Doanh nghiệp nước ngoài tăng tốc mở rộng đầu tư

Doanh nghiệp nước ngoài tăng tốc mở rộng đầu tư

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhiều doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp đa quốc gia khẳng định Việt Nam vẫn là một thị trường trọng điểm và tiếp tục kế hoạch mở rộng đầu tư tại đây.

Coi Việt Nam là thị trường trọng điểm

Tính đến cuối tháng 4/2023, Việt Nam đã thu hút được gần 446 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài; trong đó, gần 280 tỷ USD đã được giải ngân. Nhiều tập đoàn đa quốc gia với công nghệ hiện đại đang mở rộng đầu tư tại Việt Nam, với chất lượng, hiệu quả ngày càng tăng.

Tại Hội thảo “Cộng hưởng sức mạnh đầu tư vì một Việt Nam thịnh vượng” do Báo Đầu tư tổ chức, ông Đỗ Thành Trung, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá cao về điểm đến đầu tư Việt Nam. Các nhà đầu tư Nhật Bản tại Việt Nam, khi trả lời câu hỏi khảo sát của JETRO, có đến 60% cho biết sẽ mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1 - 2 năm tới. Tỷ lệ này là cao nhất trong khối ASEAN. Các nhà đầu tư châu Âu xếp Việt Nam trong Top 5 điểm đến đầu tư toàn cầu. Theo khảo sát của EuroCham, có tới 41% số doanh nghiệp được hỏi cho biết, họ đang chuyển hoạt động từ Trung Quốc sang Việt Nam.

Tuy bối cảnh môi trường kinh doanh toàn cầu có nhiều thay đổi, các vấn đề mới phát sinh tác động mạnh tới dòng vốn đầu tư trên thế giới, nhưng nhiều doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp đa quốc gia khẳng định Việt Nam vẫn là một thị trường trọng tâm và tiếp tục kế hoạch mở rộng đầu tư tại đây.

Ông Furusawa Yasuyuki, Thành viên Ban giám đốc Điều hành, Tập đoàn AEON (Nhật Bản) phụ trách thị trường Việt Nam, kiêm Tổng giám đốc AEON Việt Nam cho biết, Tập đoàn AEON đầu tư vào nhiều thị trường nước ngoài, nhưng Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao và tiềm năng lớn nhất.

“Tập đoàn AEON xác định Việt Nam là thị trường trọng điểm thứ 2 bên cạnh Nhật Bản để tăng tốc đẩy mạnh hoạt động đầu tư trong thời gian tới”, ông Furusawa Yasuyuki nhấn mạnh.

Tại Hội thảo “Cộng hưởng sức mạnh đầu tư vì một Việt Nam thịnh vượng” do Báo Đầu tư tổ chức, nhiều doanh nghiệp FDI chia sẻ sẽ tiếp tục rót vốn vào Việt Nam.

Tại Hội thảo “Cộng hưởng sức mạnh đầu tư vì một Việt Nam thịnh vượng” do Báo Đầu tư tổ chức, nhiều doanh nghiệp FDI chia sẻ sẽ tiếp tục rót vốn vào Việt Nam.

Đại diện AEON Việt Nam chia sẻ thêm thông tin, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản mong muốn đầu tư vào Việt Nam, bởi ở đây có nhiều yếu tố thu hút đầu tư. Với tốc độ tăng trưởng dân số nhanh, đặc biệt là tầng lớp trung lưu, Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế và tốc độ tăng trưởng cũng cao hơn nhiều so với các nước châu Á khác, trong đó có Nhật Bản.

Trong khi đó, ông Khuất Quang Hưng, Giám đốc Đối ngoại và truyền thông Nestlé Việt Nam cho biết, kể từ khi Nestlé Việt Nam được thành lập (năm 1995) đến nay, Công ty đã đầu tư trên 730 triệu USD vào Việt Nam, với 4 nhà máy và 2 trung tâm phân phối, sử dụng trên 2.200 nhân viên.

“Chúng tôi có cam kết dài hạn tại thị trường Việt Nam và vào quý III/2021, khi vừa qua đỉnh dịch, quay trở lại bình thường mới, Nestlé đã cam kết mở rộng đầu tư, tăng gấp đôi công suất của nhà máy sản xuất cà phê lớn nhất tại Việt Nam”, ông Hưng cho biết.

Hoạt động tại lĩnh vực nông nghiệp, nguyên liệu thực phẩm, Tập đoàn Nguyên liệu Á Châu (AIG) đã gắn bó với thị trường Việt Nam trong hơn 20 năm qua. Bên cạnh CTCP Chế biến Dừa Á Châu (ACP), CTCP Á Châu Hoa Sơn (AHS), AIG đang sở hữu 6 công ty sản xuất và cung cấp các loại nguyên liệu cho ngành thực phẩm, thực phẩm chức năng, nước giải khát, sản phẩm từ sữa, thủy sản, dược phẩm và bánh kẹo.

