Vinamilk dự kiến mở mới chuỗi cửa hàng bán lẻ cà phê, đồ ăn uống và sản xuất đường.

Vinamilk dự kiến mở mới chuỗi cửa hàng bán lẻ cà phê, đồ ăn uống và sản xuất đường.

Doanh nghiệp niêm yết tính chuyện lấn sân lĩnh vực mới

(ĐTCK) Mùa đại hội năm nay, nhiều doanh nghiệp đưa ra kế hoạch lấn sân sang lĩnh vực mới, ngoài mảng kinh doanh cốt lõi.

Theo tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) thường niên 2020, HĐQT CTCP Dược Hậu Giang (DHG) sẽ trình cổ đông bổ sung ngành nghề kinh doanh mới là in ấn và dịch vụ liên quan đến in.

Trước đó, Công ty TNHH Bao bì DHG 1 - công ty con của DHG, được sáp nhập vào Công ty mẹ, nhưng không đăng ký ngành nghề liên quan đến in ấn bao bì của công ty con do điều kiện kinh doanh của ngành này hạn chế các doanh nghiệp có trên 50% vốn đầu tư nước ngoài.

Hiện tại, do nhu cầu phát triển kinh doanh, DHG muốn bổ sung ngành này vào các hoạt động kinh doanh của Công ty.

CTCP Sữa Việt Nam - Vinamilk (VNM) thông báo trong tài liệu họp ĐHCĐ về việc triển khai dự án mở mới chuỗi cửa hàng bán lẻ cà phê, đồ uống và đồ ăn kèm theo. VNM đã mở 1 cửa hàng tại trụ sở chính của Công ty trong năm 2019.

Đại diện VNM cho biết, Công ty đang hợp tác với một đối tác có đủ năng lực và ngành nghề phù hợp để thử nghiệm và đánh giá hiệu quả của hệ thống. Nếu hiệu quả, VNM sẽ mở rộng chuỗi cửa hàng này tại nhiều địa điểm khác nhau và trực tiếp vận hành hoạt động kinh doanh bán lẻ hàng hóa khác tại các cửa hàng chuyên doanh trong năm 2020 và các năm tới.

Bên cạnh đó, VNM còn trình cổ đông thông qua việc đăng ký thêm ngành sản xuất đường. VNM cho biết, Công ty có kế hoạch phát triển các sản phẩm đường thương mại có chức năng chuyên biệt như đường dành cho người bệnh tiểu đường, người theo chế độ ăn kiêng…

Đây là hướng đi mới cho VNM với kỳ vọng tạo nên sự tăng trưởng mới trong bối cảnh ngành kinh doanh truyền thống là sữa và các sản phẩm từ sữa đang chậm lại.

Thời gian qua, thị trường bất động sản công nghiệp của Việt Nam chứng kiến sự sôi động trước kỳ vọng trở thành trung tâm sản xuất mới của thế giới khi khống chế thành công bệnh dịch Covid-19, cũng như ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do.

Nắm bắt xu hướng này, không ít doanh nghiệp tỏ rõ tham vọng đặt chân vào lĩnh vực này.

Đơn cử, CTCP Sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu Bình Thạnh - Gilimex (GIL) “nhảy” sang  mảng bất động sản công nghiệp bằng các thương vụ M&A liên tiếp. GIL vừa thông qua chủ trương nhận chuyển nhượng 99,99% vốn CTCP Ichiban Star - doanh nghiệp đang vận hành một nhà hàng tại Đại lộ Hữu Nghị, Khu công nghiệp Việt Nam- Singapore.

Trước đó, GIL đầu tư vào Công ty Bất động sản Hưng Khang (tỷ lệ sở hữu 99,99%) và Công ty Đầu tư và phát triển Hoàng An (35%). Ban lãnh đạo GIL chia sẻ, đây là 2 công ty sở hữu 2 khu đất nằm tại trung tâm tỉnh Bình Dương và nằm sát khu công nghiệp.

Việc đầu tư vào lĩnh vực mới nhằm đáp ứng mục tiêu phát triển chuỗi khách sạn từ 3-4 sao phục vụ khách lưu trú ngắn hạn làm việc tại khu công nghiệp. Được biết, GIL hoạt động chính trong lĩnh vực sản xuất hàng gia dụng.

Để đón đầu làn sóng của sự dịch chuyển nguồn vốn FDI, lãnh đạo CTCP Đầu tư phát triển Cường Thuận Idico (CTI) cho hay, doanh nghiệp sẽ tập trung nguồn lực để phát triển mảng bất động sản khu công nghiệp. Hiện CTI đang thực hiện các cụm dự án Khu công nghiệp Tân An, Khu công nghiệp Phước Bình - Long Thành…

Nhiều doanh nghiệp khác đã và đang đẩy mạnh đầu tư vào bất động sản khu công nghiệp như Nhựa An Phát, Tiến Bộ…

Một lĩnh vực hấp dẫn dòng tiền đầu tư được nhiều doanh nghiệp hướng đến là điện mặt trời. Tại ĐHCĐ thường niên 2020 của CTCP Tập đoàn Lộc Trời (LTG), các cổ đông đã thông qua việc bổ sung lĩnh vực mới là sản xuất điện mặt trời, bên cạnh hoạt động chính là kinh doanh lúa gạo, thuốc bảo vệ thực vật, giống…

Tương tự, CTCP Nam Việt (ANV) cũng sẽ trình ĐHCĐ sắp tới bổ sung điện mặt trời vào ngành nghề kinh doanh của Công ty, song song với lĩnh vực chính là thuỷ sản.

Khi hoạt động kinh doanh cốt lõi chững lại hoặc gặp khó khăn, việc mở rộng sang những mảng kinh doanh mới hứa hẹn mang lại dư địa tăng trưởng mới cho doanh nghiệp, nhưng cũng khiến doanh nghiệp đối mặt với rủi ro nếu không quản trị được tính đa ngành.

Tin bài liên quan