Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa tại cảng Cát Lái (TP.HCM) Ảnh: Lê Quân

Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa tại cảng Cát Lái (TP.HCM) Ảnh: Lê Quân

Doanh nghiệp phản ánh bị thu phí hạ tầng tại TP.HCM không đúng: Chờ nửa năm chưa có câu trả lời

0:00 / 0:00
0:00
Doanh nghiệp cho rằng, việc thu phí hạ tầng cảng biển tại TP.HCM đối với mặt hàng tạm nhập tái xuất không đúng quy định. Doanh nghiệp cần câu trả lời rõ ràng từ cơ quan chức năng, nhưng chờ đợi nửa năm chưa thấy hồi âm.

Doanh nghiệp nói bị thu không đúng

“Để đáp ứng đúng quy trình đóng gói, đối tác đã gửi bao bì cho công ty chúng tôi để đóng gói thành phẩm và xuất khẩu. Theo quy định, mặt hàng không nhằm mục đích kinh doanh theo hình thức tạm nhập tái xuất, mà chỉ dùng để đóng gói thành phẩm xuất khẩu thì không thuộc trường hợp đóng phí hạ tầng cảng biển. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn bị yêu cầu đóng phí”, bà Phạm Thị Phú Mỹ, đại diện Công ty TNHH Yazaki EDS Việt Nam phản ánh với phóng viên Báo Đầu tư.

Bà Mỹ cho biết, doanh nghiệp chuyên nhập nguyên phụ liệu để sản xuất, lắp ráp hệ thống dây dẫn điện trong ô tô, sau đó xuất khẩu 100% ra nước ngoài. Trong quá trình đóng gói thành phẩm xuất khẩu, theo yêu cầu của khách hàng, phải sử dụng bao bì đóng gói do đối tác quy định để đảm bảo an toàn cho sản phẩm.

Vì vậy, phía đối tác đã gửi cho Công ty Yazaki Việt Nam các loại bao bì đóng gói, pallet nhựa, nắp nhựa, miếng lót bằng nhựa… dùng đóng gói thành phẩm xuất khẩu và được tái sử dụng nhiều lần. Để thực hiện thủ tục hải quan xuất nhập khẩu đối với các loại bao bì đóng gói này, doanh nghiệp thực hiện theo hướng dẫn của cơ quan hải quan về loại hình khai báo tại Quyết định 1357/QĐ-TCHQ ngày 18/5/2021.

Mức phí mà Cảng vụ Đường thủy nội địa TP.HCM yêu cầu đóng không phù hợp với tình trạng hàng hóa của Công ty. Công ty mong các cơ quan xem xét, hướng dẫn chúng tôi đóng theo mức phí phù hợp.

- Bà Phạm Thị Phú Mỹ, đại diện Công ty TNHH Yazaki EDS Việt Nam

Phía Công ty Yazaki Việt Nam dẫn quy định tại Điều 39, Luật Quản lý ngoại thương 2017 và hướng dẫn tại Nghị quyết số 07/2022/NQ -HĐND về mức thu phí cơ sở hạ tầng đối với hàng hóa tạm nhập tái xuất, thì mặt hàng mà doanh nghiệp nhập về không nhằm mục đích kinh doanh theo hình thức tạm nhập tái xuất, mà chỉ dùng để đóng gói thành phẩm xuất khẩu. Do vậy, doanh nghiệp cho rằng, bao bì nhập về không thuộc trường hợp đóng phí hạ tầng cảng biển theo hình thức kinh doanh tạm nhập, tái xuất.

Từ tháng 4/2022 đến nay, Công ty Yazaki Việt Nam thực hiện đóng phí hạ tầng cảng biển theo biểu phí hàng hóa xuất nhập khẩu tại khu vực TP.HCM với 500.000 đồng/container 40 feet; 250.000 đồng/container 20 feet. Ngày 20/10/2023, doanh nghiệp nhận được thông báo từ Cảng vụ Đường thủy nội địa TP.HCM yêu cầu đóng phí hạ tầng cảng biển đối với mặt hàng bao bì đóng gói với mức phí 4,4 triệu đồng/container 40 feet, và 2,2 triệu đồng/container 20 feet.

