Doanh nghiệp niêm yết sẵn sàng đón cơ hội

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Lãnh đạo một số doanh nghiệp, chuyên gia chia sẻ kỳ vọng vào tác động tích cực của việc Trung Quốc mở cửa nền kinh tế với ngành hàng xuất nhập khẩu của Việt Nam. 

Chuẩn bị sẵn nguồn lực để đón cơ hội

Ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty May 10.
Ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty May 10.

Việc Trung Quốc mở cửa trở lại từ ngày 8/1/2023 sẽ tác động tích cực đến hoạt động của các doanh nghiệp dệt may Việt Nam nói chung, Tổng công ty May 10 nói riêng; trong đó, nổi lên là giảm thiểu ách tắc chuỗi cung ứng.

Việc mua nguyên phụ liệu từ Trung Quốc sẽ thuận lợi hơn, giá mua cũng sẽ

tốt hơn.

Trung Quốc là thị trường lớn, sẽ đem đến cơ hội cho doanh nghiệp dệt may Việt Nam khi mở cửa trở lại, nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng lên, đơn hàng xuất đi sẽ tăng trưởng.

Doanh nghiệp cũng chuẩn bị sẵn nguồn lực để đón lấy cơ hội lớn này.

Năm 2022, May 10 đã hoàn thành kế hoạch đề ra, thậm chí doanh thu vượt 18% kế hoạch và thu nhập bình quân theo đầu người vượt 11% kế hoạch, lương của một công nhân trung bình 9,3 triệu đồng/tháng. Nối tiếp đà này cùng động lực mới từ Trung Quốc mở cửa, May 10 kỳ vọng sẽ có một năm 2023 phát triển.

Động lực tăng trưởng tốt trong năm 2023

Ông Trần Như Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị TCM.
Ông Trần Như Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị TCM.

Sợi Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc. Trong 3 năm Trung Quốc duy trì chính sách Zero Covid, tồn kho sợi cao nên khi thị trường này mở cửa trở lại, kỳ vọng xuất khẩu sợi hồi phục, tồn kho giảm.

Ở chiều ngược lại, Việt Nam nhập khẩu nguyên phụ liệu ngành may, đặc biệt là vải từ Trung Quốc rất nhiều.

Tới đây, doanh nghiệp may sẽ thuận lợi hơn trong nhập khẩu nguyên phụ liệu, giúp giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành.

TCM xuất khẩu sợi sang Trung Quốc là chính nên thị trường mở cửa sẽ thúc đẩy hoạt động xuất khẩu sợi của chúng tôi tăng trưởng tốt.

Bên cạnh đó, TCM cũng nhập nguyên phụ liệu khác từ Trung Quốc như cúc áo, hóa chất nhuộm…

Chúng tôi chưa thể đưa ra một con số để nhận định việc Trung Quốc mở cửa sẽ tác động ra sao tới doanh nghiệp, nhưng chắc chắn động thái này sẽ tạo động lực tăng trưởng tốt cho TCM trong năm 2023.

Cú huých để nông sản Việt Nam gia tăng xuất khẩu

Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam.

Năm 2022, xuất khẩu rau quả sang thị trường Trung Quốc đã có những động thái tích cực.

Điều này cho thấy nhu cầu tiêu thụ rau quả tươi từ Việt Nam của thị trường Trung Quốc là rất lớn; đồng thời, thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc vẫn không ngừng mở rộng cả về chất và lượng, bất chấp những khó khăn do dịch bệnh Covid-19.

Việc Trung Quốc mở cửa trở lại đường biên giới từ ngày 8/1 và dỡ bỏ cách ly sau khi hạ mức độ kiểm soát Covid-19 là tín hiệu tốt cho giao thương giữa hai bên.

Đây sẽ là cú huých để nông sản Việt Nam gia tăng xuất khẩu vào thị trường này.

Theo dự báo của Hiệp hội Rau quả Việt Nam, thời gian tới, kim ngạch xuất khẩu rau quả từ Việt Nam sang Trung Quốc sẽ tăng mạnh.

Chính vì vậy, doanh nghiệp Việt nếu muốn tận dụng thời cơ xuất khẩu thì phải đảm bảo sản xuất đầu ra phù hợp với yêu cầu và quy định từ phía Trung Quốc. Đặc biệt, phải lưu ý đến các quy định về kiểm dịch, an toàn thực phẩm, mã vùng sản xuất…

Để có thể đón đầu xu hướng này, tôi cho rằng, bên cạnh sự nỗ lực của doanh nghiệp, các thủ tục thông quan cần được diễn ra nhanh chóng, giúp doanh nghiệp xuất khẩu tiết kiệm thời gian, tiền của.

Doanh nghiệp xuất khẩu nông sản có nhiều việc phải làm

Bà Nguyễn Thị Thành Thực, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư Bagico.
Bà Nguyễn Thị Thành Thực, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư Bagico.

Trước khi xảy ra đại dịch Covid-19, các thương nhân Trung Quốc thường trực tiếp sang Việt Nam để tìm kiếm nguồn hàng nông sản. Khi đại dịch xảy ra, trong một thời gian dài, Trung Quốc kiên trì chính sách Zero Covid, khiến cho việc giao thương phải thực hiện bằng hình thức trực tuyến.

Từ ngày 8/1, khi Trung Quốc mở cửa biên giới trở lại, những doanh nghiệp xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc như Bagico có rất nhiều việc phải làm.

Đầu tiên là chúng tôi phải tìm cách củng cố lại, thắt chặt lại những mối quan hệ với bạn hàng truyền thống đã ít nhiều bị “đứt gãy” do điều kiện giãn cách vừa qua.

Cụ thể là thiết lập các buổi gặp gỡ trực tiếp để tìm hiểu nhu cầu của hai bên trong bối cảnh mới, từ đó tìm cách duy trì và nâng cấp quan hệ hợp tác.

Thứ hai, trong giai đoạn giãn cách, thông qua các chương trình xúc tiến thương mại trực tuyến, nhiều nhà buôn Trung Quốc trước đây ngồi tại chỗ mua hàng từ những thương lái mang nông sản từ Việt Nam về đã thiết lập được nhiều kết nối trực tiếp với nông sản Việt Nam hơn.

Đối với những bạn hàng lớn này, đây là thời điểm tốt để chúng tôi gặp gỡ trực tiếp khách hàng nhằm củng cố quan hệ và thống nhất một số thoả thuận liên quan đến tiêu chuẩn hàng hoá, bảo lãnh thanh toán…, là những việc khó thực hiện khi giao dịch trực tuyến.

Ở chiều ngược lại, việc Trung Quốc mở cửa trở lại cũng đặt ra nhiều yêu cầu khắt khe hơn đối với doanh nghiệp Việt. Ví dụ như trước đây, các công đoạn đánh mã vùng trồng, bao gói sản phẩm… chỉ được nước họ giám sát trực tuyến thì nay họ có điều kiện đi lại để kiểm tra trực tiếp. Nếu doanh nghiệp xuất khẩu nông sản nào làm ăn thiếu quy củ, thiếu chỉn chu trong tuân thủ các quy định đã giao kết thì rất dễ bị bạn hàng chấm dứt đơn hàng.

Tin bài liên quan