Trao đổi với ĐTCK, ông Nguyễn Văn Dưng, Chủ tịch SJA cho biết, trong khoảng 3.000 DN sản xuất - kinh doanh nữ trang trên địa bàn, chỉ có khoảng 10% DN là những đầu mối lớn mới biết đến Thông tư 22. Đa số DN chưa có sự chuẩn bị cho việc thực hiện Thông tư 22. Trong khi đó, đây lại là quy định bắt buộc đối với việc kiểm soát vàng trang sức, mỹ nghệ. Nếu DN nào vi phạm sẽ bị phạt khá nặng, thậm chí tịch thu hàng hóa.
Ông Dưng khuyến nghị, cơ quan quản lý nên “thư thả” trong việc xử lý vi phạm để các DN sản xuất - kinh doanh vàng nữ trang, nhất là các DN nhỏ có sự chuẩn bị cũng như xử lý hàng tồn kho. Bởi qua khảo sát thực tế cũng cho thấy, từ ngày 1/6, Thông tư 22 có hiệu lực, thị trường vàng đã có nhiều biến chuyển, trong khi các DN lớn lĩnh vực này đã sẵn sàng thì DN nhỏ lẻ, thủ công lại đang tỏ ra lúng túng, nhất là với xử lý hàng tồn kho.
Ngoài ra, với quy định mới, tất cả các mã ký hiệu hàng hóa đều phải ghi rõ trên sản phẩm để khách hàng nhận biết. Nhưng theo các chủ tiệm vàng, với sản phẩm nữ trang thường nhỏ và mỏng, nên rất khó có thể ghi hết ký hiệu của nhà sản xuất cũng như mã hàng hóa lên từng sản phẩm. Mặt khác, để làm được điều này đòi hỏi phải đầu tư máy móc rất tốn kém. Trong khi, lâu nay, các chủ sản xuất nữ trang vẫn ghi theo lô hàng, ngoại trừ mã ký hiệu của sản phẩm do DN tự đặt.
Chủ một tiệm vàng ở quận 3, TP. HCM cho biết, theo quy định mới, mã hàng hóa cũng như các ký hiệu hàng hóa đều phải ghi hết lên sản phẩm là điều rất khó. Theo ông này, lâu nay, công ty chỉ ghi mã hàng hóa theo lô khi xuất hóa đơn cho khách hàng mua sản phẩm (ngoại trừ ký hiệu của công ty được ghi lên sản phẩm).
Ông Phạm Văn Tám, chủ tiệm vàng Kim Hảo, đồng thời là Phó chủ tịch SJA cũng cho biết, các sản phẩm nữ trang của Công ty lâu nay đều ghi mã số Kim Hảo 940 hoặc Kim Hảo 980. Còn mã số hàng hóa sẽ ghi đầy đủ trên hóa đơn khi xuất cho người mua hàng và để thực hiện được quy định mới, Công ty sẽ phải đầu tư lại máy móc…
Theo ông Tám, hiện rất nhiều DN gặp khó khăn trong việc thực hiện Thông tư 22. Vì thời gian để chuẩn bị cho việc thực hiện các quy định mới quá ngắn, DN chưa nắm hết Thông tư nên khi áp dụng gần như 100% chưa đáp ứng được yêu cầu. Mặt khác, kinh phí đầu tư đắt đỏ, trong khi sức tiêu thụ sụt giảm.
Theo quy định mới, hàm lượng vàng trong trang sức, mỹ nghệ vàng 24k không nhỏ hơn 99,9%, 20k không nhỏ hơn 83,3%, 18k không nhỏ hơn 75%... Giới hạn sai số của kết quả thử nghiệm xác định hàm lượng trong sản phẩm trang sức mỹ nghệ như sau: vàng có hàm lượng từ 99,9% trở lên là 0,1%, vàng hợp kim có hàm lượng từ 80% đến dưới 90% là 0,2%, vàng hợp kim có hàm lượng dưới 80% là 0,3%; vật liệu hàn bằng hợp kim vàng nếu có sử dụng phải có độ tinh khiết tối thiểu tương đương với hạng được công bố của sản phẩm vàng trang sức... Trong khi, thị trường lâu nay vẫn tồn tại tình trạng ăn gian tuổi vàng khiến người tiêu dùng bị móc túi, nhưng không có cơ sở để đòi quyền lợi. Do đó, việc Thông tư 22 đi vào thực tế, kỳ vọng người tiêu dùng được bảo vệ.
Trước thắc mắc của DN về thời gian chuẩn bị thực hiện quy định Thông tư quá ngắn, bà Nguyễn Thị Kim Huệ, Chánh Thanh tra Sở Khoa học và Công nghệ TP. HCM cho rằng, trước khi ban hành văn bản đã cho các DN có một lộ trình để chuẩn bị thực hiện quy định mới, nên các DN cần phải chấp hành. Thông tư 22 quy định chất lượng hàng hóa là nữ trang vàng lưu thông trên thị trường nếu sai phạm thì mức phạt tối thiểu là 200.000 đồng và tối đa cao gấp 5 lần tổng giá trị sản phẩm. Trường hợp DN đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà không khắc phục vi phạm sẽ bị cưỡng chế thi hành, tịch thu sản phẩm.