Nhu cầu đối với xe lắp ráp trong nước dự báo tăng mạnh trong quý IV/2020. Ảnh: Dũng Minh

Nhu cầu đối với xe lắp ráp trong nước dự báo tăng mạnh trong quý IV/2020. Ảnh: Dũng Minh

Doanh nghiệp ô tô tăng tốc đón sóng cuối năm

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Sau quý I và II sa lầy trong khó khăn từ dịch Covid-19, các doanh nghiệp ngành ô tô đã vọt lên trong quý III và đang tăng tốc để cán đích kế hoạch kinh doanh năm.

Viễn cảnh sáng

Khi đại dịch Covid-19 mới bùng phát, các doanh nghiệp ngành ô tô rơi vào cảnh lao đao. Thời điểm tháng 3 đến tháng 5/2020, các doanh nghiệp trong ngành gần như trong trạng thái đóng băng. Các showroom ô tô có thời gian dài phải đóng cửa để thực hiện lệnh giãn cách xã hội, bảo đảm an toàn phòng chống dịch.

Doanh thu của các doanh nghiệp ô tô lao dốc không phanh. Trong khi đó, các khoản chi phí thuê mặt bằng nhà xưởng, chi phí nhân công, chi phí vận hành vẫn giữ nguyên. Đó là khoảng thời gian kinh doanh khó khăn nhất như chia sẻ của lãnh đạo một doanh nghiệp trong ngành.

Nhưng về cuối năm, nhiều doanh nghiệp trong ngành đã có sự bẻ lái ngoạn mục. Cùng những chính sách hỗ trợ kịp thời của Chính phủ, các doanh nghiệp đã biết tận dụng tốt cơ hội để đưa bức tranh kinh doanh trở lên sáng hơn.

Báo cáo phân tích về ngành ô tô mới nhất của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho hay, sản lượng tiêu thụ ô tô tại Việt Nam có sự phục hồi rõ rệt. Nếu như sản lượng tiêu thụ xe giảm mạnh tới 31% trong quý I/2020 thì đến quý III/2020, mức giảm chỉ còn 5%.

Sang tháng 10 tháng, doanh số bán xe đạt 33.254 chiếc, tăng 22% so với tháng trước và tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái, nhờ tăng trưởng tốt ở cả xe du lịch và xe thương mại.

Sản lượng xe lắp ráp trong nước vẫn rất tích cực trong tháng 10, đạt 20.498 chiếc, tăng 25% so với năm chủ yếu nhờ Chính phủ hỗ trợ cắt giảm 50% lệ phí trước bạ, sản lượng xe nhập khẩu đi ngang ở mức 12.756 chiếc, tăng 2% so với cùng kỳ năm.

Lũy kế 10 tháng đầu năm, tổng sản lượng tiêu thụ xe ô tô trên toàn thị trường đạt 212.409 chiếc, giảm 18% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, nhìn về bức tranh chung, BVSC nhận định, môi trường bán hàng khả quan hơn.

Công ty cũng kỳ vọng, thị trường xe ô tô phục hồi mạnh mẽ trong quý IV/2020, được thúc đẩy bởi nhu cầu tăng cao đối với xe lắp ráp trong nước trước khi hết hạn kích cầu, chương trình khuyến mại và tích cực ra mắt mẫu xe mới vào mùa cao điểm của ô tô tại Việt Nam.

Ô tô lắp ráp trong nước vẫn đang hưởng chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ được đại lý tăng cường các gói quà tặng cũng như giảm tiền mặt để hút khách. Trong khi đó, xe nhập khẩu vốn không thuộc diện giảm lệ phí trước bạ theo Nghị định 70/2020 NĐ-CP vẫn đang giảm giá hoặc được đại lý hỗ trợ lệ phí trước bạ cho khách mua xe như ô tô nội.

BVSC dự báo sản lượng tiêu thụ ô tô trong năm 2020 đạt 287.231 chiếc, giảm 11% so với cùng kỳ năm ngoái trước khi quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng trong năm 2021.

Bẻ lái, băng nhanh về đích

Quý IV được kỳ vọng là giai đoạn để các doanh nghiệp ô tô tạo doanh thu đột biến. Bởi lẽ, thứ nhất, đây cũng là thời điểm các nhà sản xuất tích cực tung ra các sản phẩm mới, các chương trình kích cầu; thứ hai, người tiêu dùng tranh thủ mua xe để hưởng chính sách hỗ trợ giảm 50% phí trước bạ (kết thúc vào 31/12).

Trên thị trường chứng khoán, các doanh nghiệp như Haxaco, Savico, VEAM, City Auto, DRC đang có kết quả kinh doanh tích cực.

