Doanh nghiệp ô tô muốn chính sách bớt ngặt nghèo để rót vốn

0:00 / 0:00
0:00
Tiêu chí về sản lượng tối thiểu (bao gồm cả sản lượng chung và sản lượng riêng) trong điều kiện dịch bệnh đang làm khó doanh nghiệp vì người tiêu dùng khó khăn, bán hàng chậm.
Doanh nghiệp ô tô muốn chính sách bớt ngặt nghèo để rót vốn

Kinh tế khó, sức mua giảm

Ủng hộ nhiều nội dung đề nghị sửa đổi, bổ sung của Bộ Tài chính về việc cho phép gia hạn Chương trình ưu đãi thuế sau giai đoạn năm 2020; cho phép các xe ô tô đã có Giấy Chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường còn thời hạn và cấp trước ngày 01/01/2022 vẫn được tham gia vào Chương trình ưu đãi thuế; hay doanh nghiệp được lựa chọn một trong hai phương án xét ưu đãi để được linh hoạt hơn trong xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh nhưng các doanh nghiệp ô tô cũng đề nghị cơ quan chính sách xem xét kỹ thực tế để tiếp tục động viên sản xuất trong nước.

Theo đại diện TC Motor, Chương trình ưu đãi thuế nêu trên vẫn còn đưa ra nhiều rào cản, đặc biệt là rào cản về điều kiện sản lượng.

“Nếu đặt trong bối cảnh thị trường và toàn ngành trước thời điểm dịch bệnh là hoàn toàn phù hợp, nhưng hiện tại thị trường đã liên tục biến động ngoài dự báo nên việc vẫn giữ nguyên mức sản lượng cố định như quy định hiện nay là không còn phù hợp”, đại diễn TC Motor nhận xét.

Ngoài ra, Nghị định 122/2016/NĐ-CP rồi sau đó là Nghị định 125/2017/NĐ-CP và Nghị định 57/2020/NĐ-CP được ban hành là nhằm tạo ra các biện pháp kỹ thuật để bảo vệ thị trường ô tô trong nước trước áp lực cạnh tranh của xe ô tô nhập khẩu nguyên chiếc khi tất cả các hàng rào thuế quan và phi thuế quan đều đã hoặc đang trên lộ trình gỡ bỏ theo cam kết của Việt Nam tại các FTA thế hệ mới.

Bởi vậy, doanh nghiệp cũng kiến nghị, xem xét điều chỉnh tiêu chí về sản lượng tối thiểu (bao gồm cả sản lượng chung và sản lượng riêng) trong quy định hiện nay.

Theo các doanh nghiệp, mức sản lượng tối thiểu được đưa ra theo từng nhóm xe tại Nghị định 125/2017/NĐ-CP và Nghị định 57/2020/NĐ-CP đã không còn phù hợp với sự sụt giảm của thị trường, đặc biệt và đối với phân khúc xe buýt, xe khách; nhất là trong bối cảnh diễn biến dịch bệnh khó lường, kéo theo sự biến động liên tục của thị trường, giao thương giữa các quốc gia bị hạn chế dẫn tới chuỗi cung ứng bị gián đoạn và sản xuất thì bị đình trệ.

Trên thực tế, thị trường ô tô nửa đầu năm 2020 đã sụt giảm nghiêm trọng tới hơn 35%, đạt mức thấp nhất trong vòng 05 năm trở lại đây. Sang tới nửa đầu năm 2021, tuy thị trường có tăng trưởng dương nhưng vẫn âm 24% so với 6 tháng liền kề trước đó với phân khúc xe du lịch.

Còn xe khách/xe buýt là phân khúc bị tác động nghiêm trọng nhất khi 6 tháng đầu năm 2020 giảm gần 80% so với cùng kỳ 2019 và bước trong 6 tháng đầu năm 2021 vẫn tiếp tục giảm 21% so với cùng kỳ 2020 và giảm tới 31% so với 6 tháng cuối năm 2020.

Đáng nói là trong bối cảnh thị trường xe sản xuất, lắp ráp gặp nhiều khó khăn, thì sản lượng nhập khẩu xe ô tô nguyên chiếc lại tăng trưởng đột biến.

Doanh nghiệp nội khó, thị trường về tay hàng nhập

Để tạo động lực cho ngành công nghiệp ô tô phát triển cũng như thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ, song song với việc hỗ trợ các doanh nghiệp nội tại, việc khuyến khích các doanh nghiệp mới đầu tư vào Việt Nam, hay nhận chuyển giao công nghệ từ các hãng nước ngoài, tạo nền tảng cho ngành này được các doanh nghiệp cho là cần thiết.

