Doanh nghiệp ở TP.HCM chờ xác nhận giấy đi đường

0:00 / 0:00
0:00
Nhiều doanh nghiệp phản ánh với Báo Đầu tư rất mong được các cơ quan chức năng cấp giấy phép đi đường để vận chuyển hàng hóa lưu thông, phục vụ nhu cầu chống dịch.
Lực lượng chức năng tại chốt kiểm soát kiểm tra giấy tờ lưu thông của tài xế vận chuyển lương thực, thực phẩm. (ảnh: Lê Toàn)

Lực lượng chức năng tại chốt kiểm soát kiểm tra giấy tờ lưu thông của tài xế vận chuyển lương thực, thực phẩm. (ảnh: Lê Toàn)

Trước giờ G (0h ngày 23/8/2021), qua trao đổi nhanh, lãnh đạo doanh nghiệp trong nhiều ngành nghề tại TP.HCM, nhất là một số lĩnh vực hàng hóa thiết yếu vẫn chưa được sở, ngành, UBND quận, huyện liên quan cấp giấy đi đường.

TP.HCM sẽ tăng cường kiểm soát các nhóm đối tượng được phép lưu thông trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo hướng dẫn tại Công văn số 2796 ngày 21/8 và công văn số 2800 ngày 22/8 sẽ có 16 đối tượng được lưu thông, với các doanh nghiệp thuộc các ngành hàng thiết yếu sẽ do các sở, ngành, UBND các quận, huyện, Thành phố Thủ Đức… sẽ là đơn vị đầu mối cấp giấy đi đường cho cán bộ, nhân viên và người lao động thuộc đơn vị mình quản lý.

Tuy nhiên, đến cuối ngày 22/8, lãnh đạo nhiều doanh nghiệp vẫn chưa thể nhận được giấy đi đường cho nhân viên của mình vì nhiều lý do. Cụ thể, lúc 17h30 22/8, lãnh đạo một doanh nghiệp may mặc cho biết, họ đã gửi danh sách nhân viên phụ trách công việc liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu của công ty đến đầu mối là Sở Công thương để được cấp giấy đi đường. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có.

Trao đổi với các doanh nghiệp sản xuất lương thực, thực phẩm, ông Nguyễn Ngọc An, Tổng giám đốc Vissan cho biết, hầu hết nhân viên của công ty chưa nhận được giấy đi đường do Sở Công thương cấp. Do vậy, Vissan hoạt động với những bộ phận đang thực hiện “3 tại chỗ”.

Với những nhân viên bán hàng, Vissan lập danh sách, nhưng hiện tại đang chờ Sở Công thương đóng dấu. “Nếu chiều nay có giấy thì phải ngày mai (24/8) các điểm bán hàng của Vissan mới trở lại hoạt động bình thường”, ông An nói.

Cũng theo ông An để chủ động hơn trong kế hoạch giao nhận và sản xuất, các sở, ngành cần nhanh chóng phê duyệt và cấp mẫu giấy đi đường cho lực lượng lao động được phép đi lại trong thời gian này để việc cung ứng hàng hóa sớm trở lại bình thường.

Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm (FFA) TP.HCM nhận được phản ánh của nhiều doanh nghiệp về việc không tiếp cận được các đầu mối để hoàn thành việc cấp giấy đi đường.

Cụ thể, Công ty cổ phần Thực Phẩm Cholimex (Cholimex Food) liên hệ với huyện Bình Chánh (nơi doanh nghiệp này đặt trụ sở- PV) thì được trả lời rằng: “Gọi phòng kinh tế”. Đến khi doanh nghiệp liên hệ với phòng kinh tế của huyện thì lại nhận được câu trả lời rằng “không có chức năng cấp giấy đi đường, gọi phòng nội vụ”.

Và khi đại diện doanh nghiệp này liên lạc với phòng nội vụ thì nhận được phản hồi là “chỉ làm giấy đi đường cho công chức, viên chức chứ không làm giấy đi đường cho doanh nghiệp”.

“Giấy đi đường của doanh nghiệp phân phối, doanh nghiệp bình ổn như trứng Ba Huân, Vĩnh Thành Đạt thì do Sở Công thương cấp. Còn tất cả những đơn vị sản xuất còn lại trong Hội không nằm trong chương trình bình ổn thì do quận, huyện cấp nhưng hầu hết đều gặp phải tình huống như Cholimex Food”, bà Lý Kim Chi chia sẻ.

Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) cho biết, từ sáng 23/8, HUBA đã nhận nhiều yêu cầu hỗ trợ của các doanh nghiệp hội viên và đã liên hệ các đầu mối giải quyết, khả năng sẽ có các câu trả lời trong chiều nay.

Thực tế, đợt giãn cách này, diễn ra nhanh, khối lượng công việc lớn, nên khiến nhiều đơn vị quản lý, cấp giấy quá tải. Vì vậy, chỉ qua ngày đầu tiên, mọi việc sẽ được tổ chức bài bản, nhanh chóng, đáp ứng đúng yêu cầu chính đáng của doanh nghiệp nằm trong các đối tượng được phép.

Tin bài liên quan