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Đỗ Tiến Dũng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ ô tô Hàng Xanh (Haxaco, mã HAX) cho biết, năm nay, Công ty đặt mục tiêu lợi nhuận hơn 66 tỷ đồng, nhưng ước tính có thể đạt 110 - 120 tỷ đồng, vượt xa chỉ tiêu đề ra.

Bên cạnh những chính sách hỗ trợ của Chính phủ thì sự chủ động và nội lực vươn lên đã giúp Công ty có đà tăng tốc mạnh mẽ. Riêng quý III/2020, Haxaco báo cáo lợi nhuận trước thuế 65 tỷ đồng, lũy kế 9 tháng đạt 85 tỷ đồng.

Haxaco cho biết, trong 9 tháng, Ban lãnh đạo Công ty đã nhanh chóng vạch ra chiến lược tận dụng thị phần, đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận và cắt giảm chi phí. Đồng thời, Công ty đã tận dụng tối đa cơ hội khi chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ cho các dòng xe lắp ráp trong nước đi vào hiệu lực. Cả bốn đại lý của Haxaco đều vượt chỉ tiêu doanh số bán hàng và nằm trong Top đầu đại lý về doanh số bán xe Mercedes-Benz.

Công ty cổ phần Dịch vụ tổng hợp dịch vụ Sài Gòn (Savico, mã SVC) từ đầu năm đã lên kế hoạch mục tiêu doanh thu 14.763 tỷ đồng, giảm 19% so với kết quả năm 2019; lợi nhuận sau thuế 108 tỷ đồng, giảm sâu hơn phân nửa. Tỷ lệ chia cổ tức dự kiến là 7%.

Kết quả kinh doanh quý III/2020 của Công ty ghi nhận sự phục hồi tích cực, dù hai quý trước đó gặp nhiều khó khăn. Nếu như quý I chỉ lãi 8,8 tỷ đồng, quý II lãi 15,3 tỷ đồng thì bước sang quý III, Savico đã báo lãi 66,8 tỷ đồng, gấp 4,3 lần so với quý trước và tăng 43,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Lũy kế 9 tháng, Savico ghi nhận doanh thu 10.153 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 90,9 tỷ đồng. So với kế hoạch năm 2020, Công ty đã hoàn thành lần lượt 68,7% kế hoạch về doanh thu và 84,1% về lợi nhuận sau ba phần tư chặng đường của năm.

Theo đại diện Savico, kết quả kinh doanh của Công ty đang khả quan, đặc biệt có triển vọng tích cực trong quý IV. Công ty đang nỗ lực để có thể cán đích mục tiêu kinh doanh đã đề ra từ đầu năm.

Môi trường bán hàng ổn định, hàng tồn kho giảm, tiêu thụ tăng mạnh, biên lợi nhuận gộp của nhóm doanh nghiệp ngành này cũng có triển vọng tăng tích cực trong quý IV, Công ty Chứng khoán Bảo Việt nhận định.

Tổng công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM, mã VEA) cũng đang được hưởng lợi từ thị trường. Theo BVSC, VEAM có kế hoạch chuyển sàn từ UPCoM lên HNX vào năm 2021 và đang nhận được sự chú ý của nhà đầu tư. VEAM đang vị thế tốt để hưởng lợi từ sự cải thiện sức mua của người tiêu dùng Việt Nam.

Hiện tại, trong 3 công ty liên kết với VEAM gồm Toyota, Honda và Ford thì Toyota có tốc độ tăng trưởng tốt nhờ hưởng lợi từ ưu đãi của Chính phủ trong chính sách thuế, danh mục xe lắp ráp trong nước của Toyota đa dạng, thúc đẩy tăng trưởng thị phần. Honda sẽ có cải thiện vào cuối năm do doanh số CRV tốt hơn nhờ chuyển sang xe lắp ráp trong nước từ xe nhập khẩu và Ford thì tăng trưởng kém hơn ở thị trường chung, dẫn đến mất thị phần. Lãi từ các công ty liên doanh, liên kết lũy kế 9 tháng đạt 3.309 tỷ đồng, giảm 33,5%.

BVSC dự báo, lợi nhuận sau thuế của VEAM năm 2021 có thể lên tới 6.600 tỷ đồng, tăng 19,6% so với cùng kỳ năm 2020.

Với những động thái tích cực từ thị trường và kết quả kinh doanh nhiều điểm sáng, nhóm cổ phiếu ngành ô tô đang thu hút được sự chú ý của nhà đầu tư và triển vọng dài hạn, nhóm ngành này được dự báo có tăng trưởng trong năm 2021 cùng nhu cầu tiêu dùng nội địa tăng cao.

Tin bài liên quan