Sản xuất trong nước giúp tạo thêm công ăn việc làm cho người laio động, đặc biệt trong tình hình khó khăn dịch bệnh như hiện nay.
Sản xuất trong nước giúp tạo thêm công ăn việc làm cho người laio động, đặc biệt trong tình hình khó khăn dịch bệnh như hiện nay.

Theo hướng này, TC Motor đề nghị doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đầu tư từ sau ngày Dự thảo Nghị định có hiệu lực, hoặc đã được cấp Giấy chứng nhận đầu tư nhưng chưa đi vào sản xuất, kinh doanh tại thời điểm Dự thảo Nghị định có hiệu lực được tham gia Chương trình ưu đãi thuế mà không cần xem xét tiêu chí về sản lượng tối thiểu trong 3 năm đầu tiên khi doanh nghiệp có quy mô đầu tư trên 3.000 tỷ đồng trở lên và có Giấy chứng nhận đăng ký chuyển giao công nghệ từ nhà sản xuất quốc tế theo hợp đồng chuyển giao công nghệ, cấp hợp lệ theo quy định của Bộ Khoa học và Công nghệ.

Từ trường hợp cụ thể của mình, là có Nhà máy tại Ninh Bình nhưng vẫn đang đầu tư dự án mới tại Quảng Ninh và phải thành lập các doanh nghiệp khác nhau tại các địa phương này để tỉnh không lọt thuế, TC Motor đã đề nghị, cho phép các doanh nghiệp có vốn điều lệ từ 3.000 tỷ đồng trở lên tham gia góp vốn hoặc mua cổ phần trên 35% của từng công ty sản xuất, lắp ráp ô tô (gọi chung là công ty nhận vốn góp) nếu đến ngày cuối cùng của kỳ xét ưu đãi có một đơn vị trong hệ sinh thái này đạt điều kiện ưu đãi của Chương trình ưu đãi thuế thì các công ty nhận vốn góp còn lại hoặc Tổng công ty không phải đáp ứng điều kiện về sản lượng trong cùng kỳ xét ưu đãi.

Cũng bởi thực tế dịch bệnh hiện nay chưa biết tương lai, các doanh nghiệp vận chuyển xe khách sẽ bị ảnh hưởng nhiều nêu doanh nghiệp cũng đề nghị ở phân khúc xe buýt/ xe khách, sản lượng chung tối thiểu để hưởng ưu đãi được đề nghị là 300 xe thay vì 360 xe và sản lượng riêng tối thiểu cho 01 mẫu xe hoặc tổng sản lượng riêng tối thiểu cho 02 mẫu xe là 150 xe thay vì 200 xe như dự thảo.

“Trong giai đoạn khó khăn hiện nay, chính sách nên động viên doanh nghiệp trong nước tiếp tục đầu tư bởi có đầu tư mới tạo ra công ăn việc làm cho người lao động, giúp đảm bảo an sinh xã hội”, lãnh đạo TC Motor nói.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tính đến hết quý II//2021, lượng ô tô nguyên chiếc các loại nhập khẩu đạt 81.107 chiếc, tăng 100,5%, tương ứng tăng 921 triệu USD so với cùng kỳ năm trước; trong đó, ô tô 9 chỗ ngồi trở xuống đạt 54.041 chiếc, tăng 77%; ô tô vận tải đạt 19.127 chiếc, tăng 148%.Trong 6 tháng đầu năm, trị giá nhập khẩu nhóm hàng linh kiện phụ tùng ô tô đạt 2,63 tỷ USD, tăng tới 64%, tương ứng tăng hơn 1 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước.

Như vậy, tính trong 6 tháng đầu năm 2021, trị giá nhập khẩu của nhóm hàng ô tô nguyên chiếc các loại và nhóm hàng linh kiện phụ tùng ô tô đạt 4,46 tỷ USD, tăng tới 77%, tương ứng tăng gần 2 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước.“Như vậy, nếu không có sự can thiệp kịp thời thì sản xuất trong nước khó có thể tiếp tục cạnh tranh được với nhập khẩu thương mại và ngành công nghiệp ô tô nếu không dựa trên nền tảng là sản xuất thì sẽ không thể phát triển đạt được mục tiêu chiến lược mà Thủ tướng Chính phủ đã đề ra”, TC Motor nhận xét.

Tin bài liên quan