Masan mua lại 100% cổ phần Sài Gòn Nutri Food

Masan mua lại 100% cổ phần Sài Gòn Nutri Food

Doanh nghiệp niêm yết tìm chân trời mới

(ĐTCK) Cuối tuần trước, CTCK HSC đã có báo cáo cập nhật về tình hình hoạt động của Tập đoàn Masan (MSN) với chi tiết đáng chú ý, MSN đã thâm nhập phân khúc thịt chế biến với việc mua lại 100% cổ phần Sài Gòn Nutri Food.

Ban giám đốc MSN cho biết, công ty mới mua này là cơ sở để MSN hướng đến thị trường thịt chế biến mới chỉ chiếm 1% trong thị trường thịt có quy mô đến 18 tỷ USD.

MSN là công ty trẻ, nhưng ngay khi ra đời đã thực hiện nhiều chiến lược M&A để tham gia vào lĩnh vực kinh doanh mới. Từ sản xuất nước chấm, sản phẩm tiêu dùng nhanh, MSN đã mở rộng sang nước uống đóng chai, bia, mì gói, khai thác khoáng sản và giờ là chế biến thịt. Thị trường vốn đã quen với việc mở rộng kinh doanh của MSN nên không đặt câu hỏi đâu là thế mạnh kinh doanh cốt lõi của công ty này. Trong khi nhiều DN khác khi mở rộng thêm ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh mới thường khiến nhà đầu tư nghi ngại. Thậm chí, việc bầu Đức nuôi bò, bầu Long nuôi lợn còn được coi là thông tin sốc với thị trường.

Ông Trần Tuấn Dương, Tổng giám đốc Tập đoàn Hòa Phát (HPG) chia sẻ, có rất nhiều nhà đầu tư e ngại về việc HPG tham gia vào lĩnh vực chưa có kinh nghiệm là chế biến thức ăn gia súc và chăn nuôi, nhưng thực ra trong hơn 20 năm phát triển, HPG đã năm bảy lần dấn thân vào lĩnh vực mới, mỗi lần mở ra đều phát triển mạnh. Từ thiết bị xây dựng, sau đó là nội thất rồi đến điện lạnh, bất động sản. Ngay cả thép được coi là mảng kinh doanh cốt lõi, HPG đang dẫn đầu thị trường hiện nay thì DN bắt đầu tham gia từ 2001 với tư cách “lính mới”, chưa có kinh nghiệm gì. Nói như vậy, để thấy rằng, HPG tham gia lĩnh vực mới không có gì lạ. Và việc tìm đến những chân trời mới hơn chính là hướng đi khi không gian còn lại của lĩnh vực kinh doanh truyền thống chật chội, việc tăng quy mô ngành hàng khó đạt hiệu quả.

Tương tự như HPG, Tập đoàn Hoa Sen (HSG) khi đạt đến ngưỡng thị phần 40% cũng phải nhìn lại hướng phát triển  tiếp theo và mảng phân phối bản lẻ sản phẩm vật liệu xây dựng là định hướng mới.

Điểm chung mà các DN khi mở rộng lĩnh vực kinh doanh bị nhà đầu tư, cổ đông chất vấn là chưa có kinh nghiệm gì (!). Nhưng nhìn lại các ngành kinh doanh ở Việt Nam hiện nay, có thể thấy, số DN phát triển bài bản ở quy mô lớn rất ít. “Không có kinh nghiệm lại là một lợi thế”, để DN có thể vận dụng những kinh nghiệm, công nghệ, mô hình phát triển mới. Đó là lý do vì sao MSN mới tham gia vào thị trường thực phẩm, gia vị nhưng lại nhanh chóng vượt qua các đối thủ lâu năm khác…

Thực tế cho thấy, xu hướng mở rộng lĩnh vực kinh doanh của hàng loạt DN niêm yết hàng đầu hiện nay khác hoàn toàn với xu thế đầu tư ngoài ngành diễn ra những năm trước. Đây là kết quả của quá trình tích lũy vốn, kinh nghiệm và nghiên cứu thị trường của DN. Vì vậy, thay vì nhìn DN với con mắt nghi ngờ, nhà đầu tư cần đánh giá năng lực tài chính, đánh giá cách thức, mô hình sản xuất - kinh doanh mà DN áp dụng khi bước sang lĩnh vực mới, năng lực triển khai để dự đoán mức độ thành công của DN. Khi bước sang một lĩnh vực kinh doanh mới, DN cũng đứng trước cả cơ hội thành công và nguy cơ bại, nhưng nếu không chuyển động kịp thời, DN không tạo ra động lực tăng trưởng mới cho chính mình và rơi vào nguy cơ tụt hậu. Điều này còn đáng ngại hơn nhiều.

Tin bài liên quan