DN nhỏ đối diện với nhiều hạn chế về quy mô, điều kiện kinh doanh phi lý, gây bất công trong cạnh tranh

DN nhỏ đối diện với nhiều hạn chế về quy mô, điều kiện kinh doanh phi lý, gây bất công trong cạnh tranh

Doanh nghiệp ô tô nhỏ đang bị bóp chẹt vì chính sách không bình đẳng

(ĐTCK) Việc con số doanh thu và lợi nhuận khổng lồ của các hãng xe danh tiếng Honda, Toyota và Trường Hải vừa được hé lộ đối lập với doanh số ngày càng teo tóp của DN tư nhân kinh doanh ô tô đã cho thấy một bức tranh méo mó về thị trường ô tô Việt Nam. 

Điều này cũng nói lên một thực trạng đáng lo ngại, đó là DN nhỏ ngày càng bị bóp chẹt cả về cơ hội gia nhập thị trường và sức cạnh tranh, khiến họ đứng trước nguy cơ dễ dàng bị triệt tiêu hơn bao giờ hết.

Bị đẩy ra khỏi thị trường

Trong khi các “ông lớn” ngành kinh doanh ô tô báo lãi năm sau cao hơn năm trước theo cấp số cộng, với miếng bánh thị phần không ngừng mở rộng từ năm 2011 trở lại đây, thì ngược lại, các DN tư nhân nhỏ lẻ ngành này giảm mạnh cả về số lượng và quy mô.

Không khó để nhận thấy đây là kết quả từ sự độc chiếm thị trường xe nhập khẩu của các DN lớn từ khi Thông tư 20/2011 quy định về nhập khẩu ô tô 9 chỗ trở xuống của Bộ Công thương được ban hành, chặn cửa tham gia thị trường của các DN nhỏ.

Trường hợp của các DN ngành ô tô là ví dụ điển hình được nhắc tới tại Hội thảo về Chính sách cạnh tranh do Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương tổ chức mới đây, như một minh chứng cho số phận mong manh của các DN nhỏ trước sức mạnh của các DN lớn, được tiếp sức từ chính sách cạnh tranh bất hợp lý. Bên cạnh đó là trường hợp của hàng loạt các DN kinh doanh gas tư nhân đứng trước bờ vực phá sản do những quy định đặt ra tại Nghị định 19/2016/NĐ-CP về kinh doanh khí.

 “Những quy định theo kiểu điều kiện đặt ra buộc phải đáp ứng được thì mới được tham gia thị trường là không công bằng với DN nhỏ. Bởi điều này hầu như chỉ dọn đường cho các DN lớn, o ép DN nhỏ và đẩy họ ra khỏi thị trường”, ông Hà Thanh Tùng, đại diện Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Dịch vụ Đông Tùng cho biết.

Ông Đậu Anh Tuấn, trưởng Ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng: “Ngày càng có nhiều quy định theo kiểu muốn loại các DN nhỏ ra khỏi thị trường. Đây là điều rất đáng báo động trong một nền kinh tế có tới trên 95% là các DN nhỏ và vừa như Việt Nam hiện nay”.

Chính sách cạnh tranh bất bình đẳng

Đánh giá về hệ thống chính sách hiện nay, các chuyên gia cho rằng, chính sách cạnh tranh vẫn nghiêng về ưu tiên cho DN lớn, DN nhà nước, tạo rào cản cho DN nhỏ, DN tư nhân. Theo Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung, nhiều thị trường bị méo mó, lệch lạc vì tồn tại các rào cản gia nhập thị trường. Điển hình, gần như không có yếu tố thị trường tại lĩnh vực đất đai, tài nguyên. Việc phân bố nguồn lực tại đây chủ yếu dựa trên yếu tố hành chính, phân chia, lợi ích nhóm.

Ông Cung cho rằng, nhiều hạn chế về quy mô, điều kiện kinh doanh rất phi lý, gây ra bất công trong cạnh tranh và gia nhập thị trường đối với DN nhỏ. Chẳng hạn, DN muốn chạy xe khách phải có ít nhất 20 xe, kinh doanh gạo phải có kho gạo, kinh doanh gas phải có bồn chứa bao nhiêu m3, bao nhiêu bình gas… Trong khi đó, nhiều chính sách lại tạo lợi thế độc quyền cho DN lớn, DN nhà nước.

“Xuất hiện những chính sách như vậy là do cơ quan Nhà nước đang tham gia quá nhiều vào kiểm soát thị trường bằng mệnh lệnh hành chính mà không tuân thủ các quy luật tự nhiên. Điều này sẽ tạo ra những tín hiệu thị trường sai lệch, khiến các nguồn lực không được sử dụng hiệu quả, chính sách bị chi phối bởi nhiều nhóm lợi ích, đồng thời dẫn tới hình vi ứng xử lệnh lạc của DN và người dân. Đây là những rào cản khiến DN nhỏ khó có thể phát triển”, ông Cung nhận định.

Theo bà Lanchlan Rosalie, đại diện Ủy ban Năng suất của Úc, nguyên tắc cốt lõi của cạnh tranh là chống độc quyền. Do đó, để khắc phục tình trạng bất bình đẳng trong cạnh tranh, cần loại bỏ yếu tố độc quyền, đặc biệt là hạn chế hành vi độc quyền định giá. Bên cạnh đó, để tạo điều kiện cho DN cạnh tranh bình đẳng, cần xây dựng các chính sách theo hướng loại bỏ ưu đãi của DN lớn, DN nhà nước, trung lập về quản lý, bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, bảo đảm ngân sách Nhà nước được sử dụng ưu đãi cho tất cả DN, trong đó ưu tiên tạo điều kiện để DN nhỏ có cơ hội thuận lợi khi tham gia thị trường.          

Tin bài liên quan