“Chúng tôi nhận thấy, mức phí mà Cảng vụ Đường thủy nội địa TP.HCM yêu cầu đóng không phù hợp với tình trạng hàng hóa của Công ty. Công ty mong các cơ quan xem xét, hướng dẫn chúng tôi đóng theo mức phí phù hợp”, bà Mỹ đề xuất.

Cũng gặp tình trạng tương tự là Công ty TNHH Kyungshin Việt Nam tại Khu công nghiệp Hòa Phú (huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long).

Theo Văn bản số 2110/CV-XNK được Công ty TNHH Kyungshin Việt Nam gửi HĐND TP.HCM và Cảng vụ Đường thủy nội địa Thành phố, doanh nghiệp cho biết, tháng 10/2023, Cảng vụ Đường thủy nội địa TP.HCM gửi công văn thông báo rằng, Công ty khai sai mã nhóm thu phí hạ tầng cảng biển trên địa bàn TP.HCM, dẫn đến việc nộp phí bị thiếu so với quy định với tổng cộng 282 tờ khai.

Sau đó, doanh nghiệp có công văn giải trình và làm việc trực tiếp với Cảng vụ Đường thủy nội địa TP.HCM, song hai bên chưa đi đến thống nhất cách giải quyết.

Phía Công ty TNHH Kyungshin Việt Nam khẳng định, họ đang áp dụng đúng theo hướng dẫn về thủ tục hải quan theo quy định của Luật Hải quan 2014, Luật Quản lý ngoại thương về loại hình xuất nhập, khẩu năm 2017. Doanh nghiệp cho rằng, dựa theo các văn bản pháp luật này, Công ty đang áp dụng xuất nhập khẩu theo loại hình tạm nhập, tái xuất không phải kinh doanh mặt hàng tạm nhập tái xuất, không tạo ra lợi nhuận và doanh thu, nên không phù hợp với nhóm đối tượng nộp phí hạ tầng cảng biển theo Nghị quyết 07/2022/NQ -HĐND và Nghị quyết 10/2020/NQ-HĐND.

Cơ quan chức năng “đá bóng” trách nhiệm

Dù gửi văn bản đến các cơ quan chức năng của TP.HCM từ tháng 10/2023, nhưng đến nay, doanh nghiệp vẫn chưa nhận được hướng dẫn từ cơ quan chức năng.

Bà Phạm Thị Phú Mỹ, đại diện Công ty TNHH Yazaki EDS Việt Nam cho biết, sau khi nhận được văn bản của doanh nghiệp, UBND TP.HCM chỉ đạo Sở Giao thông - Vận tải chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan giải quyết theo thẩm quyền và trả lời doanh nghiệp trước ngày 3/11/2023. Tuy nhiên, đầu năm 2024, doanh nghiệp chưa nhận được câu trả lời.

Ngày 8/1/2024, Công ty Yazaki Việt Nam tiếp tục có văn bản gửi Chủ tịch UBND TP.HCM, Sở Giao thông - Vận tải, Cảng vụ Đường thủy nội địa TP.HCM đề nghị các cơ quan chức năng xem xét, trả lời kiến nghị của doanh nghiệp để thống nhất thực hiện.

Dù Chủ tịch UBND TP.HCM chỉ đạo Sở Giao thông - Vận tải chủ trì, phối hợp với các đơn vị, nhưng đến ngày 11/4, Sở GTVT TP.HCM lại ban hành Văn bản số 4475/SGTVT-TC, gửi Cảng vụ Đường thủy nội địa TP.HCM đề nghị phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu kiến nghị của của Công ty TNHH Yazaki EDS Việt Nam và Công ty TNHH Kyungshin Việt Nam để phúc đáp cho doanh nghiệp. Như vậy, có thể thấy rằng, việc trả lời doanh nghiệp đi lòng vòng qua các sở, ngành qua nửa năm vẫn chưa trả lời doanh nghiệp.

Tin bài liên quan