Dự báo lãi sớm, điều chỉnh kế hoạch tăng trưởng
Doanh nghiệp ô tô bước vào năm 2022 với nhiều thuận lợi. Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) đưa ra con số thống kê cho thấy, ước tính cứ mỗi phút người Việt lại mua một ô tô. Trong tháng 4, có 51.745 xe ô tô được bán. Sức tiêu thụ ô tô của người dân tăng cao kể từ đầu năm đến nay, đặc biệt khi có động lực lớn từ chính sách miễn giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước (theo Nghị định 103).
Tuy nhiên, chính sách này đã hết hiệu lực kể từ ngày 31/5/2022, liệu trong 6 tháng cuối năm, khi không còn cú huých lớn kể trên, doanh nghiệp ngành phân phối ô tô có còn dư địa tăng trưởng?
Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Đỗ Tiến Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Dịch vụ ô tô Hàng Xanh (Haxaco, mã chứng khoán HAX) cho biết, trong nửa cuối năm, nhu cầu mua xe của người dân thường cao nên sẽ là động lực để các doanh nghiệp phân phối ô tô tăng trưởng. Năm nay, nguồn cung xe khan hiếm bởi tình trạng thiếu chíp trên toàn cầu ảnh hưởng đến sản lượng sản xuất, nên các doanh nghiệp như Haxaco bán hàng thuận lợi hơn, biên lợi nhuận tốt hơn.
Chủ tịch Haxaco cho biết, 6 tháng đầu năm lợi nhuận Công ty có thể đạt 150 tỷ đồng, phấn đấu hoàn thành kế hoạch kinh doanh cả năm trong 9 tháng. Nếu điều đó là hiện thực thì chỉ trong 3 quý đầu, Haxaco có thể đạt được 212 tỷ đồng lợi nhuận và quý IV sẽ là quý ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng mạnh so với chỉ tiêu cả năm. Lưu ý, quý cuối năm cũng là thời điểm người tiêu dùng có nhu cầu mua ô tô nhiều nhất, hứa hẹn sẽ đem lại lợi nhuận đột biến.
Ngoài ra, Haxaco có lợi thế khi chủ động được chi phí tài chính, chi phí lãi vay hiện tại gần như bằng 0 nên sẽ không bị tác động bởi nguy cơ tăng lãi suất, đồng thời chủ động dòng vốn để mở rộng kinh doanh.
Thực tế hiện nay, lấy lý do nguồn cung khan hiếm, một số đại lý xe đã đẩy mức giá chênh lên cao, chẳng hạn như một số đại lý ô tô chính hãng của Toyota, Huyndai, Ford… đưa ra giá chênh lên tới hàng chục đến hàng trăm triệu đồng. Cụ thể, Toyota Veloz Cross, Toyota Raize, Huyndai Creta có mức chênh đến 50 triệu đồng, Lancruise Prado chênh đến 400 triệu đồng… Bán hàng tốt hơn, có lời cao hơn là câu chuyện hiện tại của nhóm doanh nghiệp ngành ô tô. Tuy nhiên, câu chuyện kéo giá chênh lên cao cũng đang gây ra những “đàm tiếu” về đạo đức nghề nghiệp của nhiều đại lý lớn trong ngành này.
Hiện tại, một số công ty đã điều chỉnh kế hoạch kinh doanh với doanh thu, lợi nhuận tăng cao hơn so với kế hoạch đề ra ban đầu sau khi có quý I. Đơn cử như Công ty cổ phần Ô tô TMT (mã chứng khoán TMT), kế hoạch ban đầu được Đại hội cổ đông thông qua là mục tiêu sản lượng tiêu thụ đạt 7.195 tỷ đồng, doanh thu đạt 3.735 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 101 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau đó TMT đã có Nghị quyết HĐQT điều chỉnh kế hoạch kinh doanh 9 tháng cuối năm nhằm tăng chỉ tiêu cả năm 2022 lên 49% về sản lượng xe tiêu thụ, doanh thu tăng 63% và lợi nhuận sau thuế tăng 88% so với kế hoạch ban đầu. Cụ thể, mục tiêu mới TMT thông qua với sản lượng tiêu thụ đạt 10.719 xe, doanh thu đạt 6.084 tỷ đồng (cao gấp 1,6 lần so với kế hoạch ban đầu) và lợi nhuận sau thuế đạt gần 190 tỷ đồng (cao hơn gần 90 tỷ đồng).
Điều chỉnh kế hoạch tăng trưởng của TMT là động thái cho thấy Công ty đang tự tin vào triển vọng kinh doanh năm nay.
Kỳ vọng đột phá trong nửa cuối năm
Triển vọng của ngành phân phối ô tô dự báo sáng sủa khi nền kinh tế phục hồi.
Nhìn nhận về triển vọng của ngành ô tô nửa cuối năm, các chuyên gia phân tích cho rằng, tiêu dùng bán lẻ là ngành hưởng lợi khi nền kinh tế phục hồi. Theo thống kê, trong 6 tháng đầu năm, tốc độ tăng trưởng của ngành này đạt 19,5% và được dự báo sẽ còn tiếp đà tăng trong bối cảnh tiêu dùng nội địa đang tốt lên. Triển vọng của ngành phân phối ô tô cũng được dự báo sáng sủa.
Công ty Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam (CSI) dự báo doanh thu mảng kinh doanh xe của Haxaco năm nay có thể đạt 5.794 tỷ đồng với động lực tăng trưởng chủ yếu đến từ nhu cầu gia tăng của khách hàng nhằm hưởng lợi từ chính sách miễn giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất lắp ráp trong nước. Ngoài ra, đơn giá bán trung bình mỗi xe trong năm 2022 tăng khoảng 5%; doanh thu mảng sửa chữa xe tăng khoảng 15%.
