Doanh nghiệp nóng lòng đón chính sách thuế mới

Doanh nghiệp nóng lòng đón chính sách thuế mới

(ĐTCK) Một trong những lĩnh vực được cộng đồng DN đánh giá cao tại Diễn đàn DN cuối kỳ 2014 (VBF 2014) vừa diễn ra tại Hà Nội là những cải thiện về lĩnh vực thuế hải quan cũng như các chính sách mới về thuế, hải quan trong thời gian gần đây.

Phần lớn các ý kiến đều cho rằng đây là những tín hiệu tích cực, song cộng đồng DN vẫn đang nóng lòng chờ đợi việc triển khai trên thực tế.

Bà Virginia Foote, đồng Chủ tịch VBF 2014 đánh giá cao việc Luật thuế sửa đổi bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/1/2015, theo đó, tổng thời gian cho các thủ tục thuế dự kiến sẽ giảm từ hơn 800 giờ xuống còn 171 giờ, ngang với mức bình quân của nhóm các nước ASEAN 6.

“Chúng tôi hoan nghênh những nỗ lực của Chính phủ trong lĩnh vực này và rất nóng lòng được tham gia đánh giá thành công của việc áp dụng cơ chế mới cũng như đẩy nhanh việc áp dụng cơ chế này”, bà Foot nhấn mạnh. Cũng theo vị chuyên gia này, các cải cách về công tác hành thu thông qua áp dụng công nghệ mới trong kê khai, đóng thuế và hướng dẫn cách sử dụng cho người đóng thuế là một giải pháp quan trọng để hạn chế tham nhũng, nâng cao hiệu quả, bảo đảm công bằng trong thu thuế.

Thay mặt cho Nhóm công tác thuế, bà Hương Vũ, Trưởng nhóm cho biết, cộng đồng DN khá hài lòng trước các cải cách của Chính phủ trong lĩnh vực thuế, hải quan gần đây.

“Trong số các vấn đề được nêu lên tại VBF và được Chính phủ tiếp thu, sửa đổi, cộng đồng DN đặc biệt hoan nghênh các thay đổi về chính sách thuế nhà thầu đối với giao dịch cung cấp hàng hóa tại Việt Nam, việc nới lỏng và tiến tới xóa bỏ hoàn toàn tỷ lệ khống chế chi phí quảng cáo, marketing, việc cải cách và đơn giản hóa thủ tục hành chính, cụ thể là bãi bỏ kê khai thuế thu nhập DN theo quý và quy định về kê khai thuế GTGT theo quý, thay vì theo tháng đối với phần lớn DN. Điều này thể hiện sự tiếp thu và cầu thị của Chính phủ đối với những đề nghị chính đáng của cộng đồng DN Việt Nam, đưa chính sách thuế ngày càng gần hơn với thông lệ quốc tế”, bà Hương Vũ bình luận.

Tuy nhiên, cũng theo bà Hương Vũ, thông qua kênh diễn đàn đối thoại tại VBF lần này, vẫn còn nhiều vấn đề của chính sách thuế liên quan đến cải cách thủ tục hành chính và thông lệ quốc tế trong các giao dịch thương mại cũng như ưu đãi đầu tư mở rộng cần được giải quyết một cách thỏa đáng.

Trước hết, về vấn đề cải cách thủ tục thuế và hải quan, các vấn đề đặt ra cần được giải quyết là kê khai định mức nguyên vật liệu gia công, sản xuất xuất khẩu, bao gồm việc xây dựng định mức thực tế sản xuất sản phẩm xuất khẩu và thông báo định mức cho cơ quan hải quan. Bên cạnh đó là các quy định về thời hạn nộp thuế đối với nguyên liệu vật tư nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu trong vòng 275 ngày và việc khai thuế GTGT đối với hoạt động xây dựng cơ bản vãng lai tỉnh ngoài.

Theo Nhóm công tác thuế, vẫn đang tồn tại nhiều bất cập với các quy định thiếu hợp lý trong chính sách của cơ quan quản lý trong các lĩnh vực này gây khó khăn cho các DN trong quá trình thực hiện.

Để khắc phục những bất cập này, Nhóm công tác thuế đề xuất nhiều giải pháp lên Bộ Tài chính, trong đó nghiên cứu cho phép DN không phải nộp định mức thực tế sản xuất cho co quan hải quan, cho phép DN tự xây dựng, tự lưu, tự chịu trách nhiệm về định mức sử dụng và xuất trình cho cơ quan hải quan khi có yêu cầu. Đối với quy định về thời hạn nộp thuế, nhóm công tác thuế kiến nghị Bộ Tài chính nghiên cứu bãi bỏ quy định thời hạn nộp thuế 275 ngày đối với nguyên vật liệu, vật tư nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu để giảm thiểu thủ tục hành chính và thời gian thực hiện.

Nhóm cũng khuyến nghị Bộ Tài chính cần xem xét bỏ quy định kê khai thuế GTGT tại địa phương đối với hoạt động lắp đặt và bán hàng vãng lai ngoại tỉnh, và chỉ yêu cầu nộp hồ sơ khai thuế và tạm nộp thuế tại cơ quan địa phương đối với các giao dịch có giá trị từ 1 tỷ đồng trở lên.

 Liên quan đến lĩnh vực hải quan, theo ông Mark Gillin, Trưởng nhóm Công tác Hải quan, cộng đồng DN đang rất nóng lòng chờ đón việc ban hành các quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Luật Hải quan 2014 sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2015, góp phần hướng dẫn thực hiện một số nội dung chung của Hiệp định Xúc tiến Thương mại của WTO (TFA) và các khung khổ hợp tác mới chuẩn bị được ký kết.

“Hiện nay, có tới 66% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam do các DN FDI đem lại, trong khi tỷ lệ nội địa hóa hàng xuất khẩu vẫn rất thấp. Nếu thực hiện được những cam kết chung này thì sẽ giúp đơn giản hóa thủ tục hải quan, xuất nhập khẩu, tăng tốc độ luân chuyển của các chuỗi cung ứng trong nước, nâng cao năng lực cạnh tranh, giảm chi phí 5 - 15%, giảm tham nhũng, tạo điều kiện để DN nhỏ và vừa Việt Nam hội nhập sâu hơn vào thương mại quốc tế”, ông Gillin nhấn mạnh. 

Tin bài liên quan