Ông Lê Nguyễn Đoan Duy, Giám đốc Phát triển Kinh doanh, Tập đoàn Nguyên liệu Á Châu (AIG) cho biết, chính sách mở cửa đầu tư giúp cho nông sản Việt luôn được thị trường quốc tế đón nhận.

Giải quyết nỗi băn khoăn về thuế tối thiểu toàn cầu

Một yếu tố mới xuất hiện đang khiến các tập đoàn quốc tế quy mô lớn ngần ngại đưa ra quyết định đầu tư, mở rộng đầu tư tại các thị trường, trong đó có Việt Nam là các quy định của thuế tối thiểu toàn cầu. Ông Đỗ Văn Sử, Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, số lượng dự án quy mô lớn, trị giá tỷ đô tại Việt Nam giảm do các tập đoàn lớn đứng ngoài quan sát tác động của thuế tối thiểu toàn cầu.

Ông Choi Joo Ho, Tổng giám đốc Samsung Việt Nam chia sẻ, quy luật và trật tự kinh tế thế giới có những biến đổi. OECD đã áp dụng quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu với các doanh nghiệp đa quốc gia ở quy mô nhất định. Hơn 100 doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng bởi thuế tối thiểu toàn cầu. Điều này cũng khiến sức cạnh tranh của môi trường đầu tư Việt Nam suy giảm, khi các chính sách ưu đãi thuế hiện nay mất đi hiệu quả thực tế.

“Nhiều công ty tư vấn toàn cầu đang hoạt động tại Việt Nam như Delloite, PwC… và các chuyên gia kinh tế đều đang khuyến nghị Việt Nam có thể thực hiện các cơ chế ưu đãi trên chi phí để đối ứng với thuế tối thiểu toàn cầu và nhấn mạnh yếu tố cần luật hoá trong năm nay. Samsung cũng đồng ý với quan điểm này và mong rằng Chính phủ sẽ tiếp tục tạo ra môi trường kinh doanh có thể dự đoán được, phù hợp với tiêu chuẩn toàn cầu và những thay đổi của môi trường đầu tư gần đây”, ông Choi Joo Ho khuyến nghị.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Sử cho biết, trong 1- 2 tháng tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chắc chắn sẽ có những giải pháp cụ thể, rõ ràng liên quan tới thuế tối thiểu toàn cầu. Mục tiêu chính của các giải pháp là giữ chân nhà đầu tư hiện hữu, đủ sức hấp dẫn với nhà đầu tư mới và đảm bảo công bằng giữa các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế.

Bất động sản được mở rộng cửa đón dòng vốn từ nhà đầu tư nước ngoài

Ông Trương An Dương, Giám đốc điều hành khu vực phía Bắc và khối BĐS Nhà ở Frasers Property Việt Nam

Việt Nam đang là thị trường thu hút FDI rất tốt trong lĩnh vực bất động sản với các lợi thế về tiềm năng thị trường, dân số, thu nhập, đặc điểm nền kinh tế tốt trong giai đoạn 30 - 40 năm vừa qua.

Hiện tại, các chính sách mới đang mở rộng cánh cửa để các nhà đầu tư nước ngoài cũng như các nhà đầu tư trong nước tiếp cận quỹ đất, nhất là lĩnh vực bất động sản nhà ở và bất động sản thương mại. Nổi bật nhất phải kể đến bất động sản khu công nghiệp, khi mọi thứ từ hành lang pháp lý đến quản lý vận hành đều được Chính phủ tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích đầu tư. Vì vậy, giai đoạn 3-5 năm tới, nguồn cung bất động sản khu công nghiệp sẽ còn tiếp tục tăng mạnh và các sản phẩm về bất động sản khu công nghiệp sẽ được chuyên biệt hóa hơn nữa.

Tôi hy vọng trong thời gian tới, những chính sách khuyến khích đầu tư nước ngoài, đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực phát triển hạ tầng, đặc biệt là hỗ trợ đầu tư vào các hoạt động sản xuất trong lĩnh vực công nghệ cao của Chính phủ phát huy tác dụng. Từ đó, dòng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam sẽ còn phát triển mạnh hơn nữa.

Môi trường đầu tư thông thoáng, cởi mở

Ông Steven Wolstenholme, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc, Công ty TNHH Phát triển Nam Hội An - Hoiana Resort & Golf

Tôi đánh giá cao môi trường dành cho nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam – thông thoáng, cởi mở, nhiều chính sách thân thiện hỗ trợ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Tại Quảng Nam, công tác quy hoạch và xây dựng kết cấu hạ tầng được chú trọng và và đầu tư khá đồng bộ, đặc biệt là hạ tầng giao thông. Một trong những công trình có ý nghĩa rất quan trọng với chúng tôi là tuyến đường bộ ven biển kết nối thông suốt từ Đà Nẵng đến Chu Lai. Công trình này đã giúp việc tiếp cận các dự án du lịch nghỉ dưỡng như Hoiana trở nên dễ dàng và thuận lợi hơn, tạo tiền đề phát triển cho vùng Đông của Quảng Nam.

Tin bài liên quan