Doanh nghiệp niêm yết tìm hướng đi riêng để bật mạnh

Doanh nghiệp niêm yết tìm hướng đi riêng để bật mạnh

(ĐTCK) “Làm theo cách khác biệt sẽ được kết quả khác biệt”, đó có lẽ là lý giải quan trọng nhất cho những thay đổi đang diễn ra tại nhiều doanh nghiệp niêm yết.

Từ câu chuyện AMD

Ngày 7/1/2017, Công ty cổ phần Đầu tư AMD Group (AMD) sẽ tổ chức khánh thành giai đoạn 1 Nhà máy sản xuất và chế tác đá tự nhiên AMDStone công suất 1 triệu m3/năm tại chân núi Loáng, xã Yên Lâm, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa. Đây là 1 trong 4 mỏ đá AMD đã và sẽ khai thác trong thời gian tới tại Thanh Hóa. Thế nhưng, trong thời gian qua, mỏ đá núi Loáng đã bắt đầu được công nhân khai thác chuẩn bị sẵn nguyên liệu đầu vào cho nhà máy chế tác.

Không giống như quang cảnh mờ mịt thường thấy ở các khu mỏ của nhà khai thác đá khác, không khí xung quanh khu mỏ của AMD những ngày này khá trong lành. Điều làm nên sự khác biệt này chính là công nghệ. Với việc sử dụng sợi kim cương để cắt đá khối thay cho hình thức nổ mìn truyền thống, khu mỏ của AMD gần như không có bụi. Và tỷ lệ thu hồi đá nguyên khối gần như 100%.

Chia sẻ với phóng viên Đầu tư Chứng khoán, ông Nguyễn Tiến Đức, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc AMD cho biết, ban đầu, khi biết AMD đầu tư công nghệ cắt đá bằng sợi kim cương vào mỏ núi Loáng, nhiều chủ khai thác đá cười bảo ông có… vấn đề, vì cho rằng chất đá này thì chỉ có thể sử dụng làm đá xây dựng thông thường, giá trị không quá cao trong khi đầu tư công nghệ lớn. Nhưng tính toán của ông lại khác.

“Đá cắt bằng sợi kim cương nên hầu như không có mảnh vụn. Công nghệ cắt hiện đại cho phép tạo thành đá lát đẹp, tận dụng tối đa đá có được. Và thậm chí, bụi đá tạo thành từ quá trình cắt, đánh bóng còn được tận thu để ép thành gạch, bán cho nhà máy sản xuất xi măng… Với việc áp dụng công nghệ này, tỷ lệ thu hồi đá cao hơn, giá trị thu về lớn hơn dù AMD dự kiến mức giá bán rất cạnh tranh so với các hãng khác”, ông Đức nói.

Việc đầu tư công nghệ hiện đại vào khai thác, chế biến đá, theo ông Đức, tốn chi phí hơn hàng trăm tỷ đồng so với phương thức khai thác truyền thống, nhưng nếu hoạt động hết công suất, chỉ sau 2 năm, Công ty có khả năng thu hồi vốn.

Hiện tại, AMD đang là nhà cung cấp chủ yếu các sản phẩm đá ốp lát vỉa hè đường phố của Hà Nội, nhưng việc đầu tư công nghệ cao vào khai thác và chế biến đá tại Thanh Hóa đang được Công ty xem là bước đi tạo đột biến về doanh thu, biên lợi nhuận, mà xa hơn nữa là nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn tài nguyên quốc gia.

Đến nhiều doanh nghiệp khác

Để có được kết quả khác biệt, cần những cách làm sáng tạo, đột phá. Và cơ hội huy động vốn trên thị trường chứng khoán đã chắp cánh cho việc lựa chọn những con đường khác biệt đó.

Bản thân AMD, trước khi bước vào lĩnh vực khai thác mỏ, được biết đến chủ yếu ở lĩnh vực tư vấn, đào tạo, thương mại và bất động sản. Chính việc huy động vốn trên thị trường chứng khoán cùng nhìn ra cơ hội sinh lời từ đầu tư công nghệ đã giúp AMD định vị vị thế mới trong năm 2017.

Trong khi đó, Tổng công ty cổ phần Thiết bị điện Việt Nam (Gelex, mã GEX) lại đang lột xác từng ngày nhờ câu chuyện của thị trường chứng khoán. Sau thoái vốn nhà nước tại Gelex và đề án tái cấu trúc mới, Gelex đang thực hiện chiến lược M&A các doanh nghiệp để chuyển đổi hoạt động sang mô hình tập đoàn, với các ngành nghề mới như logistic, năng lượng, bất động sản… bên cạnh ngành nghề chính là lĩnh vực chế tạo thiết bị điện.

Đây cũng là câu chuyện tương tự của KIDO (mã KDC) sau khi thoái vốn mảng bánh kẹo và chuyển hoạt động chính vào lĩnh vực dầu ăn, mì ăn liền, kem và sữa chua… Đây được coi là các yếu tố sẽ tạo nên sự tăng trưởng mạnh lợi nhuận hoạt động chính của Công ty kể từ năm 2017.

Tương tự, với Công ty cổ phần Cơ Điện Lạnh (REE), trong nhiều năm qua, REE đã kiên trì đầu tư vào lĩnh vực năng lượng. Không đem lại lợi nhuận lớn trong quá khứ, nhưng câu chuyện lớn nhất mà REE trông chờ khi tham gia vào lĩnh vực này là xu hướng thị trường, tự do hóa ngành điện và việc tính chênh lệch tỷ giá hối đoái vào giá vốn ngành điện.

Cả hai yếu tố này hiện đã có quy định, nhưng vẫn trong giai đoạn chờ được áp dụng. Xu hướng tự do hóa ngành điện là khó tránh khỏi, nên con đường REE đang chọn, có thể vẫn là lối đi đầy thách thức, nhưng chắc chắn, sẽ là một cú hích cho về tăng trưởng hiệu quả kinh doanh Công ty, khi những yếu tố đang kỳ vọng trở thành hiện thực.  

Tin bài liên quan