ACB đã đạt được kết quả kinh doanh đáng khích lệ.

ACB đã đạt được kết quả kinh doanh đáng khích lệ.

Doanh nghiệp niêm yết: Qua thời gay cấn

(ĐTCK) Kết quả kinh doanh quý I của các công ty niêm yết đang là thông tin nhà đầu tư cũng như giới phân tích quan tâm nhằm thẩm định liệu kinh tế đã qua vùng đáy. ĐTCK tiếp tục ghi nhận kết quả tại một số doanh nghiệp, phần nào phản ánh bức tranh kinh tế Việt Nam trong những tháng đầu năm.

Ông Lý Xuân Hải, Tổng giám đốc NHTMCP Á Châu (ACB)

Quý 1/2009, ACB đã đạt được kết quả kinh doanh đáng khích lệ. Tính đến 31/3/2009, tổng tài sản của ACB đạt trên 136.145 tỷ đồng; tổng vốn huy động đạt trên 89.472 tỷ đồng; dư nợ cho vay đạt trên 36.903 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế đạt trên 450 tỷ đồng (chưa hợp nhất từ các công ty con trực thuộc). Với đà tăng trưởng này, chúng tôi có nhiều cơ sở để hoàn thành mục tiêu lợi nhuận trước thuế dự kiến trình ĐHĐCĐ (đạt 2.700 tỷ đồng) và kế hoạch tăng trưởng tín dụng ở mức 90% vẫn được duy trì.

Không thể trong một sớm một chiều tín dụng có thể tăng trưởng nhanh, nhưng với diễn biến thị trường đang dần tốt lên thì khả năng hoàn thành mục tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức 90% (tương đương dư nợ đạt 65.000 tỷ đồng) trong năm nay của ACB là có thể. Vì 3 tháng đầu năm, dư nợ tín dụng ACB đạt 36.903 tỷ đồng nên 9 tháng còn lại của năm 2009 sẽ đủ thời gian để nỗ lực hoàn thành mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận cũng như kế hoạch lợi nhuận chuẩn bị thông qua ĐHĐCĐ sắp tới. Tuy nhiên, hoạt động của ngành vẫn còn những khó khăn nhất định khi khủng hoảng toàn cầu còn diễn ra. Do đó, đòi hỏi Ngân hàng phải có sự kiểm soát rủi ro trong hoạt động, nhất là với yếu tố nợ xấu khi tín dụng tăng trưởng nhanh. Với mục tiêu tăng trưởng tín dụng 90% năm nay, nợ xấu sẽ được kiểm soát dưới 1,2%.

Bà Lê Thị Huệ, Kế toán trưởng CTCP Mía đường Lam Sơn (LSS)

Công ty đang tập hợp số liệu để làm báo cáo tài chính hợp nhất, dự kiến LSS sẽ công bố kết quả kinh doanh chính thức trong tuần này. Ngành mía đường  là ngành sản xuất nông nghiệp, có yếu tố mùa vụ nên theo chu kỳ sản xuất kinh doanh, vào quý I và quý IV, LSS sẽ có kết quả kinh doanh khá nhất. Hiện tại, nếu tính riêng công ty mẹ, LSS có doanh thu ước đạt 282 tỷ đồng, bằng 28% so với kế hoạch năm, tăng so với cùng kỳ năm 2008. Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế của công ty mẹ chỉ đạt 25 đến 30 tỷ đồng, giảm so với cùng kỳ năm trước. Đầu ra sản phẩm của LSS có 40% là các DN sản xuất thực phẩm nên khá ổn định. Điểm thuận lợi cho Công ty là về cuối quý I, giá bán sản phẩm tăng dần do trên thị trường cung thấp hơn cầu.

Quý I/2009, khó khăn chung đến với tất cả các doanh nghiệp, để duy trì hiệu quả kinh doanh, ban điều hành LSS đã đề ra một số giải pháp: Tập trung phát triển vùng nguyên liệu, chủ động được đầu vào cho nhà máy. Vùng nguyên liệu của Công ty tập trung trọng điểm tại 4 huyện của tỉnh Thanh Hóa nay đã mở rộng ra  thêm 4 huyện lân cận; Khâu chế biến sản xuất được nghiên cứu cắt giảm tối đa chi phí; Công tác thị trường cũng được đẩy mạnh ưu tiên số 1 là giữ các thị trường và bạn hàng hiện có, từng bước mở rộng và tìm kiếm các thị trường, bạn hàng mới.

Công ty đang tập trung cao cho dự án tưới nước tự động cho vùng nguyên liệu hơn 5.000 ha, nhằm nâng hiệu quả sản lượng từ 65-70 tấn lên 90-100 tấn/héc-ta. Trong năm 2008, Công ty dành 60 tỷ đồng để nâng công suất hai nhà máy, dự kiến bắt đầu từ năm 2009, nhưng đứng trước nhiều diễn biến thị trường không thuận lợi có thể LSS sẽ phải dời kế hoạch sang năm 2010

Ông Nguyễn Thanh Bình, Kế toán trưởng CTCP Cao su Đồng Phú (DPR)

Khai thác cao su mủ là ngành công nghiệp có yếu mùa vụ. Sản lượng, năng suất của ngành tăng đều qua từng quý, cụ thể quý I là 10%, quý 2 là 20%, quý III là 30% còn lại là quý IV. Theo báo cáo kết quả kinh doanh quý I, tổng sản lượng tiêu thụ của DPR là 4.328 tấn, hoàn thành 22% kế hoạch năm. Doanh thu ước đạt 103 tỷ đồng, bằng 24,3% kế hoạch năm, lợi nhuận sau thuế đạt 28,8 tỷ đồng, hoàn thành 30% kế hoạch.

Đặc thù ngành trồng và khai thác mủ cao su là sử dụng nhiều lao động nên chi phí nhân công trực tiếp chiếm 40% doanh thu theo định mức do Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam ban hành, chi phí này chiếm gần 70% giá thành sản xuất. Ngoài ra, các chi phí khác như phân bón, công cụ, dụng cụ phục vụ cho việc khai thác và đựng mủ cao su chiếm khoảng 10% giá thành sản xuất. Chính vì vậy, hiệu quả hoạt động của Công ty phụ thuộc nhiều vào giá bán cao su thế giới. Sau khi rớt mạnh vào quý IV/2008, giá cao su thế giới đang trên đà phục hồi là một thuận lợi cho Công ty.

Ông Đỗ Văn Trắc, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Cáp và vật liệu viễn thông Sacom

Là doanh nghiệp sản xuất cáp, thông thường lợi nhuận các tháng đầu năm của SAM không bằng các tháng nửa cuối năm. Hiện nay, Công ty đang lập báo cáo quý để công bố theo quy định. Còn về khoản hoàn nhập dự phòng đầu tư tài chính mà nhà đầu tư quan tâm, tại thời điểm 31/12/2008, trích lập giá nào chúng tôi đã công bố hết. Đối chiếu giá ngày 31/3/2009 thì có thể tính ra con số trích lập dự phòng hiện nay còn bao nhiêu.

Hiện nay, các dự án bất động sản của SAM vẫn tiến triển tốt. Trong tháng 4 này, dự án chung cư và văn phòng của Sacomland trên đường Điện Biên Phủ (TP.HCM) sẽ được khởi công xây dựng, sau khi nhận được giấy phép xây dựng. Hồ sơ xây dựng cao ốc văn phòng tại trụ sở của SAM hiện nay cũng đang chờ phê duyệt.