Một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp cho biết, để sử dụng được 30 ha đất nông nghiệp làm trang trại, doanh nghiệp mất rất nhiều thời gian đàm phán với hơn 130 hộ dân.
“Cái khó nhất là chúng tôi phải trực tiếp đàm phán riêng rẽ với từng hộ dân với đủ các yêu cầu và đòi hỏi khác nhau. Sau một thời gian dài thương lượng, các hộ dân lại đổi ý, yêu cầu tăng giá bán đất hoặc không đồng ý chuyển đổi, gây khó khăn cho doanh nghiệp, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án đầu tư sản xuất”, đại diện doanh nghiệp chia sẻ.
Ông Đinh Hải Lâm, Tổng giám đốc Công ty Ca cao Intercontinental Coporation nhận xét, một trong những vướng mắc lớn nhất mà các doanh nghiệp gặp phải khi muốn mở rộng quy mô sản xuất là tiếp cận đất đai, đặc biệt đối với doanh nghiệp đầu tư sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp thì nút thắt này càng lớn. Nhiều doanh nghiệp không thể tiếp cận quỹ đất sạch vì địa phương không đền bù giải tỏa cho người dân mà đẩy hoạt động này cho doanh nghiệp.
“Để mở rộng quy mô sản xuất, doanh nghiệp cần được tiếp cận quỹ đất sạch một cách thuận lợi. Đặc biệt, doanh nghiệp phải đầu tư nhiều chi phí và công sức cho sản xuất nên rủi ro sẽ rất lớn nếu doanh nghiệp không tiếp cận được với đất đai hoặc gặp vướng mắc khi dự án đã đầu tư nhưng đất lại chưa được đền bù giải tỏa”, ông Lâm nói.
Dẫn chứng ngay chính dự án trang trại trồng ca cao quy mô lớn tại Đắk Lắk, ông Lâm cho biết, Công ty phải đầu tư rất nhiều vốn để đưa công nghệ cao vào vận hành, thiết lập hệ thống tưới tiêu, đầu tư đồng bộ máy móc, công cụ công nghệ cao cho toàn bộ chuỗi giá trị của cây ca cao từ khâu tuyển giống, trồng và chăm sóc cây đến công nghệ thu hoạch và sau thu hoạch. Đó là chưa kể việc phải mua các phần mềm ứng dụng giúp quản lý nghiệp vụ nông nghiệp trên thực địa nông trường và phần mềm hoạch định tài nguyên nhằm đảm bảo quản lý hiệu quả sản xuất.
“Dự án đặt mục tiêu trồng 1.000 ha ca cao tập trung và 3.000 ha liên kết với nông hộ nhỏ với quy mô sản lượng 10.000 tấn. Để phát triển được sản xuất trên quy mô lớn này, chúng tôi mong muốn được bỏ các quy định hạn điền và hỗ trợ giải tỏa các khó khăn, vướng mắc để doanh nghiệp có thể tiếp cận đất đai một cách thuận lợi hơn”, ông Lâm bày tỏ.
Về vấn đề này, TS. Nguyễn Kim Chung, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, nhu cầu sử dụng đất nông nghiệp của các chủ thể hiện nay có sự thay đổi mạnh theo hướng chuyển từ hộ tiểu điền sang đại điền, doanh nghiệp có nhu cầu tích tụ và tập trung ruộng đất theo hướng thị trường để mở rộng quy mô sản xuất và đầu tư lớn nhằm nâng cao hiệu quả. Quan điểm, định hướng Nhà nước cũng đã và đang có sự thay đổi, thúc đẩy điều chỉnh chính sách phát triển thị trường, thông qua cơ chế thị trường để huy động và phân bổ hiệu quả nguồn lực đất đai.
Tuy nhiên, theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến tháng 8/2013, cả nước có hơn 42.000 hộ bỏ ruộng, nhiều diện tích bỏ hoang 4 - 5 năm, trong đó phần lớn đất bỏ hoang là đất giao ổn định lâu dài, chiếm tới 90,6%. Điều này cho thấy tình trạng lãng phí và sử dụng đất nông nghiệp thiếu hiệu quả, trong khi nhu cầu tích tụ tập trung ruộng đất, dồn điền đổi thửa đang ngày càng gia tăng để mở rộng quy mô phát triển của các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp.
PGS. TS Chu Tiến Quang, Hội đồng chính sách, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất, cần có sự đánh giá và chứng minh sự phát triển của thị trường sử dụng đất. Trên cơ sở đó, phân tích những bất cập chính sách đất đai, quyền sử dụng và cho thuê đất ảnh hưởng như thế nào đến quá trình sử dụng đất và phát triển thị trường quyền sử dụng đất nông nghiệp và có những giải pháp cụ thể để tháo gỡ những rào cản cho doanh nghiệp.
Theo TS. Nguyễn Hữu Thọ, Phó trưởng ban Chính sách phát triển nông thôn (CIEM), để tăng tính linh hoạt cho việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, nên định hướng quy hoạch theo 2 nhóm. Trong đó, quy hoạch cứng là việc Nhà nước đưa ra những vùng, những loại đất không được phép chuyển đổi mục đích sử dụng. Quy hoạch mềm là việc Nhà nước đưa ra những vùng, những loại đất có tính tương đồng để người dân có thể chuyển đổi mục đích sử dụng đất một cách linh hoạt theo tín hiệu thị trường.