sản xuất đạt 18.583 tấn, phân bón tự doanh đạt 39.826 tấn và hóa chất đạt 32.204 tấn. Theo đó, doanh thu dự kiến đạt 2.846 tỷ đồng, tương đương với quý III, song lợi nhuận trước thuế có khả năng chỉ bằng 1/5, ước khoảng 131 tỷ đồng.

Tình trạng thiếu nguyên liệu đầu vào, đứt gãy chuỗi cung ứng không chỉ xảy ra với phân urê, mà là tình trạng chung của đa số phân bón khác như DAP, NPK.

NPK là phân phức hợp gồm 3 nguyên tố hóa học là N, P, K, cung cấp cho cây trồng. Nguyên liệu đầu vào để sản xuất NPK là các loại phân đơn kể trên. Các doanh nghiệp sản xuất phân NPK chính trong nước là BFC, DPM, DCM, LAS, SFG…

BFC hiện là một trong những nhà sản xuất phân bón NPK lớn nhất trong nước. Theo lãnh đạo doanh nghiệp này, khoảng 30% thị phần NPK cả nước đang được chia nhau bởi hơn 800 doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh nhỏ lẻ và nhập khẩu. Yếu tố phân mảnh khiến áp lực cạnh tranh trên thị trường tăng dần. Trong khi đó, không ít doanh nghiệp như DPM, DCM... triển khai các dự án mở rộng công suất, xây dựng nhà máy mới hướng tới phân khúc NPK chất lượng cao trong những năm gần đây khiến mức độ cạnh tranh ngày càng gay gắt.

Đối với phân khúc phân lân, phân DAP có nguồn nguyên liệu chính là mỏ quặng apatit ở phía Tây Bắc và lưu huỳnh. Quặng apatit hiện nay thuộc sự quản lý và khai thác của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem). LAS đang có lợi thế là công ty con của Vinachem, được đảm bảo nguồn cung.

Trên thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu nhóm phân bón bứt phá trong nhiều tháng qua theo đà tăng của giá phân bón, nhiều mã leo lên vùng đỉnh lịch sử như DPM, DCM. Giá cổ phiếu DPM hiện có mức tăng 350% so với đáy tháng 3/2020 và tăng 130% so với đáy tháng 7/2021. Trong cùng khoảng thời gian, giá cổ phiếu DCM có mức tăng lần lượt khoảng 350% và 90%.

Các cổ phiếu phân bón khác hiện có mức giá tăng mạnh so với đầu năm 2021 là DDV tăng 220%, LAS tăng 190%, SFG tăng 120%, BFC tăng 110%...

Tin bài liên quan