Đồng thời, với việc hoàn thành “Ngôi nhà Mercedes Home by Haxaco” tại Hồ Tràm, mảng cho thuê xe sang của Haxaco dự kiến tiếp tục tăng trưởng từ năm 2022, nhất là khi Công ty đang chiếm lĩnh thị phần lớn nhất tại Hà Nội và TP.HCM. Trong năm 2022, việc khai trương showroom mới tại Cần Thơ giúp HAX nhận được khoản thưởng khoảng 80 tỷ đồng từ Mercedes Việt Nam.
Công ty cổ phần Dịch vụ ô tô Sài Gòn (Savico, mã chứng khoán SVC) năm nay đặt kế hoạch doanh thu đạt 17.338 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 215 tỷ đồng; tăng trưởng lần lượt 22% và gần 2% so với mức thực hiện năm ngoái. Năm nay, SVC có cổ đông mới cùng sự hứng khởi của thị trường, nhưng lại đặt kế hoạch lợi nhuận còn khiêm tốn so với thực hiện năm 2021.
Trong khi đó, Thaco đặt kế hoạch 2022 với doanh số hơn 125.000 xe, doanh thu kinh doanh dịch vụ và phụ tùng hơn 6.500 tỷ đồng, tương ứng tăng trưởng 44,5% về doanh số và 14% về lợi nhuận mảng kinh doanh dịch vụ và phụ tùng so với mức thực hiện năm ngoái. Thaco dự kiến đẩy mạnh đầu tư hơn 42 showroom, nâng tổng số lên 383 showroom, dự kiến đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng trong năm nay.
Trên thị trường, những doanh nghiệp phản ánh khả năng phục hồi mạnh mẽ và triển vọng tăng trưởng cao sẽ thu hút nhà đầu tư, với ngành ô tô đáng chú ý là những cái tên như HAX, TMT, SVC…
Tất nhiên, không phải cổ phiếu của doanh nghiệp nào trong ngành phân phối ô tô cũng hút dòng tiền. Đơn cử như GGG của Công ty cổ phần Ô tô Giải phóng, cổ phiếu này đang bị hạn chế giao dịch do tổ chức kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến về báo cáo tài chính năm 2016.
Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, chuyên gia cao cấp của một công ty chứng khoán cho biết, GGG khởi điểm ban đầu từ một nhà máy cơ điện ở Hà Giang, sau đó hoạt động trong lĩnh vực sản xuất - kinh doanh ô tô tải. Sản phẩm của Công ty chủ yếu là xe tải dưới 5 tấn và sau này nhập khẩu ô tô SUV 7 chỗ từ Indonesia về bán với quy mô phân phối còn khá nhỏ. Mới đây, GGG được chú ý ở câu chuyện phát hành cổ phiếu để chuyển đổi nợ. Cổ đông lớn tham gia vào GGG hy vọng sẽ tái cấu trúc đưa doanh nghiệp này đi lên.
Trong kế hoạch năm nay, GGG cho biết tập trung vào phân khúc xe tải trung có tổng lượng 16 tấn, đồng thời mở rộng thêm hệ thống phân phối xe du lịch, trước mắt tại khu vực miền Trung và TP.HCM.
GGG hiện đang có nhà máy rộng 70.000 m2 tại Vị Xuyên, Hà Giang đã đạt tiêu chuẩn doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô với công suất 5.000 xe/năm. Tuy nhiên, việc triển khai nhà máy thế nào trong thời gian tới hiện nhà đầu tư chưa có thêm thông tin
Nhìn về triển vọng dài hạn, nhóm ngành ô tô vẫn rộng dư địa. SSI Research ước tính nhu cầu ô tô năm nay sẽ tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái. Sau khi nền kinh tế mở cửa trở lại, dịch bệnh được kiểm soát, nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao hơn, doanh số bán xe trong ngành bắt đầu tăng nhanh hơn cộng với mức nền so sánh thấp trong quý III/2021 sẽ là động lực lớn ghi nhận kết quả kinh doanh đột biến của nhiều doanh nghiệp trong các quý tới.
Theo dự báo của IHS Markit và Fitch Ratings, số lượng sản xuất xe trên toàn cầu ước tính giảm trung bình 4% so với cùng kỳ năm ngoái do tình trạng thiếu cung chip dự kiến sẽ tiếp diễn. Nhiều công ty đã tăng giá bán mẫu xe ô tô mới trong năm 2022, các nhà sản xuất ô tô và đại lý phân phối sẽ hưởng lợi từ chênh lệch cung cầu trong ngắn hạn này.
“Định giá hấp dẫn với tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận cao. Với câu chuyện tăng trưởng trong 2022, ngành có tiềm năng tăng trưởng mạnh”, SSI Research nhận định.
Ông Nguyễn Trọng Đình Tâm, chuyên gia cao cấp Chiến lược đầu tư SSI Research cho biết, doanh nghiệp ngành phân phối ô tô hưởng lợi từ ô tô tăng giá và thiếu chip nhưng quan trọng là từng doanh nghiệp có đủ nguồn cung hay không. Sức cầu tiêu dùng ô tô của người dân trong nửa cuối năm còn cao, những doanh nghiệp có lượng hàng tồn kho đủ phân phối trong thời gian dài sẽ có đà bật lên.