Nhu cầu ngày càng cao
Theo các chuyên gia, đà phát triển của thị trường bất động sản trong thời gian qua, cùng thu nhập của người dân ngày càng tăng, kéo theo nhu cầu về những ngôi nhà tiện nghi và sang trọng hơn gia tăng.
Họ đã bắt đầu quan tâm nhiều hơn và sẵn sàng chi trả cho những sản phẩm phục vụ đời sống hằng ngày, đặc biệt là các mặt hàng nội thất và đây là cơ hội cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đồ nội thất.
Thống kê từ các nhà phân phối nội thất cho thấy, thị trường này có tiềm năng phát triển rất lớn, nhất là sau năm 2020, với thị trường nội địa tăng 6%/năm, đạt 1,75 tỷ USD.
Trong vòng 10 năm trở lại đây, nhiều ngành bán lẻ của Việt Nam chịu sức ép rất lớn từ những cuộc xâm nhập của các doanh nghiệp nước ngoài. Tuy nhiên, thị trường gỗ nội thất vẫn do các doanh nghiệp nội địa nắm giữ phần lớn thị phần với khoảng hơn 7.000 doanh nghiệp lớn nhỏ.
Thị trường tỉnh lẻ là cơ hội mới với các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh nội thất.
Báo cáo của Công ty Concetti cũng cho biết, thị trường nội thất Việt Nam tăng trưởng mạnh trong 3 năm qua cùng sự phát triển của thị trường bất động sản. Dự đoán, nhu cầu này sẽ tiếp tục tăng trong những năm tiếp theo.
Ông Ngụy Thanh Vỹ, Công ty cổ phần Gỗ An Cường cho biết, ngoài nhu cầu của người tiêu dùng ngày càng cao, thì cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc cũng có tác động tới các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh đồ gỗ nội thất Việt Nam.
Theo số liệu của Tổng Cục Hải quan, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam trong tháng 7/2018 đạt trên 730 triệu USD, tăng tới 30,6% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt trên 506 triệu USD, tăng 9,56% so với tháng 7/2017.
Lũy kế 7 tháng, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đạt mức cao kỷ lục là 4,855 tỷ USD, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 3,378 tỷ USD, tăng 6,9%, chiếm 69,58% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ (tỷ lệ này của 7 tháng năm 2017 là 73,78%).
Thống kê sơ bộ 15 ngày đầu tháng 8/2018, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đạt gần 348 triệu USD, tăng 8,28% so với cùng kỳ tháng 7/2018.
Riêng các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), trong tháng 7/2018, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của khối này đạt trên 323 triệu USD. Lũy kế 7 tháng, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của doanh nghiệp FDI đạt 2,107 tỷ USD, tăng 5,83% so với cùng kỳ. Trong đó, tính riêng xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 1,907 tỷ USD, tăng 5,6% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm 56,46% tổng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ của cả nước.
Thị trường tỉnh lẻ là cơ hội mới
Đánh giá về tiềm năng của thị trường tỉnh lẻ, ông Vỹ cho biết, thị trường gỗ nội thất tỉnh lẻ có nhiều cơ hội do nhu cầu cuộc sống của người dân ngày một cao, thu nhập tăng, dân số trẻ, nên có xu thế ưa thích dòng sản phẩm có mẫu mã hiện đại.
Chính vì vậy, rất nhiều doanh nghiệp gỗ nội thất đã đặt nhà máy sản xuất, chi nhánh ở các tỉnh như Khánh Hòa, Đà Nẵng, Nam Định, Bắc Giang, Thái Nguyên, Nghệ An…
“Chúng tôi nhìn ra dư địa của thị trường tỉnh lẻ từ lâu, nên đã chủ động đặt các văn phòng, showroom tại Nha Trang, Đà Nẵng, Thái Nguyên, Nam Định, Bắc Giang… để chiếm thế chủ động đối với phân khúc khách hàng tỉnh lẻ này”, ông Vỹ nói.
Để có thể củng cố vị thế trên sân nhà, nhiều doanh nghiệp sản xuất nội thất không ngừng đưa ra các sản phẩm mới lạ, hợp xu hướng.
Còn theo đại diện Siêu thị đồ gỗ cao cấp Dafuco Nha Trang, nhu cầu khách hàng ngày một cao, Nha Trang không phải thị trường mới nổi, nhưng xu hướng tiêu dùng của người dân trên toàn quốc giờ không còn giới hạn thành thị - nông thôn, hay tỉnh lẻ. Chính vì vậy, sản phẩm phải đáp ứng được các yêu cầu của “thượng đế”, phải phù hợp với thiết kế, không gian của ngôi nhà.
Theo các kiến trúc sư, đồ gỗ nội thất hiện nay không chỉ là vật trang trí, làm đẹp cho ngôi nhà, mà phải chứa đựng nhiều tiện ích nhất, nhưng tốn ít diện tích nhất.
Tại thị trường Nam Định, theo số liệu của Sở Công thương Nam Định, trên địa bàn tỉnh có gần 150 doanh nghiệp và hàng nghìn cơ sở, hộ cá thể sản xuất, kinh doanh gỗ với các loại sản phẩm như gỗ xẻ, gỗ mỹ nghệ, dân dụng và nội thất xây dựng phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Theo đơn vị này, năm 2017, công nghiệp chế biến gỗ là ngành đạt tốc độ tăng trưởng tốt nhất tại Nam Định với kim ngạch xuất khẩu đạt 45,3 triệu USD, tăng 35,5% so với năm 2016. Đến nay, ngành công nghiệp chế biến gỗ của tỉnh đã phát triển rộng khắp ở cả 10/10 huyện, thành phố.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để duy trì được sự ổn định, xây dựng vững chắc thị trường sân nhà và hướng tới xuất khẩu, các doanh nghiệp trong nước còn nhiều việc phải làm.
Ngoài các doanh nghiệp lớn được đầu tư thiết bị đồng bộ, hiện đại, các cơ sở sản xuất có tiềm lực tài chính đầu tư một số loại máy móc phụ trợ có vai trò quan trọng, còn lại nhiều cơ sở sản xuất nhỏ vẫn thực hiện thủ công là chính, nên tỷ lệ sản phẩm lỗi còn lớn.
Đồng thời, các doanh nghiệp cần tăng cường nắm bắt thông tin thị trường, bám sát những chỉ đạo của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương để kịp thời có những điều chỉnh trong sản xuất.
Việc đầu tư xây dựng mới, cải tạo nâng cấp cơ sở chế biến gỗ phải đảm bảo yêu cầu công nghệ hiện đại, thiết bị tiên tiến kết hợp với công nghệ thiết bị truyền thống, có quy mô phù hợp với khả năng cung ứng nguyên liệu và mặt hàng nhằm nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh, bảo vệ môi trường sinh thái.