Nhiều doanh nghiệp đã nỗ lực tìm đơn hàng để thúc đẩy kết quả sản xuất - kinh doanh năm 2023

Nhiều doanh nghiệp đã nỗ lực tìm đơn hàng để thúc đẩy kết quả sản xuất - kinh doanh năm 2023

Doanh nghiệp nỗ lực tìm đơn hàng, sản xuất công nghiệp tiếp đà phục hồi

0:00 / 0:00
0:00
Sản xuất công nghiệp tháng 11/2023 tiếp tục xu hướng tích cực, với ước tính chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 3% so với tháng trước và tăng 5,8% so với cùng kỳ năm trước.

Sản xuất công nghiệp tháng 11/2023 tiếp tục xu hướng tích cực, với ước tính chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 3% so với tháng trước và tăng 5,8% so với cùng kỳ năm trước.

Sản xuất công nghiệp tiếp tục xu hướng tích cực và nguyên nhân chủ yếu là do các doanh nghiệp sản xuất nỗ lực tìm kiếm đơn hàng để hoàn thành kế hoạch sản xuất - kinh doanh của năm cũng như chuẩn bị hàng hóa phục vụ tiêu dùng dịp cuối năm.

Nhận định này vừa được Tổng cục Thống kê đưa ra, khi công bố số liệu thống kê về tình hình kinh tế - xã hội tháng Mười Một và 11 tháng năm 2023.

Cụ thể, theo Tổng cục Thống kê, ước tính tháng 11/2023, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 3% so với tháng trước và tăng 5,8% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng năm 2023, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ước tính tăng 1% so với cùng kỳ năm trước.

Đây là mức tăng thấp nhất trong nhiều năm qua, nhưng đặt trong bối cảnh kinh tế toàn cầu và trong nước gặp nhiều khó khăn, thì vẫn là dấu hiệu tích cực, cho thấy xu thế phục hồi của sản xuất công nghiệp.

Trong mức tăng chung 1% này, ngành chế biến, chế tạo tăng 1,1% (cùng kỳ năm 2022 tăng 8,7%), đóng góp 1,1 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 3,2%, đóng góp 0,2 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 4,9%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm; ngành khai khoáng giảm 2,8%, làm giảm 0,4 điểm phần trăm trong mức tăng chung.

Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số sản xuất 11 tháng năm 2023 của một số ngành công nghiệp trọng điểm cấp 2 tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Chẳng hạn, sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic - tăng 11,8%; khai thác quặng kim loại - tăng 11,1%; sản xuất sản phẩm thuốc lá - tăng 10,5%; sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất - tăng 8,6%...

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, chỉ số IIP của một số ngành lại giảm. Trong đó, sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học giảm 1,3%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (trừ giường, tủ, bàn, ghế) giảm 2,1%; sản xuất xe có động cơ giảm 3,6%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác giảm 3,9%; khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 4,2%; sản xuất phương tiện vận tải khác giảm 9%...

Ở góc độ khác, Tổng cục Thống kê cho biết, chỉ số sản xuất công nghiệp 11 tháng năm 2023 so với cùng kỳ năm trước tăng ở 50 địa phương và giảm ở 13 địa phương trên cả nước. Một số địa phương có chỉ số IIP đạt mức tăng khá cao do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao.

Chẳng hạn, Đắk Lắk tăng 33,6%; Bắc Giang tăng 20,5%; Phú Thọ tăng 17,6%; Nam Định tăng 15,5%; Hà Nam tăng 13,6%; Hải Phòng tăng 13,5%...

Nhưng ngược lại, cũng có một số địa phương có chỉ số IIP giảm do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành khai khoáng và ngành sản xuất, phân phối điện giảm. Trong số này, Quảng Nam vẫn giảm nhiều nhất, lên tới 27,7%; Bắc Ninh giảm 12,3%; Vĩnh Long giảm 10,7%; Sóc Trăng giảm 5,6%; Lào Cai giảm 4,2%...

Dù tình hình sản xuất công nghiệp đã có nhiều cải thiện, nhưng mức tăng sau 11 tháng chỉ là 1% so với cùng kỳ năm trước sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới hiệu quả sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp, và đặc biệt là tốc độ tăng trưởng GDP của nền kinh tế. Nền kinh tế vẫn đang đối mặt với những khó khăn rất lớn, dù xu thế gần đây, nhiều đơn hàng đã quay trở lại với các doanh nghiệp.

Tin bài liên quan