Cụ thể, tới năm 2020, nợ doanh nghiệp sẽ tăng lên 75.000 tỷ USD, cao hơn nhiều so với mức 51.000 tỷ USD hiện nay. Trong các kịch bản thông thường, đây không phải là vấn đề đáng lo ngại, miễn là chất lượng tín dụng được duy trì ở mức cao, lãi suất và tỷ lệ lạm phát thấp, đồng thời triển vọng tăng trưởng kinh tế khả quan.
Tuy nhiên, tại Mỹ, các điều kiện nói trên đang trở nên khó khăn và khắc nghiệt hơn. Trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vẫn cân nhắc về thời điểm nâng lãi suất thích hợp, do còn đắn đo việc nền kinh tế chưa thực sự bứt phá, các doanh nghiệp nước này có thể đối mặt với vấn đề nan giải khi cố gắng quản lý số nợ đang gia tăng không ngừng. Giới phân tích đang nhắc tới cụm từ “Crexit”, tức khả năng các chủ nợ hoặc nhà cho vay rút khỏi các thị trường tín dụng, để cảnh báo về rủi ro này. Crexit có thể đột ngột dẫn tới tình trạng thắt chặt tín dụng và châm ngòi cho một cuộc biến động tài chính mới.
Báo cáo của S&P khẳng định: “Kịch bản tồi tệ nhất sẽ là hàng loạt diễn biến tiêu cực bất ngờ lan rộng, làm dấy lên một cuộc khủng hoảng lòng tin trên toàn cầu. Các sự kiện không mong muốn này có thể nhanh chóng gây bất ổn thị trường, đẩy các nhà đầu tư và người cho vay vào vị thế rủi ro hơn, gây ra đổ vỡ tăng trưởng tín dụng giống như những gì từng xảy ra trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008”.
Trên thực tế, S&P cho rằng, sự điều chỉnh trên các thị trường tín dụng là điều không thể tránh khỏi. Câu hỏi duy nhất đặt ra là mức độ điều chỉnh này sẽ như thế nào, đặc biệt tại các thị trường chủ chốt như Mỹ và Trung Quốc, hai quốc gia từng sử dụng công cụ cho vay ồ ạt để thúc đẩy tăng trưởng, song hiện đang đứng trước các ngã ba đường về thích ứng tăng trưởng.
Bất chấp nguy cơ nợ nần “phình to”, nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới vẫn chưa muốn hãm phanh hoạt động cho vay. Trên mặt bằng chung toàn cầu, lãi suất vẫn ở mức thấp, tạo ra bong bóng nợ không chỉ đối với khối doanh nghiệp mà còn với các chính phủ.
S&P lưu ý: “Các ngân hàng trung ương dường như vẫn chưa thoát khỏi ý tưởng cho rằng, tăng trưởng được trợ lực bằng nguồn tín dụng giá rẻ là lành mạnh đối với kinh tế toàn cầu. Thực tế là, những nghiên cứu của chúng tôi đã chỉ ra và nhấn mạnh rằng, chính sách tiền tệ nới lỏng là một trong những nguyên nhân góp phần gia tăng rủi ro tài chính, nhất là khi mức độ tăng trưởng vay mượn trong khối doanh nghiệp hiện đã vượt xa quy mô kinh tế toàn cầu”.
Trên cơ sở đó, S&P lo ngại rằng, các nhà đầu tư, đặc biệt là những người đã mua trái phiếu có kỳ hạn dài nhằm nhận được lợi suất cao hơn, đang đứng trước những rủi ro tài chính. Báo cáo nhận định: “Các điều kiện tài chính ưu đãi hiện nay, như nguồn cho vay dồi dào và lãi suất thấp, là tác nhân gây lạm phát giá tài sản, trong bối cảnh các nhà đầu tư đổ xô tìm kiếm nguồn lợi suất có lợi nhất. Điều này vô hình chung đã tạo ra các điều kiện gây bất ổn thị trường lớn hơn trong vài năm tới, do thanh khoản ở thị trường thứ cấp thấp hơn và các tài sản có kỳ hạn dài trở nên rủi ro hơn”.
Số liệu cập nhật ước tính, Trung Quốc được dự đoán sẽ chiếm phần lớn trong tăng trưởng dòng tín dụng, khi quốc gia này chiếm tới 28.000 tỷ USD (tức 45% trong mức tăng 62.000 tỷ USD nhu cầu tín dụng toàn cầu), theo sau là Mỹ với mức bổ sung 14.000 tỷ USD (tức 22%) và châu Âu tăng 9.000 tỷ USD (tức 15%).